Phóng to |
Đại biểu Bùi Hoàng Danh không đồng ý nâng lên mức 150 triệu đồng mới truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế - Ảnh: Thanh Đạm |
Phó giám đốc Công an TP.HCM Lê Thanh Bình khẳng định tham nhũng là quốc nạn, với hình phạt như hiện nay mà chống mãi hiệu quả vẫn chưa cao, nhưng dự thảo luật lại yêu cầu giảm nốt hình phạt mang tính răn đe cao nhất là không hợp lý. Đồng tình với quan điểm không thể bỏ án tử hình với hành vi tham ô, nhận hối lộ, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng dù xu hướng của thế giới giảm hình phạt này nhưng VN không thể giảm vì đặc thù của đất nước.
Theo ông Trừng, có thể cân nhắc giảm số án, nhưng không thể bỏ hẳn để có trường hợp nghiêm trọng lại không thể xử được.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi VN Nguyễn Tấn Trịnh bày tỏ thái độ dứt khoát: không thể bỏ hình phạt tử hình đối với tham ô, nhận hối lộ nhằm đề cao tác dụng giáo dục, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. “Nước láng giềng Trung Quốc xử lý rất nghiêm đối với tham nhũng, minh chứng mới đây cựu phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh đã bị tử hình vì tham nhũng” - ông Trịnh nói.
Nhìn nhận khía cạnh khác của đề xuất bỏ án tử hình, đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho biết hiện những kẻ được ân giảm từ án tử hình xuống chung thân thường chỉ chấp hành hình phạt 15-20 năm là được thả vì già yếu hoặc ân xá. Bởi vậy, theo bà Hồng, nên đặt ra loại án chung thân không bao giờ được giảm án. Đặc biệt với án tham nhũng, bà Ngô Minh Hồng cho rằng cần tìm cách thu hồi hết tài sản bất chính. “Vợ con, gia đình những kẻ tham ô bị phát hiện nếu không giải trình được tài sản thì phải tịch thu” vì theo bà Hồng, nếu không làm thế, những kẻ tham nhũng vào trại giam vẫn có cuộc sống điều kiện hơn bình thường.
Khung hình phạt rộng, dễ “chạy chọt”
Để xử lý được các tội phạm mới như môi trường, bà Ngô Minh Hồng đề nghị đưa pháp nhân vào như một chủ thể có thể xử lý hình sự, có thế mới chống được tội trốn thuế, hủy hoại môi trường. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắc Lắc) đưa ra một thực tế đã được nhiều chuyên gia tư pháp nói tới như một nguyên nhân nạn “chạy chọt”, “xin cho” trong hoạt động tư pháp, đó là khoảng cách quá lớn giữa điểm đầu và điểm cuối của khung hình phạt. Theo ông Hữu, khoảng án quá rộng, cùng một tội nhưng khung cho từ 3 tháng đến 3 năm, có khung chênh nhau 5-7 năm tù. Điều này dễ dẫn đến áp dụng con số nào rất tùy tiện.
Về việc nâng mức định lượng căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, theo ông Bùi Hoàng Danh - chánh án TAND TP.HCM, dự thảo luật thay mức từ 1 triệu đồng trở lên đối với tội lạm dụng lên 4 triệu đồng là thấp. Ngược lại, với tội trốn thuế, trước khởi điểm 50 triệu đồng, giờ nâng lên 150 triệu đồng mới truy cứu trách nhiệm hình sự, theo ông Danh là không hợp lý vì “quy định như thế, họ sẽ tính trốn thuế 149 triệu đồng là khỏe, Nhà nước bị thiệt hại lớn”. Riêng mức này, ông Danh đề nghị phải hạ xuống.
Về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường: Hạn chế do mô hình, không phải do đại biểu Sáng 7-11, Quốc hội đã dành thời gian để tiếp tục thảo luận về đề án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết đề án này đã được xây dựng từ năm 1998, trong quá trình xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, phiên họp cũng như gặp gỡ trực tiếp cử tri... để lấy ý kiến về các vấn đề có liên quan. Về câu hỏi vì sao thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, ông Tuấn trả lời: “Trong những năm qua HĐND các cấp đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những hạn chế. Và hạn chế không phải do đại biểu mà do mô hình tổ chức chính quyền địa phương ba cấp đều tổ chức HĐND và UBND, nên nhiệm vụ thẩm quyền của cả ba cấp HĐND gần giống nhau dẫn dến trùng lặp, chồng chéo khi thực hiện…”. Giải thích lý do không tổ chức HĐND huyện, quận, phường mà vẫn duy trì HĐND xã, thị trấn, thị xã, TP thuộc tỉnh, ông Tuấn nói: “Thị xã, TP thuộc tỉnh khác với huyện ở chỗ đây là các đô thị hoàn chỉnh, có tính độc lập tương đối trong việc quyết định các vấn đề quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng của đô thị và quản lý các hoạt động diễn ra trên địa bàn toàn đô thị, nên việc tổ chức HĐND ở thị xã, TP thuộc tỉnh là cần thiết. Đối với xã, do tính chất gắn bó chặt chẽ của cộng đồng dân cư trên cơ sở phong tục tập quán, đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu do chính quyền quản lý nên phải tổ chức HĐND. Còn thị trấn vừa có tính chất hành chính của đô thị vừa có tính chất của một đơn vị hành chính cơ sở nông thôn, nên cần thiết tổ chức bộ máy chính quyền có cả HĐND và UBND”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận