Phóng to |
PGS Nguyễn Quang Tuyến - Ảnh: Xuân Long |
- Tôi đã nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang lấy ý kiến nhân dân và nhận thấy trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp này đã bổ sung một điểm rất quan trọng, đó là lần đầu tiên chính thức công nhận “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định như vậy thì Luật đất đai (sửa đổi) cũng phải làm rõ và trân trọng quyền tài sản được pháp luật bảo hộ của người dân.
Đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), qua nghiên cứu, điểm mới đầu tiên được cho là có bước tiến chính là trong nội dung bổ sung, điều chỉnh của luật đã làm rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích lợi ích quốc phòng, an ninh, công cộng, lợi ích quốc gia và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cho rằng nhất quyết phải quy định từng trường hợp thu hồi đất vào các mục đích, càng cụ thể thì càng tránh được tình trạng nhập nhèm, tránh được tình trạng lạm dụng thu hồi đất của người dân vì mục đích và lợi ích của nhóm này, nhóm kia.
* Thưa ông, việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” có ý nghĩa như thế nào khi xem xét, thực hiện thu hồi đất người dân đang sử dụng?
- Thực tế hiện nay có chuyện lạm dụng thu hồi đất và cũng có trường hợp thu hồi đất sai phải xử lý, kiểm điểm. Vấn đề nữa nổi lên là khi thu hồi đất thì ở chỗ này, chỗ kia vẫn có chuyện người dân cho rằng quyền lợi của mình chưa được bồi thường thỏa đáng. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã quy định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” là một bước tiến quan trọng, vấn đề đặt ra trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chính là phải thể chế hóa quy định “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”. Đương nhiên khi quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì trong mọi quy định về đất đai đều phải cân nhắc những giao dịch nào vì lợi ích công thì sử dụng cơ chế hành chính nhà nước, còn những giao dịch nào mang tính chất dân sự thì phải sử dụng cơ chế dân sự.
* Ý ông là việc thu hồi đất không thể chỉ áp dụng cơ chế hành chính?
- Chính xác phải là không thể trong mọi trường hợp Nhà nước đều thu hồi đất. Hiện nay một số quan điểm cho rằng Luật đất đai cần theo hướng Nhà nước thực hiện một cơ chế là thu hồi hết. Tôi có quan điểm khác. Trong tất cả các trường hợp, nếu điều tiết quan hệ đất đai đều bằng biện pháp hành chính, tôi e rằng cả về mặt nhận thức và khoa học chưa chính xác.
* Như vậy với những dự án vì lợi nhuận của chủ đầu tư, theo ông, việc thu hồi đất cần thực hiện theo phương thức nào?
- Tôi cho rằng có nhiều cách thực hiện, hoặc là trưng mua, hoặc tiếp tục thực hiện theo hướng thỏa thuận. Hiện có nhiều người nói thỏa thuận thì người dân gây sức ép cho nhà đầu tư. Tôi cho rằng nếu nhìn nhận như vậy là chưa toàn diện. Đã là thỏa thuận thì không bao giờ đạt được sự tuyệt đối 100%. Nếu cùng một loại đất, cùng có hệ số sinh lời từ đất giống nhau, sự đồng thuận sẽ theo đa số, có nghĩa là khi thỏa thuận có tới 80% đồng ý thì 20% còn lại cũng phải theo.
* Theo ông, cần có cơ chế nào cho người dân giám sát quyền đại diện chủ sở hữu trong thu hồi đất?
- Việc trao quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân cho các cơ quan quản lý nhà nước là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề người dân và ý kiến góp ý cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến đều mong muốn cần phải rõ cơ chế giám sát quyền đại diện này. Theo cá nhân tôi, cơ chế giám sát hiện nay chưa phù hợp, chưa đủ mạnh nên vẫn có chuyện khi bị tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực thì chuyện tùy tiện thu hồi đất vẫn xảy ra.
Đất nông nghiệp hết hạn sử dụng trên giấy đỏ: Cấp giấy đỏ mới hoặc gia hạn ở trang 4 Bộ Tài nguyên - môi trường vừa yêu cầu sở tài nguyên - môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc phải tiếp nhận hồ sơ và đăng ký biến động đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp đã hết hoặc sắp hết hạn ghi trên giấy đỏ. Việc gia hạn này phải đáp ứng đủ các điều kiện: người sử dụng đất muốn tiếp tục sử dụng, quá trình sử dụng đất không vi phạm pháp luật và đất đang sử dụng phù hợp với quy hoạch. Thời hạn sử dụng đất được gia hạn là 20 năm đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản giao cho hộ gia đình, cá nhân. Các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận việc gia hạn này trên trang 4 của giấy đỏ đã cấp hoặc cấp giấy đỏ mới nếu người dân yêu cầu. Ngày 26-2, Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo UBND các quận huyện thực hiện gia hạn thời hạn sử dụng đất cho người dân. Trước đó, người dân phản ảnh một số địa phương không làm thủ tục gia hạn thời hạn sử dụng đất cho những trường hợp đã hết thời hạn sử dụng đất ghi trên giấy đỏ, khiến người dân gặp khó khi giao dịch. (D.N.HÀ) Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp lên 50 năm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Mạnh Hiển cho biết dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến người dân, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân đến hết tháng 3-2013, sau đó các tỉnh thành có trách nhiệm báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức gửi về Bộ TN-MT trước ngày 5-4 để hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 15-4. Đề cập đến nội dung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), ông Hiển cho biết dự thảo lần này có nhiều điểm mới với mong muốn khắc phục những điểm bất cập của Luật đất đai 2003 đang thực thi. “So với quy định của Luật đất đai 2003, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định điều chỉnh thời hạn giao đất trong hạn mức sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp thay vì 20 năm như hiện nay để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất” - ông Hiển nói. “Ngoài điểm mới về nâng thời hạn giao đất nông nghiệp, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cũng điều chỉnh mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền lên không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Đây là mức mở rộng tương đối lớn vì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật đất đai 2003 chỉ được phép bằng hai lần hạn mức giao đất nông nghiệp” - ông Hiển nói. Theo ông Hiển, điểm mới rõ nét nhất ở khâu quy trình, thủ tục thu hồi đất đã được bổ sung quy định phải tổ chức họp để lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. “Dự thảo cũng đã bổ sung quy định thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo hướng chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất là cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, trong dự thảo nêu rất rõ người có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thì không được ủy quyền” - ông Hiển lưu ý. Về nội dung bồi thường, theo ông Hiển, đây cũng là nội dung có sự khác biệt rõ nét so với Luật đất đai 2003, đó là việc tách nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất thành một điều riêng. Bổ sung trường hợp “sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” thì được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. (XUÂN LONG) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận