30/12/2014 10:02 GMT+7

​Phải thay đổi cơ chế quản lý giá cước vận tải

LÊ THANH ghi
LÊ THANH ghi

TT - Giá xăng dầu giảm liên tiếp suốt từ tháng 7 đến nay với mức giảm khoảng 35%, nhưng nhiều nhà xe vẫn không giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt.

Đến chiều 29-12, các hãng taxi vẫn chưa điều chỉnh giảm giá cước với lý do... thủ tục bị chậm - Ảnh: Hữu Khoa

Làm thế nào để giá cước vận tải điều chỉnh kịp thời và phù hợp theo biến động của giá xăng dầu?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng ngoài việc tăng cường kiểm tra giá cước, cơ quan quản lý phải thay đổi quy trình quản lý giá cước vận tải, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thủ tục để chây ì không giảm giá cước theo giá xăng dầu.

* Ông NGUYỄN TIẾN THỎA (phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN):

Phải bêu tên doanh nghiệp không giảm giá cước

Khi giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp kinh doanh vận tải yêu cầu người tiêu dùng chia sẻ khó khăn, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì họ lại không chia sẻ, vẫn níu giữ giá cước.

Điều này đã làm giá hàng hóa, dịch vụ có sử dụng phương tiện vận tải đứng im, làm méo mó cả hệ thống giá, không phản ánh đúng các tín hiệu khách quan của thị trường.

Nguyên nhân khiến giá cước vận tải không giảm, theo tôi, trước hết là do mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là doanh thu càng lớn, lợi nhuận càng cao càng tốt.

Về góc độ quản lý, tôi thẳng thắn cho rằng công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa thật sự tốt trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt đơn vị vi phạm. Tính chủ động của cơ quan được phân cấp quản lý là sở giao thông vận tải và sở tài chính địa phương còn hạn chế khi thị trường có biến động.

Nếu các cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên, liên tục, ráo riết hơn nữa thì chắc chắn giá cước vận tải đã giảm, cũng sẽ không có chuyện doanh nghiệp vận tải làm ngơ, “vô cảm” với giá xăng dầu giảm sâu suốt mấy tháng qua.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, cơ quan quản lý cần kiểm tra, tính toán các yếu tố hình thành giá mà doanh nghiệp kê khai có đúng.

Trường hợp doanh nghiệp kê khai do chi phí lương tăng, cơ quan quản lý phải yêu cầu anh chứng minh bằng sổ sách, thậm chí cần phải điều tra thực tế xem tài xế có được tăng lương không?...

Như đợt kiểm tra hồi tháng 11 vừa qua, Đà Nẵng đã làm quyết liệt nên mức giá giảm cao nhất. Theo như công bố của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Đà Nẵng có mức giảm tối đa lên tới hơn 30%, còn TP.HCM và Hà Nội mức giảm chỉ 2-9%.

Tỉ trọng chi phí xăng dầu trong cước vận tải chiếm 35-40% giá thành.

Tuy nhiên suốt từ tháng 7 đến nay, giá xăng dầu đã giảm tới 12 lần với khoảng 6.000-7.000 đồng/lít mà mức giảm chỉ vài phần trăm là không chấp nhận được.

Chỉ riêng đợt giá xăng giảm từ ngày 22-12 với hơn 2.000 đồng/ lít, tương ứng với 10%, ít nhất giá cước vận tải cũng giảm khoảng 4%. Tính giá cước taxi bình quân hiện nay 10.000 đồng/km thì mức giảm 400-500 đồng/km rồi.

Tôi xin nói doanh nghiệp vì lợi nhuận nên họ có rất nhiều chiêu trò. Do đó cơ quan quản lý phải tinh, phải quyết liệt và trách nhiệm hơn. Trường hợp thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm thì phải xử phạt, tịch thu lợi nhuận mà doanh nghiệp thu lợi bất chính vào ngân sách.

Thêm nữa, cần phải công khai thông tin cho báo chí và niêm yết tại các bến xe về mức giảm giá của từng doanh nghiệp, đặc biệt là tên những doanh nghiệp bị xử phạt do cố tình không giảm giá cước, móc túi người dân. Khi đó, nhà xe nào bị bêu tên sẽ bị hành khách tẩy chay.

Cước taxi vẫn chưa giảm

Tới cuối giờ chiều 29-12, các hãng taxi chỉ mới rục rịch chuẩn bị những bước cuối cùng làm thủ tục giảm giá cước.

Trước đó, ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp vận tải trong thành phố điều chỉnh giá cước xuống mức hợp lý với diễn biến giá xăng dầu. 

HỒNG QUÝ

* Ông NGUYỄN VĂN THANH (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN):

Nhiều doanh nghiệp bắt tay không giảm giá cước

Nhiên liệu giảm giá mạnh mà doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước, dư luận bức xúc là đúng. Vẫn có những doanh nghiệp đã giảm giá cước, nhưng trường hợp này không nhiều.

Và tôi phải khẳng định rằng trên thị trường có chuyện doanh nghiệp thỏa thuận, bắt tay giữ giá cước vận tải, nhìn nhau không giảm hoặc giảm rất nhỏ giọt.

Thực tế, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp chạy trên cùng một tuyến đường thỏa thuận với nhau nên từ từ giảm giá cước. Việc thông đồng, thỏa thuận giá với nhau chính là lợi ích nhóm.

Để giá cước vận tải giảm theo giá xăng dầu, cần phải thay đổi quy trình quản lý giá cước vận tải bằng ôtô. Quy trình hiện nay rất bất cập, gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho dư luận. Cụ thể, taxi muốn điều chỉnh giá cước phải kê khai giá với cơ quan quản lý, sau đó phải có hồ sơ gửi trung tâm đo lường chất lượng sản phẩm để gài lại đồng hồ.

Như vậy, mỗi lần điều chỉnh giá cước doanh nghiệp phải chờ đợi, mất chi phí. Đây cũng là lý do được các hãng taxi vin vào để giải thích việc chậm giảm giá cước. Các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cũng vậy, thường vin vào việc phải chờ cơ quan thuế, giá, giao thông vận tải phê duyệt mức giá mới, rồi chờ in lại vé...

Theo tôi, cơ chế quản lý giá cước vận tải là theo thị trường nhưng cách quản lý lại không theo thị trường. Phải chăng ở đây cũng có sự vô cảm của cơ quan quản lý?

Do đó, tôi đề nghị cần phải để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, chủ động điều chỉnh giá cước mỗi khi giá xăng dầu biến động. Doanh nghiệp chỉ phải thông báo với cơ quan quản lý về mức giá mà mình thực hiện trước ba ngày.

Riêng việc điều chỉnh giá cước taxi, doanh nghiệp cũng tự kẹp chì, tự chịu trách nhiệm với tính chính xác về đồng hồ đo cước của mình thay vì phải chờ đợi cơ quan nhà nước đến kẹp lại chì đồng hồ đo cước cho doanh nghiệp.

Còn trách nhiệm của cơ quan quản lý là hậu kiểm, là tăng cường giám sát của doanh nghiệp kê khai và thực hiện mức giá cước đã thông báo. Nhà nước không cần phải duyệt giá của doanh nghiệp mà hãy để thị trường duyệt.

Trường hợp cơ quan quản lý phát hiện đơn vị nào vi phạm như gian lận đồng hồ đo cước, thu cao hơn mức giá thông báo... thì buộc phải tạm ngưng hoạt động sáu tháng, nặng thì rút giấy phép hoạt động luôn.

Tôi xin nhấn mạnh cơ chế quản lý cần phải theo thị trường, nghĩa là phải có chính sách buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cao hơn với giá, chất lượng, dịch vụ mà mình cung cấp. Nếu làm được điều này thì giá cước vận tải sẽ giảm kịp thời theo giá xăng dầu.

* Ông ĐINH TIẾN DŨNG (bộ trưởng Bộ Tài chính):

Tăng kiểm tra, xử phạt doanh nghiệp không giảm giá cước

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo và tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải theo hướng giảm giá xăng dầu.

Hiện các địa phương đang phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp vận tải về việc kê khai lại giá cước vận tải.

Đối với những trường hợp doanh nghiệp chây ì không giảm giá cước hoặc giảm nhỏ giọt sẽ bị xử phạt tối đa 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và bị tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch mà doanh nghiệp thu được nhờ tăng giá bất hợp lý.

Tuy nhiên, không có nghĩa giá xăng dầu giảm bao nhiêu thì giá cước vận tải giảm bấy nhiêu, bởi còn tùy thuộc vào tỉ trọng giá xăng dầu trong giá cước vận tải, chưa kể chi phí lương, khấu hao phương tiện, bến bãi, sửa chữa...

LÊ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên