Hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande triệu tập cuộc họp khẩn với hội đồng quốc phòng gồm các quan chức cao cấp nhất trong nội các và những người đứng đầu cơ quan tình báo, sau khi trang web WikiLeaks tung ra một loạt tài liệu mật cho thấy Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi hoạt động của ba tổng thống gần đây nhất của nước Pháp trong các năm 2006 - 2012.
Tổng thống Pháp François Hollande (phải) và Thủ tướng Manuel Valls sau một cuộc họp tại điện Élysée - Ảnh: Reuters |
Hãng tin AFP cho biết vụ tiết lộ tài liệu mật của WikiLeaks đã làm dấy lên phản ứng gay gắt trong giới chính trị gia Pháp. Nhất là trong bối cảnh nước này cũng đang chuẩn bị thông qua chương trình do thám quy mô lớn. Pháp cũng là một trong các đồng minh phụ thuộc nhiều vào chương trình do thám của Mỹ để phòng chống khủng bố và các nguy cơ khác.
Pháp phản ứng cứng rắn
Sau cuộc họp, Tổng thống Hollande tuyên bố “sẽ không dung thứ cho bất cứ hành động nào đe dọa tới an ninh nước Pháp”. Điện Élysée nhắc lại những cam kết của giới cầm quyền Mỹ từ cuối năm 2013 về việc sẽ không do thám các nhà lãnh đạo Pháp. “Họ phải nhớ và tuyệt đối tôn trọng những cam kết đó” - tuyên bố của Chính phủ Pháp nhấn mạnh. Văn phòng tổng thống Pháp khẳng định hành động của NSA là “không thể chấp nhận”.
Hãng tin Reuters cho biết Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley để phản ứng về những vấn đề liên quan tới tài liệu do WikiLeaks tiết lộ.
“Chúng tôi thấy khó hiểu và không hình dung nổi động cơ nào đã khiến một nước đồng minh lại do thám các đồng minh khác vốn là những bên đồng quan điểm chiến lược về các vấn đề chung của thế giới” - kênh truyền hình i-Tele dẫn lời người phát ngôn Chính phủ Pháp Stephane Le Foll nói.
Phát biểu trên kênh truyền hình i-Tele của Pháp, cựu bộ trưởng quốc phòng kiêm cựu ngoại trưởng Michèle Alliot-Marie cho biết từ lâu Pháp đã biết Mỹ có những phương tiện kỹ thuật để nghe trộm các cuộc trao đổi.
“Chúng tôi không hề ngây thơ, các cuộc trao đổi trước đây giữa Bộ Quốc phòng và tổng thống đã không dùng điện thoại. Sự việc đã làm dấy lên vấn đề về quan hệ tin tưởng giữa các đồng minh” - bà Alliot-Marie nhấn mạnh.
Theo dõi suốt 3 đời tổng thống
Theo AP, những tài liệu được đề là “tuyệt mật” trong tập hồ sơ có tên “Espionnage Élysée” (Do thám điện Élysée) cho thấy NSA đã theo dõi rất sát các cuộc thảo luận của những người đứng đầu nước Pháp trong ba nhiệm kỳ gần đây nhất. Thời gian do thám ít nhất là từ năm 2006 - 2012, thậm chí Hãng tin AP còn khẳng định quá trình do thám này đã kéo dài tới 10 năm.
Ba người bị theo dõi là tổng thống đương nhiệm François Hollande và hai người tiền nhiệm là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy (2007 - 2012) và Jacques Chirac (1995 - 2007). NSA được cho là đã do thám ba vị tổng thống này về các vấn đề liên quan nền kinh tế Hi Lạp, các mối quan hệ với Đức và về chính chương trình do thám của nước Mỹ. Ngoài ra, tài liệu trên còn cho biết các bộ trưởng trong nội các Pháp và đại sứ Pháp tại Mỹ cũng là những đối tượng “trong tầm ngắm” của NSA.
Chẳng hạn, một tài liệu tiết lộ ngay từ đầu tháng 5-2012, Tổng thống Pháp François Hollande đã tổ chức cuộc họp bí mật với nội các về những hậu quả có thể xảy ra nếu Hi Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Từ lâu Pháp vẫn duy trì quan điểm muốn Hi Lạp ở lại khối này. Ông Hollande muốn giữ bí mật cuộc họp vì e rằng nếu lọt ra ngoài có thể khiến cuộc khủng hoảng nợ công tại quốc gia này càng trầm trọng hơn.
Còn trong một tài liệu khác tiết lộ ông Sarkozy từng xem xét việc tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine mà không có sự can thiệp của Mỹ. Tập tài liệu đề năm 2010 cho biết giới lãnh đạo Pháp đã “tinh thông” việc Mỹ do thám họ và có ý định chỉ trích về việc đó.
Đổ vỡ niềm tin
Cựu bộ trưởng nội vụ Pháp Claude Guéant, cánh tay phải một thời của cựu tổng thống Sarkozy, cũng là một trong những mục tiêu của chương trình do thám của NSA, phản ứng rằng ông thấy “niềm tin đã sụp đổ” sau những vấn đề liên quan đến việc Mỹ do thám các tổng thống và giới chính trị gia Pháp.
“Dựa vào mối quan hệ rất thân thiết chúng ta đã có với người Mỹ và thực tiễn chúng ta là những đồng minh rất mực trung thành, tôi cảm thấy niềm tin đã sụp đổ” - cựu bộ trưởng Guéant nói.
Người phát ngôn của WikiLeaks Kristinn Hrafnsson khẳng định những tài liệu đã công bố hoàn toàn xác thực. Người này cũng lưu ý hàng loạt tài liệu mật liên quan tới Saudi Arabia gần đây đã được chứng minh chính xác.
Theo một nguồn tin thân cận giấu tên của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, ông xem hành động này là không thể chấp nhận, nhất là của một nước đồng minh như Mỹ. Cựu tổng thống Jacques Chirac chưa có ý kiến gì. Trên thực tế, NSA cũng là cơ quan từng có “tì vết” khi đã dính líu tới những cáo buộc do thám Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các nhà lãnh đạo Brazil và Mexico.
Văn phòng tổng thống Pháp cho biết ngay sau khi Paris phản ứng mạnh, tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ dừng "mọi động thái vốn bị xem là không thể chấp nhận được trong quá khứ giữa các đồng minh".
Còn người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Ned Price phản ứng rằngtheo nguyên tắc chung, Mỹ sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động do thám tình báo nước ngoài nào trừ khi có những mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cụ thể và cần thiết. Nguyên tắc này áp dụng với cả những người thường lẫn các nhà lãnh đạo thế giới” .
Truyền thông Mỹ dẫn thông báo từ Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ t nói chương trình đó không nhằm vào ông Hollande và các cuộc trao đổi của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận