Hồ Bích Trâm và Quốc Huy trong phim Pháp đình lương tâm - ảnh: T.L
Có thể xem Pháp đình lương tâm là phần 4 của loạt phim Câu chuyện pháp đình do đạo diễn Tường Phương thực hiện.
Ba phần trước của bộ phim (Hơi ấm bàn tay, Giấc mơ thiên đường, Ngã rẽ) khi phát sóng đã tạo được sự chú ý của khán giả.
"Vẫn như các phần trước, Pháp đình lương tâm dù kể vụ án nhưng đó chỉ là cái cớ để tôi khắc họa thân phận của con người trong xã hội.
Lần này, đó là bi kịch xuất phát từ vụ án oan", đạo diễn Tường Phương chia sẻ với Tuổi trẻ Online cảm xúc của mình về bộ phim đầu tiên của ông thực hiện khi về hưu.
Trailer phim Pháp đình lương tâm
* Vì sao phim lại có tên là Pháp đình lương tâm?
- Vì tôi tin nó (pháp đình lương tâm) có và nó tồn tại trong lương tri, trong nhân cách ở mỗi con người chúng ta. Và ví như nếu không có nó thì không có bộ luật nào trên thế gian này có đủ những điều khoản để ngăn ngừa hành vi xấu hoặc tệ hơn là hành vi tạo ác của con người.
Kiều Khanh vai Thủy trong Pháp đình lương tâm - Ảnh: T.L
*Pháp đình lương tâm khai thác yếu tố nào mạnh nhất: một câu chuyện hình sự, thân phận của những con người hay những lỗ hổng của pháp luật hiện nay?
- Cả ba. Ở tuyến chủ đề dành cho các nhân vật chính, và nhiều hơn ba, nằm ở các tuyến chủ đề phụ, trong những cung bậc khác nhau mà các nhân vật phụ gánh vác.
Nói như vậy không có nghĩa là tôi ôm đồm, mà trong phạm vi một bộ phim dài tập cho phép, tôi tin những tuyến cài đặt đan xen nhau như vậy sẽ tải được ý đồ khá phức tạp của câu chuyện và cả sự phức tạp của tâm lý nội tại của từng nhân vật trong phim.
Nói cách khác, trong Pháp đình lương tâm ngồn ngộn thân phận của những nhân vật - con người bị giằng xé, bị dập vùi, bị tha hóa bởi những lỗ hổng của pháp luật, của cơ chế. Chính xác hơn là do bởi những con người vận hành guồng máy nhân danh pháp luật, nhân danh cơ chế đó.
Đạo diễn Tường Phương - Ảnh: T.L
* Có nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập trong thời gian qua càng làm bộ phim mang đậm yếu tố thời sự. Tuy nhiên, với phim truyền hình, đề tài này khó hấp dẫn với người xem hơn so với đề tài về gia đình, tình yêu... Anh có tin Pháp đình lương tâm sẽ tạo được sự chú ý với khán giả?
- Dù có vẻ đề tài tình yêu hay gia đình dễ lôi cuốn người xem hơn nhưng sức hấp dẫn trong một tác phẩm không chỉ từ một phía đề tài, mà còn do nhiều yếu tố khác như kết cấu hoặc tứ kể chuyện nữa.
Cứ nghĩ xem không có những yếu tố đó thì có là đề tài gì cũng khó thuyết phục người xem. Nhưng nói vậy vẫn là lý thuyết, nên tôi đã cố gắng hết sức mình qua việc tìm tòi cách kể, qua những tình tiết phát triển hay chuyển đổi tính cách nhân vật, qua những sáng tạo tình huống mà tôi hi vọng sẽ mang đến niềm tin và cảm xúc cho khán giả.
Hồ Bích Trâm trong vai nhà báo Sao Mai - Ảnh: T.L
Pháp đình lương tâm do biên kịch Quế Ngọc viết, kể về cuộc đời buồn của Ngọc Thủy. 15 năm trước, cha cô - một nông dân hiền lành, đã trở thành kẻ giết người trong vụ án nghiêm trọng, bị kết án chung thân. Mẹ cô sau 10 năm sống trong thị phi đã chết một cách tức tưởi.
Thủy bị trượt dài trong dòng đời, trở thành một gái điếm sành sỏi. 15 năm sau, cha Thủy - tù nhân mang mã hiệu "1998" - đã viết đơn kêu oan vì nhớ thương cô con gái bé nhỏ...
Nhà báo Sao Mai nhìn ra được sự oan ức của bản án đã cùng với Ngọc Thủy, ông Học (quản giáo ), Quân (con trai thẩm phán) tìm mọi cách để giải oan cho ông.
Phim có sự tham gia của Kiều Khanh, Hồ Bích Trâm, Chánh Thuận, Quốc Huy, Châu Kha, Mai Sơn Lâm, Ánh Hồng, Hồng Thắm, Kiến An, Thanh Hiền, Đình Hiếu, Kiều Ngân...
Phim phát sóng trên ANTV lúc 20h từ ngày 16-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận