31/05/2012 07:04 GMT+7

Phản đối nhà tài trợ chính Olympic London

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG
HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG

TT - Đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh đã có thư gửi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc của Chính phủ và nhân dân VN đối với quyết định của IOC về việc chấp nhận Công ty hóa chất Dow Chemical làm đối tác toàn cầu, tài trợ cho phong trào Olympic từ nay đến năm 2020”.

Trong lá thư (toàn văn tại http://www.vava.org.vn/), ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng Dow Chemical là một trong những công ty hóa chất chủ chốt sản xuất chất độc da cam đã được quân đội Mỹ sử dụng tới 80 triệu lít để rải khắp làng quê miền Nam VN trong mười năm từ 1961-1971. “Đáng lên án là việc bất chấp dư luận quốc tế, Công ty hóa chất Dow Chemical vẫn phớt lờ và từ chối bồi thường cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc da cam do công ty sản xuất cũng như tham gia tẩy độc những vùng đất bị nhiễm độc” - lá thư viết.

Phía VN đánh giá việc IOC chấp nhận Dow Chemical tài trợ cho các kỳ thế vận hội là một quyết định vội vàng. Đồng thời kêu gọi IOC xem xét lại quyết định của mình và đứng về phía hàng triệu nạn nhân chất độc da cam tại VN và trên thế giới, yêu cầu Dow Chemical thực hiện nghĩa vụ đối với các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và phải dành nguồn lực về tài chính để khắc phục các hậu quả của việc này, trước khi có đủ tư cách tài trợ cho Thế vận hội.

Tuy nhiên trong thư phúc đáp, tổng giám đốc IOC là ông Christophe De Kepper nói Dow Chemical khẳng định họ ngừng sản xuất chất da cam từ trước cuối năm 1969 và hiện nay Dow Chemical đã ủng hộ phong trào Olympic từ nhiều năm nay và cung cấp nguồn tài chính cũng như chuyên môn cho các kỳ thế vận hội. Theo báo The Guardian của Anh, Dow Chemical đã ký tài trợ 100 triệu USD cho IOC cho giai đoạn 10 năm từ 2010 và năm 2011 đã đồng ý tài trợ 7 triệu bảng Anh cho Olympic London 2012.

Trước đó cuối tháng 2-2012, khoảng 20.000 nhà hoạt động và nạn nhân còn sống sót trong vụ rò rỉ khí độc tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của Dow Chemical ở Bhopal (Ấn Độ) năm 1984 đã nộp đơn thỉnh cầu yêu cầu Chính phủ Anh loại Dow Chemical khỏi danh sách nhà tài trợ cho Thế vận hội Olympic London 2012. Sự cố Bhopal đã giết chết hơn 15.000 người và khiến hàng ngàn người khác chịu bệnh tật.

Một chiến dịch cũng đã được khởi động với sự tham gia của các vận động viên và tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu nhằm kêu gọi nhà tổ chức Olympic 2012 chấm dứt quan hệ với Dow Chemical (địa chỉ: http://athletesagainstdowchemical.wordpress.com/). Website viết: “Chúng tôi, cựu vận động viên và các vận động viên đang tranh tài, các tuyển thủ Olympic và thành viên đội tuyển quốc gia, không cảm thấy rằng Dow Chemical là hiện thân của tinh thần và tính nhân văn của phong trào Olympic”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-5, ông Nguyễn Văn Tình (cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ VH-TT&DL) cho biết: “Có sự mâu thuẫn lớn khi những kẻ đi gieo rắc ô nhiễm trên toàn thế giới trở thành tài trợ chính cho một biểu tượng về sức khỏe và tinh thần nhân văn như Olympic”. Tuy nhiên, ông Tình cũng cho biết hành động này không đồng nghĩa với việc tẩy chay Olympic London 2012. “VN, Ấn Độ là nạn nhân trực tiếp của Dow Chemical và chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh. Nhưng đây là quan hệ song phương với Dow Chemical và Mỹ chứ không thể để nó ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa VN và Olympic toàn cầu” - ông Tình nói.

Từ London, chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt Len Aldis cho Tuổi Trẻ biết: “Không một số tiền nào có thể giúp Dow Chemical được chấp nhận làm nhà tài trợ cho Thế vận hội. Nếu Dow Chemical muốn cho tiền, họ hãy bồi thường cho các nạn nhân và gia đình những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam. Cho đến nay Dow Chemical vẫn từ chối việc nhận trách nhiệm và không hề bồi thường một xu nào”.

HƯƠNG GIANG - HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên