12/08/2018 11:09 GMT+7

Phẩm cách

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Trong năm 2006, từ 'phẩm cách' được ghi nhận là từ thông dụng phổ biến nhất tại Nhật Bản. Cùng lúc, quyển sách Phẩm cách quốc gia của Fujiwara Masahiko ấn hành tháng 11-2005 đã bán hết 2,65 triệu bản tại Nhật trong 6 tháng.

Phẩm cách - Ảnh 1.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương trình bày các quan điểm gây tranh cãi của quyển Phẩm cách quốc gia - Ảnh: L.ĐIỀN

Theo từ nguyên, phẩm cách chính là phẩm giá - điều tinh túy làm nên giá trị của một chủ thể. Vậy khi đề cập đến khái niệm "phẩm cách quốc gia", liệu người ta sẽ nói những gì?

Câu trả lời đã sẵn trong quyển sách của tác giả Fujiwara Masahiko. Điều thú vị là sau khi quyển Phẩm cách quốc gia ra đời, tại Nhật có một người phụ nữ nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục và nữ quyền - bà Bando Mariko - đã chấp bút viết liền hai quyển nữa: Phẩm cách phụ nữPhẩm cách cha mẹ, như một sự hô ứng đưa khái niệm "phẩm cách" trở lại cho kỳ được trong tâm thức người Nhật hiện nay.

Và tại Đường sách TP.HCM sáng 11-8, cuộc trao đổi về đề tài của ba quyển sách này được chia sẻ với bạn đọc, với diễn giả chính là nhóm những người quan tâm và có liên quan gồm: bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc NXB Phụ Nữ; hai nhà báo Hòa Bình và Lê Minh Quốc, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, tiến sĩ Bùi Trân Phượng.

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương - người có nhiều năm học và sống ở Nhật - cho rằng quyển sách Phẩm cách quốc gia xứng đáng xếp vào trường phái "bảo thủ mới".

Người đọc sẽ tìm thấy ở sách này những quan điểm phản biện phương Tây, hoài nghi và thậm chí lên án cách vận hành của xã hội Âu Mỹ.

Tác giả mạnh dạn lên tiếng: "Nếu chỉ có logic, thế giới sẽ phá sản" hoặc đặt vấn đề: "Tại sao tình cảm và hình thức lại quan trọng?".

Và quan trọng hơn cả là tác giả đưa ra bốn chỉ dấu để nhận biết một quốc gia có phẩm cách, đó là: Độc lập và không bị phụ thuộc; Đạo đức cao; Ruộng vườn đẹp đẽ; Sự xuất hiện liên tục của các thiên tài.

Trong thực tế, khi những giá trị trong xã hội dân chủ phương Tây bị phê phán, quan điểm của Fujiwara Masahiko gây ra nhiều luồng ý kiến tranh cãi. Và Nguyễn Quốc Vương lưu ý rằng quan điểm này được đưa ra khi Nhật Bản đã Âu Mỹ hóa đến cực đỉnh, họ học Âu Mỹ đến biết từng ngóc ngách của nền kinh tế thị trường và xã hội công nghiệp hiện đại, rồi họ mới sực nhớ ra những giá trị truyền thống.

Điều đó là bình thường chứ không như ở ta, ngay cả một thị trường, một xã hội như Âu Mỹ vẫn còn là đỉnh cao mơ ước xa vời.

Còn hai tập sách Phẩm cách phụ nữPhẩm cách cha mẹ cũng có nhiều quan điểm bất đồng. Trong khi nhà báo Lê Minh Quốc lưu ý bạn đọc rằng "không nên tin tất cả những gì trong sách", tiến sĩ Bùi Trân Phượng cho rằng phẩm cách quốc gia được hình thành từ phẩm cách của công dân, từ những gia đình có phẩm cách trong chính quốc gia đó.

Cho nên cái gì học được từ người Nhật thì nên học, giá trị nào phù hợp với mình rồi sẽ trở thành giá trị chung của nhân loại.

Quan trọng hơn, "ba quyển sách này làm tôi hiểu thêm về người Nhật, nước Nhật, hiểu các vấn đề mà họ đang trăn trở và từ đó liệu chúng ta có thể dự phòng gì cho chính đất nước chúng ta không?".

“Phẩm cách” du lịch nông dân “Phẩm cách” du lịch nông dân

Người nông dân đồng bằng đã mang những nét đẹp phẩm cách vốn có hòa vào sản phẩm du lịch của mình.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên