13/01/2013 07:11 GMT+7

Phải thể hiện chủ quyền nhân dân

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Ngày 12-1, khoa luật hành chính - nhà nước Trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương và liên hệ với việc sửa đổi Hiến pháp”.

AOq5wfCm.jpgPhóng to
Thạc sĩ Cao Vũ Minh (đứng), giảng viên khoa luật hành chính - nhà nước Đại học Luật TP.HCM, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Trương Tư Phước

Thư góp ý không cần dán tem

Bộ Thông tin và truyền thông cho biết từ nay đến ngày 31-3-2013, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai tổ chức việc chấp nhận, vận chuyển và phát thư đóng góp ý kiến của nhân dân trên toàn mạng bưu chính công cộng. Mọi tổ chức, cá nhân có thể gửi thư không dán tem và trên bì thư phải ghi rõ dòng chữ: “Thư góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Địa chỉ nơi nhận: Thường trực ban biên tập - Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, số 37 Hùng Vương, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

M.QUANG

PGS.TS Nguyễn Cửu Việt (nguyên giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết ông quan tâm hai nguyên tắc của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là dự thảo) là chủ quyền nhân dân và tổ chức quyền lực nhà nước. Ông Việt nói Hiến pháp là bản khế ước của nhân dân, vì thế trước hết nó phải thể hiện chủ quyền nhân dân.

Theo ông Việt, nhìn chung nguyên tắc chủ quyền nhân dân trong dự thảo thể hiện đậm nét hơn trong Hiến pháp năm 1992. Dẫn điều 1 của dự thảo “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”, ông Việt tâm đắc ý mới ở đây là “nước ta là một nước dân chủ”, một nguyên tắc rất quan trọng mà các hiến pháp tiên tiến đều quy định. Theo ông, nguyên tắc dân chủ được thể hiện tập trung ở các quy định về quyền con người, quyền công dân tại chương 2 của dự thảo và một số quy định khác. Đồng thời chủ quyền nhân dân tiếp tục được khẳng định tại điều 2 dự thảo bằng cụm từ “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Tuy nhiên, đây là những quy định mang tính tuyên ngôn, nguyên tắc, cần được cụ thể hóa trong các quy định khác trong Hiến pháp.

Tại điều 6 dự thảo, ông Việt cho rằng nội dung của điều này là cụ thể hóa, củng cố quan trọng hai tuyên bố nói trên. Theo đó, điểm mới, tiến bộ là ngoài hình thức dân chủ đại diện (tức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội, HĐND), còn có dân chủ trực tiếp. Điểm đáng chú ý là đặt dân chủ trực tiếp lên trước dân chủ đại diện. “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (điều 6 dự thảo).

Nội dung của điều 6 dự thảo cũng được nhấn mạnh điểm mới quan trọng so với các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992, vì ở đó chưa quy định về dân chủ trực tiếp. Tuy nhiên, ông Việt kiến nghị cần chỉ rõ hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện ở những việc gì.

So với Hiến pháp năm 1946 không có quy định mang tính lý luận này, nhưng hình thức dân chủ trực tiếp mà khi đọc đến đây, ông Việt cho rằng được thể hiện rất mạnh mẽ tại các điều thứ 21, 32 và 70 về quyền phúc quyết, các vấn đề cần đưa nhân dân phúc quyết... “Thế mới rõ ràng, cụ thể, chắc chắn” - ông Việt nói. Hiến pháp năm 1946 còn được nhớ đến ở đặc điểm là một hiến pháp ít lời nhưng ghi nhận trang trọng nguyên tắc chủ quyền nhân dân với quyền phúc quyết của nhân dân rất pháp lý, rõ ràng, mạnh mẽ. “Kinh nghiệm này càng trở nên vô cùng thời sự”. Ông Việt cũng kiến nghị: “Trong Hiến pháp sửa đổi lần này, nguyên tắc chủ quyền nhân dân cần được ghi nhận thật trang trọng, rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với trình độ dân chủ và pháp lý hiện đại”.

Cơ hội cho những tiếng nói “hay bị bỏ quên”

Ngày 12-1 tại Hà Nội, các tổ chức phi chính phủ (điều phối là Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường - iSEE) tổ chức chương trình tập huấn lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp cho những người khuyết tật, người có H (HIV), lao động di cư, người dân tộc thiểu số, người đồng tính - song tính - chuyển giới...

Ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, trong phần trình bày tại buổi tập huấn đã lưu ý các đại biểu - những người từ nay sẽ là “hạt nhân” lấy ý kiến cộng đồng góp ý cho Hiến pháp trong khuôn khổ chương trình của iSEE - cần chú ý làm sao ghi nhận được càng nhiều ý kiến càng tốt, nhưng quan trọng hơn là tập hợp được những ý kiến có giá trị để làm thành đề xuất sửa đổi, bổ sung. Ông thừa nhận tiếng nói của các nhóm những người thiệt thòi hay bị bỏ quên trong quá trình tham vấn chính sách, một phần bởi vì “người ngồi ở văn phòng mà soạn thì không thể hình dung hết các điều cụ thể”. Do đó, chính những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của Hiến pháp cần chủ động tận dụng cơ hội này để nêu lên ý kiến, quan điểm về dự thảo Hiến pháp.

Anh Đỗ Thế Thịnh, một người nhiễm H ở Hà Nội, thắc mắc liệu Hiến pháp có thể giúp đem lại bình đẳng cho những người như anh. “Con em dân tộc thiểu số, người khuyết tật... được đi học, thậm chí được giảm học phí. Còn con của những người nhiễm H có khi bị đuổi học, nếu được đi học thì phải ngồi một góc, đi khám sức khỏe thì bị từ chối khám chữa bệnh... Đề nghị ban soạn thảo lưu ý để những người có H cũng được đảm bảo quyền con người” - anh Thịnh nói. Ông Thảo thừa nhận có tình trạng đều là các nhóm thiệt thòi nhưng có nhóm được quan tâm hơn từ xã hội và người làm chính sách, có nhóm vẫn bị kỳ thị và không được ưu tiên. Chính vì vậy, việc bản thân những người thiệt thòi lên tiếng sẽ buộc các nhà xây dựng Hiến pháp phải cân nhắc, suy nghĩ, nhưng ông Thảo cũng lưu ý Hiến pháp là tập hợp các nguyên tắc, còn việc thực thi ra sao phải do luật cụ thể quyết định. Ông bổ sung: “Khi tìm hiểu kinh nghiệm các nước, chúng tôi thấy ở cấp hội đồng nhân dân các cấp đều có đầy đủ các thành phần, kể cả có lối đi và ghế dành riêng cho đại biểu là người khuyết tật. Ở VN điều này còn hạn chế và nhân dịp này chúng ta sẽ nêu ra để khắc phục”.

Tại buổi tập huấn, TS Đinh Xuân Thảo cùng TS Nguyễn Văn Thuận - thường trực Ban sửa đổi Hiến pháp 1992 của Quốc hội - cung cấp nhiều thông tin về Hiến pháp 1992, những thay đổi trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi và cách thức đưa những ý kiến góp ý lên đúng người có trách nhiệm tiếp nhận. Theo đó, có những kênh mà các nhóm người thiệt thòi nên chọn lựa để gửi ý kiến. Đó là các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn đại biểu Quốc hội từng tỉnh, các cơ quan báo đài... Các ông cũng lưu ý khi lấy ý kiến người dân, các nhóm nên tránh mời trùng lặp để người dân không phải nêu đi nêu lại ý kiến của mình ở những diễn đàn, khuôn khổ khác nhau.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên