GS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: V.V.TUÂN |
Bài viết của nguyên Chủ tịch nước sâu sắc, có tính khái quát cao và không phải viết ra chỉ để than phiền về hiện trạng mà quan trọng hơn là đặt ra trách nhiệm với lịch sử và tương lai, để đất nước có tương lai tốt đẹp hơn.
Trong bài viết, tác giả có điểm lại lịch sử, mở đầu đầy hàm ý bằng chiến thắng vẻ vang của Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán, chấm dứt gần 1.000 năm đô hộ của phương Bắc. Nhưng ông tập trung nhiều hơn về việc chống giặc nội xâm - vấn nạn tham nhũng.
Trách nhiệm đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước là phải lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh chống nội xâm này, để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của chiến sĩ, đồng bào, của các vị lão thành cách mạng - những người đã không tiếc xương máu để xây dựng nên chế độ này.
Những dự án ODA đội vốn góp phần làm tăng nợ công - gánh nặng cho tương lai. Trong ảnh: dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 300 triệu USD - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Điểm lại lịch sử dân tộc và lịch sử của Nhà nước ta từ năm 1945 đến nay, có thể rút ra những bài học rất sâu sắc.
Trong bài viết, ông Trương Tấn Sang cũng nói rằng từ sau chiến thắng của Ngô Quyền, “các vương triều đều xây dựng được những đỉnh cao rực rỡ về mọi lĩnh vực, nhưng rồi lại suy vong do tranh đoạt quyền lợi nội bộ, ức hiếp dân lành, có kẻ làm tay sai cho ngoại bang”.
Tôi hiểu là ông gửi gắm trong những câu ấy nhiều cảm xúc, mong mỏi nóng bỏng.
Vì sao suốt hàng nghìn năm lịch sử, mặc dù có những vị vua sáng, có những thời kỳ đỉnh cao nhưng đất nước ta vẫn không phát triển nhanh được? Đó là do cơ chế cha truyền con nối, thiếu dân chủ, thiếu bứt phá của chế độ phong kiến.
Còn trong thời kỳ ta đang sống, từ Đại hội 9, Đảng đã nhìn rõ một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái và trước đó đã chỉ ra bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, thế mà tới nay vẫn không chỉ ra được “bộ phận không nhỏ” ấy ở đâu, vẫn không đẩy lùi được suy thoái, tham nhũng, đất nước vẫn không sao cất cánh bay lên được để “bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước mong cháy bỏng của cả dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên trong bức thư Người gửi học sinh, sinh viên cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Phải chăng đây là vấn đề cơ chế? Khi một hiện tượng tiêu cực chỉ xảy ra ở một vài người, một vài địa phương, thì những người ấy, địa phương ấy là nguyên nhân chính và mình giải quyết được những trường hợp cụ thể đó là xong.
Nhưng khi tiêu cực đã lan rộng, không có cách gì khắc phục được triệt để thì phải nghĩ đến nguyên nhân về cơ chế. Vì vậy, phải đổi mới cơ chế để nó vượt qua được những hạn chế, tiêu cực.
Nhìn sang các nước phát triển, có thể nói không nước nào không có vấn đề cản trở con đường phát triển. Nhưng người ta đã xây dựng được cơ chế khá hoàn hảo để nó có thể tự động vượt qua khó khăn, gạt được những phần tử suy thoái.
Ta phải làm được việc này. Bởi có một vị “vua tốt” là cơ may, nhưng nếu không thiết kế được bộ máy hoàn hảo thì giỏi lắm vị “vua tốt” cũng “chỉ biên soạn được những bản anh hùng ca dang dở”.
Phải đổi mới cơ chế để thời nào cũng có thể chọn được “vua tốt” và không ai có thể làm chệch được hướng đi của đất nước.
Trong bài viết, nguyên Chủ tịch nước chủ yếu đặt vấn đề về gánh nặng trước lịch sử và tương lai cho lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, những vị đã được Đảng trao quyền lực tập trung thống nhất trong tay. Nhưng ở đời, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Mỗi trí thức, mỗi người dân cũng phải suy nghĩ về trách nhiệm của cá nhân mình trước lịch sử, trước con cháu mai sau và có những hành động thiết thực góp phần đổi mới, đưa đất nước cất cánh bay lên, sống xứng đáng để không hổ thẹn với tiền nhân và hậu thế.
PGS-TS - trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ (nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương):
Đừng để đám cháy bùng lên rồi mới dập Bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất thẳng thắn, chỉ rõ thực trạng tình hình đất nước, đặc biệt là thực trạng tham nhũng, tiêu cực. Thực trạng đó xót xa, đau đớn và mọi người đều đã thấy rõ. Nguyên Chủ tịch nước cũng cảnh báo rằng thực trạng tiêu cực đó chưa từng có trong hơn 70 năm qua, đồng thời điểm mặt một số biểu hiện tham nhũng, áp phe “khủng”, trong đó thấp thoáng bóng dáng cán bộ cấp cao... Vấn đề tôi băn khoăn là: nhìn thấy rõ thực trạng rồi thì đã tìm cách giải quyết từ gốc rễ chưa? Tôi thấy là chưa. Nguyên Chủ tịch nước kêu gọi người dũng cảm đứng lên đấu tranh với những kẻ làm nhem nhuốc đội ngũ. Đúng. Ông cũng kêu gọi những người cảm thấy không xứng đáng thì hãy tự giác giao mái chèo cho người khác. Đúng. Nhưng đó là các giải pháp về quyết tâm chính trị và kêu gọi đạo đức. Chưa đủ. Tôi là người nghiên cứu tội phạm học, có một kết luận quan trọng là: tội phạm phát sinh từ nền tảng kinh tế, xã hội, thể chế; vậy thì trước hết phải giải quyết bằng các biện pháp kinh tế, xã hội, sửa đổi thể chế. Có một triết lý rất quan trọng rằng: đừng để đám cháy bùng phát lên rồi mới tìm cách dập. Nói về chống tham nhũng, trên thế giới người ta đề cập bốn điều kiện cần và đủ. Một là làm sao để đội ngũ cán bộ, công chức “không cần tham nhũng” (muốn vậy phải cải cách chế độ tiền lương, đồng thời với đổi mới công tác thi tuyển, bổ nhiệm cho xứng đáng). Hai là “không muốn tham nhũng” (đây là công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, đề cao đạo đức). Ba là “không thể tham nhũng” (hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế, tiền tệ, đấu thầu, giao dịch...). Thứ tư mới đến “không dám tham nhũng” (tức là chế tài xử lý phải mạnh, đủ sức răn đe). Như vậy, trong công tác phòng chống tham nhũng thì người ta coi phòng là thượng sách, chống là hạ sách và là điều kiện cuối cùng, chúng ta thì đang làm ngược lại. Tôi hi vọng từ bài viết thẳng thắn của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, những người có trách nhiệm hãy nhìn vấn đề từ nguồn gốc của nó để xử lý, có như vậy mới tạo được chuyển biến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận