14/09/2013 07:07 GMT+7

Pháp luật chưa theo kịp thực tiễn

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Luật sư TRẦN HỒNG PHONG

TT - Tin đồn nhảm, bình luận vô căn cứ, hình ảnh dàn dựng, lời nói xúc phạm... trên mạng ảo ngày càng gây ra những hậu quả thật đau lòng. Làm gì để hạn chế, ngăn ngừa tình trạng này? Xin giới thiệu một số ý kiến.

Câu chuyện giả danhLàm gì với tin đồn?

0FySN0yf.jpgPhóng to

Mạng xã hội là một “xã hội ảo”, ở đó mọi cá nhân có thể nói bất cứ điều gì, dù đúng, dù sai, dù thật, dù giả. Chính vì hầu như không có sự kiểm soát, hay nói đúng hơn là đang có “khoảng trống” về pháp luật, nên không ít người với mục đích xấu đã sử dụng mạng xã hội để nói xấu, xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức khác...

Việc Trung Quốc (xem Tuổi Trẻ 11-9) có quy định những người đăng bình luận vô căn cứ có thể bị phạt đến ba năm tù về tội vu khống nếu được nhiều người khác xem (trên 5.000 lượt) và dẫn lại (trên 500 lượt), theo tôi có lẽ chỉ là cụ thể hóa một quy định tại bộ luật hình sự của nước này về tội danh vu khống, chứ không phải là đặt ra một điều luật mới. “Mới” ở đây là việc Trung Quốc áp dụng luật vào các trường hợp trên mạng xã hội chứ trong luật pháp bất kỳ nước nào, hành vi vu khống đều bị xem là tội phạm.

Vấn đề là cần xác định rõ thế nào là “bình luận vô căn cứ”? Về nguyên tắc, mọi người đều có quyền phát biểu quan điểm, chính kiến của mình. Công dân có quyền đưa quan điểm, ý kiến của mình lên mạng xã hội. Đó chính là việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân - được Hiến pháp quy định.

Khi xem một bộ phim, không ai có quyền cấm người xem bình luận bộ phim đó là “hay” hoặc “dở”. Việc đưa ra ý kiến, quan điểm thể hiện dưới hình thức bài viết trên mạng xã hội phần nào còn thể hiện quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác, phê bình văn học nghệ thuật... của công dân - cũng được Hiến pháp ghi nhận.

Nội dung thông tin mà một người đưa lên mạng xã hội như thế nào sẽ quyết định về tính chất nguy hiểm hay nghiêm trọng, ảnh hưởng đến những đối tượng mà pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn, việc gần đây trên mạng Facebook có ai đó loan tin tổng giám đốc một ngân hàng bị bắt, hay có một vụ chặt tay cướp iPhone - cuối cùng xác định là tin bịa đặt. Rõ ràng những thông tin sai lệch, bịa đặt như vậy có tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, hoặc có thể gây ra sự bất an. Đặc biệt khi thông tin bị lan truyền với mức độ khủng khiếp, do sự “tiếp tay vô tư” của rất nhiều người trên mạng xã hội. Rõ ràng, người đầu tiên bịa đặt và tung ra tin đồn thất thiệt như vậy không thể không bị xử lý.

Theo tôi, luật pháp hiện nay ở VN và cả nhiều nước trên thế giới vẫn chưa đi kịp với thực tế “cuộc sống” trên mạng xã hội. Nhưng xu hướng chung là mọi nhà nước đều sẽ hướng đến việc ban hành những văn bản pháp luật theo hướng có thể kiểm soát, biết và xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Hồi tháng 11-2011, chính phủ của Thủ tướng David Cameron (Anh) từng đề xuất việc kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các hành vi kích động, gây bất ổn xã hội. Thậm chí đòi đóng cửa các mạng xã hội tại nước này.

Vừa qua, Chính phủ VN có ban hành nghị định 72/2013. Tuy nghị định có nhiều quy định bất hợp lý (mà tôi sẽ trở lại trong một dịp khác), nhưng nội dung “cấm người sử dụng mạng xã hội đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” là rất cần thiết, kịp thời. Những quy định như vậy sẽ làm cho mạng xã hội bớt đi sự bát nháo như lâu nay. Và cũng mở ra cơ hội cho những người bị xâm hại (bao gồm cả các cơ quan, tổ chức) có thể bảo vệ danh dự, uy tín của mình một cách hiệu quả hơn.

Một số vụ nói xấu trên mạng Internet trong thời gian qua

* Giữa tháng 7-2013, một phụ huynh đã phải cầu cứu cơ quan công an Đà Nẵng bởi con gái chị suýt mất mạng vì một trang Facebook mang tên “Bộ mặt thật của các hot teen Đà thành” đã bịa tạc, nhục mạ, xúc phạm con chị. Không chịu nổi sự bịa tạc này cùng sức ép từ bạn bè, cháu bé đã uống thuốc an thần tự tử. Điều đáng buồn là trang Facebook có hàng chục ngàn người like và theo dõi.

* Cũng tại Đà Nẵng, trong tháng 8 trên mạng xã hội Facebook xuất hiện địa chỉ có tên người dùng là Trường Nguyễn Thanh. Địa chỉ này đăng thông tin, hình ảnh có nội dung bôi nhọ, xúc phạm danh dự ông Nguyễn Thanh Trường, giám đốc Công ty cổ phần Việt Séc (216 Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

* Tháng 6-2013, em N.T.C.L. (Trường Hai Bà Trưng, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ để chứng minh với bạn bè sự trong sạch của mình và em không liên quan đến bức ảnh trên Facebook.

Trước đó, bị hai bạn trai trong lớp lấy ảnh của L. rồi ghép cùng với một thân hình mặc áo rộng cổ của người khác đăng tải trên trang Facebook của lớp, L. đã phản ứng và yêu cầu các bạn gỡ xuống nhưng không được các bạn thực hiện. Trở về nhà L. uống thuốc diệt cỏ tự tử, dù được đưa đi cứu chữa nhưng cô bé đã tử vong vì lượng thuốc diệt cỏ quá lớn.

* Một số nghệ sĩ của VN phải tuyên bố đóng Facebook cá nhân hoặc khẳng định mình không hề có Facebook bởi một số người mạo danh tên tuổi của các nghệ sĩ này để đưa các thông tin, hình ảnh không đúng về bản thân họ.

Có thể xử lý hình sự

Hành vi nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên các trang mạng xã hội hiện khá phổ biến. Thực tế có nhiều nạn nhân bị khủng hoảng tinh thần, ảnh hưởng nhiều đến công việc, danh dự và nhân phẩm, thậm chí có những người đã bị trầm cảm. Nói như vậy để thấy hậu quả của hành vi nói xấu trên mạng xã hội là rất khó lường.

Điểm d, điều 5 nghị định 72 của Chính phủ về quản lý và sử dụng Internet đã quy định rõ nghiêm cấm mọi hành vi “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân”. Nếu việc vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể coi là hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm cá nhân được quy định trong Bộ luật hình sự. Tôi không kiến nghị sẽ tăng nặng hình phạt cho những hành vi bị cấm tại khoản 5 của nghị định 72 nhưng có thể tăng hình phạt lên đối với những người tái phạm. Điều quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền cho người dùng Internet hiểu được quyền và trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội. Đối với đối tượng là các em học sinh thì cần phải có sự giáo dục từ sớm để các em sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh.

Cần sự tích cực của nhiều phía

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, thật khó để các cơ quan quản lý phát hiện, kiểm soát được hết tất cả bình luận, bài vở có tính xuyên tạc, nói xấu người khác trên mạng. Cho nên hơn ai hết, những người bị xúc phạm phải tự bảo vệ mình bằng cách báo tin và đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kẻ tung tin, viết bài xúc phạm.

Về phía cơ quan chức năng, rất cần một phản ứng nhanh nhạy, tích cực trước những yêu cầu của những “nạn nhân”. Có như vậy, những người vô tội mới có thể được bảo vệ tốt trước tác hại của tin đồn trên mạng.

Cùng ý kiến với luật sư Nông, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết theo ông, các cấp lãnh đạo cần có chủ trương và chỉ đạo cơ quan dưới quyền tích cực trong việc điều tra, truy tìm thủ phạm. Việc này rất cần thiết vì người dân không có chỗ dựa nào khác ngoài lực lượng chức năng, trong khi những hậu quả của tin đồn trên thực tế đã cho thấy nhiều khi rất thảm khốc.

Thế giới xử lý việc tung tin trên mạng

* Tháng 4 năm nay, thượng viện bang Maryland (Mỹ) đã thông qua đạo luật mang tên Grace, quy định hành vi liên tục xúc phạm người dưới 18 tuổi bằng máy tính hoặc smartphone sẽ bị khép vào tội “lăng nhục người khác”. Luật này được đặt theo tên nữ sinh 15 tuổi Grace McComas, người đã tự tử hồi năm ngoái vì bị sỉ nhục trên mạng xã hội.

* Các lãnh đạo địa phương tại Canada cũng đã đề nghị đưa việc sỉ nhục trên mạng vào bộ luật hình sự của nước này để “bảo vệ công dân Canada khỏi bị quấy rối trên mạng”, theo trang mạng thestar.com ngày 26-7.

“Có những hình thức tội ác mới trong thời hiện đại, và một cô gái trẻ ở tỉnh tôi đã chết vì bị sỉ nhục trên mạng” - The Star dẫn lời tỉnh trưởng Nova Scotia Darrell Dexter. Hồi tháng 4, cô bé tuổi teen Rehtaeh Parsons đã tự tử vì các bức ảnh có cảnh cô bị bốn gã trai cưỡng bức bị tung lên mạng.

* Trước khi ra quy định mới siết chặt kiểm soát tin đồn trên mạng, Trung Quốc đã bắt giữ nhiều nghi can lan truyền thông tin sai trên mạng liên quan đến nhiều vấn đề, từ thông tin dịch cúm H7N9 đến tung tin để trả thù cá nhân.

Tháng 8-2013, một người đàn ông họ Zhang ở tỉnh Quý Châu bị bắt sau khi đăng trên mạng Weibo thông tin sáu tù nhân vượt ngục đã giết chết 78 phụ nữ và hãm hiếp 16 người. Cũng trong tháng này, lãnh đạo và nhân viên một công ty tên Erma bị bắt giữ vì hành vi tung tin đồn để trục lợi. Cảnh sát Bắc Kinh bắt hai người tung tin một quan chức trong quân đội trốn sang Mỹ cùng gia đình.

Riêng tại thành phố Thượng Hải, cảnh sát cho biết trong tám tháng đầu năm họ đã điều tra hơn 380 tin đồn liên quan đến 170 nghi can. Trong đó có nghi can Fu Xuesheng đưa tin một người họ Huang, được xác định là chết vì tai nạn, thật sự bị ám sát liên quan đến một đường dây nhận hối lộ có sự tham gia của nhiều quan chức. Fu nêu chi tiết số tiền hối lộ và cho biết một quan chức trong số này có đến mười nhân tình. Tuy nhiên cảnh sát khẳng định thông tin này hoàn toàn vô căn cứ.

* Thái Lan cũng là một trong những nước mạnh tay với các tin đồn trên mạng. Đầu tháng 8-2013, Cơ quan Phòng chống tội phạm công nghệ cao (TCSD) của nước này đã đưa ra kế hoạch gây nhiều tranh cãi là cho phép theo dõi tin bài của người dân trên các mạng xã hội như Line và Facebook. Trong phỏng vấn trên tờ The Nation, lãnh đạo TCSD Pisit Pao In cảnh báo người dùng Facebook có thể bị bắt nếu “thích” một bài viết đe dọa đến an ninh quốc gia. “Nhấn nút thích nghĩa là bạn chấp nhận tin nhắn, ủng hộ nó” - ông Pisit cho biết. Hành vi “chia sẻ” thông tin mang tính lật đổ chính quyền cũng bị coi là tội. Trong tháng 8-2013, Thái Lan đã bắt giữ bốn người, trong đó có biên tập viên một kênh truyền hình, loan báo trên mạng xã hội rằng sắp xảy ra đảo chính và hối thúc mọi người trữ nước, lương thực.

* Chính phủ Bolivia cuối năm ngoái ban hành dự luật buộc những người sỉ nhục Tổng thống Evo Morales thông qua các trang mạng xã hội phải ra tòa và có thể bị xử tù.

* Viện Giáo dục Scotland đang kêu gọi chính phủ ban hành hướng dẫn về việc sử dụng mạng xã hội của học sinh, nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên bị học sinh sỉ nhục.

Một trường cấp II ở Scotland hồi đầu năm nay đã ra quy định buộc phụ huynh phải kiểm tra laptop và điện thoại di động của học sinh. Quy định được đưa ra sau khi học sinh trường này tạo một trang Facebook chứa đầy hình ảnh các giáo viên của trường kèm theo các nhận xét gợi dục.

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên