25/05/2022 14:49 GMT+7

Phải phạt tiền thật nặng doanh nghiệp gây lũng đoạn thị trường

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, đề nghị phải chế tài thật mạnh sai phạm trên thị trường tài chính. Tập đoàn nào lũng đoạn thị trường làm nhà đầu tư thiệt hại 1.000 tỉ thì sẽ chịu phạt 2.000 - 3.000 tỉ.

Phải phạt tiền thật nặng doanh nghiệp gây lũng đoạn thị trường - Ảnh 1.

Theo đề xuất của các chuyên gia, cần phải phạt tiền thật nặng doanh nghiệp có hành vi gây lũng đoạn thị trường tài chính - Ảnh: B.MAI

Ngày 25-5, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo về thị trường tài chính Việt Nam năm 2021 và triển vọng 2022.

Đánh giá về thị trường tài chính Việt Nam, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng rủi ro lớn nhất hiện nay của thị trường tài chính là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Do không giám sát thường xuyên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên đùng một cái xảy ra một số sự cố thì mới được cơ quan quản lý thanh tra, giám sát nhằm chặn nó lại. Điều này đang khiến thị trường đình đốn, gặp nhiều khó khăn.

Hậu quả nhìn thấy rất rõ là các dự án mới không phát triển được, còn các dự án cũ không thể tiếp tục và có thể có nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính vào cuối năm nay, có khoảng 340.000 tỉ đồng đến hạn thanh toán, còn vào cuối năm 2023 là 270.000 tỉ đồng. Như vậy, tiền lấy ở đâu ra?

Ông Nghĩa cho rằng phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong 3 năm qua bởi doanh nghiệp bất động sản. Do vậy, ông nhận định thực tế này có thể làm cho toàn bộ thị trường bất động sản sẽ bị đóng băng. Khi thị trường bất động sản đóng băng thì một số ngân hàng thương mại sẽ rơi vào tình trạng rất xấu, đặc biệt một số doanh nghiệp là “sân sau” của ngân hàng.

Một trong những giải pháp quan trọng để thị trường tài chính, trong đó thị trường trái phiếu phát triển được, ông Nghĩa khuyến nghị là phải chế tài thật mạnh vi phạm trên thị trường. Ví dụ tập đoàn nào có hành vi lũng đoạn thị trường làm nhà đầu tư thiệt hại 1.000 tỉ đồng thì tập đoàn đó sẽ chịu phạt 2.000 - 3.000 tỉ đồng chứ không thể phạt 1,5 tỉ đồng khi lũng đoạn 1.500 tỉ đồng. Cũng không nên hình sự hóa vi phạm vì đây là thị trường của niềm tin, của tâm lý.

Mặt khác, thị trường này cần giám sát từ xa là chính trên các chuẩn mực an toàn tài chính, còn giám sát tại chỗ phải có trọng điểm. Cái quan trọng nhất là báo cáo tài chính phải trung thực, phải có chỉ tiêu then chốt là hệ số nợ là bao nhiêu trên tổng vốn chủ sở hữu.

"Theo tôi, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu xấu nhất là 4 lần. Thế nhưng ở Việt Nam, trên thị trường, có doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 40 lần. Như vậy, cơ quan quản lý đối với lĩnh vực này đã không giám sát từ xa mà trái lại còn buông lỏng quá mức" - ông Nghĩa nói.

Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng điều sống còn của thị trường này là xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ thì phải có định giá tín nhiệm, tức là phải được kiểm tra sức khỏe trước khi huy động vốn.

Để vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, khuyến nghị cần có những chính sách kịp thời mà không can thiệp bằng biện pháp hành chính. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng đối với nền kinh tế. Ngoài vốn từ hệ thống tín dụng, mỗi năm nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế cần tới 700.000 - 1 triệu tỉ đồng.

Ông Nghĩa cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng hơn cả vốn trung và dài hạn của ngân hàng. Như đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, vốn trái phiếu dành cho lĩnh vực này mỗi năm cũng khoảng 1 triệu tỉ đồng. Nhưng điều đáng nói là vốn trái phiếu linh hoạt hơn rất nhiều so với vốn ngân hàng. Đó là không phải trả gốc hằng tháng mà chỉ trả lãi. Hơn nữa, trái phiếu có thể đảo nợ được, còn tín dụng ngân hàng thì không.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra để xử lý nghiêm vi phạm phát hành trái phiếu Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra để xử lý nghiêm vi phạm phát hành trái phiếu

TTO - Bộ trưởng Bộ Công an khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định, đảm bảo hoạt động phát hành trái phiếu đúng mục đích, lành mạnh.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên