Ông Phan Kiệm và vợ - bà Dương Kim Bằng ở chiến khu D năm 1950 - Ảnh tư liệu
Bà Phan Thu Nga, con gái phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Phan Kiệm, vừa tâm sự vừa lần giở lại những tư liệu ố màu thời gian về cha mình.
100 năm kể từ khi trên đời có một người tên Phan Kiệm (sinh 15-7-1920, còn có nhiều tên khác như Đào Tấn Xuân, Năm Thành, Năm Vân, Năm Xuân), 22 năm kể từ khi ông đã qua đời (1998), những công việc ông đã đảm đương: bí thư tỉnh ủy đầu tiên của Đắk Lắk năm 1945, chính ủy - quyền tư lệnh Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn 1948, phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn 1957... đều đã đi qua. Nhưng vẫn có những lấp lánh, những niềm tin sắt son còn lại về ông...
“Khi ấy chúng tôi mới ngoài 20 tuổi, chú Năm Vân ngoài 40, dáng cao gầy, khuôn mặt khắc khổ và những câu chuyện trong tù thì thật đáng ngưỡng mộ.
Họa sĩ TRANG PHƯỢNG
(một cán bộ trẻ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục những năm 1961-1962)
Sẵn sàng hi sinh
Có thể đọc thêm được những chia sẻ rất thân, rất sâu giữa những dòng chia buồn còn lưu lại. Ông "tướng biệt động" Tư Chu - Nguyễn Đức Hùng ghi: "Nhớ anh: một đời lận đận, một kiếp vinh quang. Thôi thì: sống gửi thác về. Kiếp phù du trăng tròn trăng khuyết. Cõi vĩnh hằng tiếng hạc vút cao".
Thiếu tướng tình báo Sáu Trí - Nguyễn Văn Khiêm ghi: "Thành kính viếng anh Năm. Cả đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng. Cả đời lao đao cực khổ, nỗi buồn không nguôi. Chỉ người trong cuộc và được anh chỉ đạo mới thấy hết tài năng và tấm lòng trung kiên của anh cho Đảng, cho Dân".
Và đằng sau những dòng tâm sự sâu sắc này là câu chuyện về những ngày tháng Phan Kiệm đã sống thật dữ dội, thật quyết liệt.
1955-1957 là thời kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam. Tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève không thực hiện được, các cơ sở cách mạng bị lộ liên tiếp, cán bộ nằm vùng bị bắt liên tục.
Ông Phan Kiệm, bấy giờ bí danh Năm Vân, được phân công làm phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động trong nội thành với nhiệm vụ củng cố cơ sở, xây dựng và phát triển phong trào đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang, chuẩn bị lực lượng chiến đấu lâu dài.
Chọn quận 1, quận 4 làm địa bàn hoạt động chính, ông Năm Vân lặn lội giữa những xóm lao động nghèo để xây dựng cơ sở, chuẩn bị đường dây liên lạc, bảo vệ cho các đồng chí mình nhập thành hoạt động. Và việc phải đến đã đến.
Ngày 9-10-1957, một kẻ phản bội đã khai ông, một cái bẫy được giăng sẵn nơi điểm hẹn. Năm Vân - phó bí thư Khu ủy, người nắm toàn bộ cơ sở cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn, bị bắt. Một tuần sau, ở một vùng ven Sài Gòn, vợ ông sinh con gái thứ hai Phan Thu Nga.
Những đòn tra tấn khốc liệt nhất được dành cho Năm Vân để tra hỏi nơi chốn của các thành viên khu ủy, xứ ủy, nơi các lãnh đạo Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Ba Duẩn (Lê Duẩn) đang trú chân.
Chỉ mấy ngày mà Năm Vân gãy gần hết hai hàm răng, ba xương sườn, một tai bị thủng màng nhĩ. Nhưng đổi lại vẫn chỉ là cái lắc đầu.
Hơn hai tháng như vậy, đặc cảnh miền Đông và công an Ngô Quyền chào thua, chuyển Năm Vân về Ty công an Định Tường (Mỹ Tho) để áp dụng biện pháp mạnh hơn.
Nhưng ở đây cũng vậy, từ dùng sức mạnh để tra tấn, đến dùng thủ đoạn để mua chuộc, đến dùng chiêu bài tố cộng, thảo luận chính trị... trái tim cộng sản của ông vẫn không bị lung lay. Hết cách, tháng 7-1959, Năm Vân bị đày ra Côn Đảo.
Lao 1 Côn Đảo khi ấy đang vào cuộc đấu tranh chống ly khai sinh tử. Năm Vân, dĩ nhiên cũng lao vào cuộc với tất cả máu thịt và tinh thần của mình.
Sổ tang của ông còn bút tích của "Nguyễn Văn Lai - người bạn nhỏ chuồng Cọp Côn Đảo: Tôi nhớ mãi câu nói của anh ở Chuồng Cọp: Sống làm cách mạng phải chung thủy với Đảng, với Dân. Mày còn ông già nuôi (ông Nguyễn Đức Thuận) và tao là dượng mày còn sống ở đây thì không bị cô độc. Cứ vững vàng kiên định, sống vì Đảng, chết cũng vì Đảng".
Ông Phan Kiệm và các con cháu sau hòa bình - Ảnh gia đình
Cuộc vượt ngục không tưởng
Sẵn lòng chọn cái chết để bảo vệ lý tưởng, nhưng Năm Vân không chết. Cuối 1960, Sài Gòn cho lệnh áp giải ông trở về để tiếp tục điều tra, khai thác. Đã mấy lần toan tính vượt ngục hụt ở Gia Định, Định Tường, Năm Vân quyết thực thi một kế hoạch táo bạo, đổi mạng để tìm lấy tự do.
Ông sử dụng sự giúp đỡ của những cơ sở cài cắm tại trạm y tế nhà ngục Côn Đảo để vừa khai bệnh nặng vừa bồi bổ sức khỏe, tích trữ thuốc bổ, thuốc ngủ.
Ông tranh thủ nhận đồng hương, đồng môn, gây cảm tình với mấy người lính có nhiệm vụ áp giải trên tàu. Ông giả bệnh kiết lỵ để được tháo còng và được tự do chống gậy lê bước đến khu vệ sinh trên tàu...
Cứ vậy, mấy ngày trôi qua, rạng sáng tàu vào cửa biển Cần Giờ, Năm Vân lén bỏ thuốc ngủ vào ấm trà bốc khói, rót mời những người lính gác, rồi lê vào nhà vệ sinh. Khi xung quanh đã vắng lặng, ông lẹ làng nhảy lên thành tàu, bươn xuống nước, bơi vào rừng đước.
Hai chiếc canô đã quay lại quần tìm Năm Vân suốt ngày mà không thấy. Năm Vân đã lội giữa rừng đước, bẻ dừa nước, bắt còng ăn sống. Sinh tồn như vậy suốt 10 ngày, đến ngày thứ 11 thì ông gặp được mấy anh em trai đi đặt lợp bắt tôm cá, chặt lá dừa nước.
Vốn là gia đình có người theo cách mạng, mấy cậu trai đã đưa ông lên thuyền, ẩn dưới đống lá dừa nước mà đưa về nhà. Chén cơm nóng đầu tiên sau suốt mấy năm đi dây sống chết quả là chén cơm cứu tử.
Ông bà Bi, cha mẹ của mấy cậu con trai, đã rất nhanh nhẹn, mưu trí, đưa được Năm Vân về lại Sài Gòn. Thêm hơn một tháng luân lạc giữa mạng lưới cơ sở nơi còn nơi mất ở Sài Gòn, ông về được căn cứ khu ủy.
Trọn một niềm tin
Thế nhưng thách thức chưa hết. Những nghi ngại của một số đồng chí, đồng đội trước câu chuyện vượt ngục vô tiền khoáng hậu của ông mới chính là đỉnh núi khó vượt qua.
Ông đã ghi lại những dòng đầy tâm trạng trong di cảo: "...Tưởng đã chết đi từ lâu, nay lại được sống gần vợ con, sống trong lòng Dân, lòng Đảng, tôi vui sướng không bút mực nào tả xiết. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì có một cái gì làm tôi thấy buồn man mác.
Đó là việc một số đồng chí chẳng những không hỏi han mà còn tỏ ý nghi ngờ, xa lánh tôi. Có anh trước đây từng là bạn bè nay đến thăm hỏi nhưng không chút niềm nở làm tôi càng băn khoăn. Anh ấy có ý nghi ngờ việc vượt ngục của tôi.
Tôi tự an ủi: các anh ấy có bị tù và vượt ngục lần nào đâu mà hiểu được, nhất là trường hợp hóc búa của tôi, làm sao các anh hiểu cho nổi...".
Mãi 15 năm sau, 1976, một cuộc họp mặt trong hòa bình của những người tình báo, ông Ba Lễ - Nguyễn Văn Lễ (trưởng Ty công an Côn Đảo), ông Sáu Trí - Nguyễn Văn Khiêm (sĩ quan Tổng nha cảnh sát Sài Gòn), câu chuyện vượt ngục của Năm Vân mới được chắp nối và minh chứng rõ ràng: từ sự tiếp sức của những người đồng đội tại Côn Đảo đến hồ sơ về vụ dẫn giải và vượt ngục giữa nha an ninh và nha quân đội mà ông Sáu Trí đã từng được giao nghiên cứu.
Thêm mười mấy năm nỗ lực nữa, ông trở lại Cần Giờ và tìm được gia đình ông bà Bi, ân nhân giữa rừng khi xưa. Cuộc gặp mặt mừng tủi khép lại vẹn tròn cuộc vượt ngục như phim hành động.
Bà Nga kể: "Tới khi nghỉ hưu, ba tôi chỉ là một nhân viên bình thường của văn phòng Thành ủy TP.HCM, nhưng niềm tin tưởng của ông vẫn tuyệt đối, trọn vẹn".
Một đời ông đã trọn một niềm tin với Đảng, với Dân.
Tháng 7-2020, Thành ủy TP.HCM tổ chức những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Phan Kiệm (15-7): ra mắt sách Mật mã đặc khu - Phan Tùng Sơn, tổ chức tọa đàm, thăm gia đình và ôn lại những đóng góp của ông trong sự nghiệp cách mạng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận