24/05/2009 05:25 GMT+7

Phải mạnh tay bình ổn giá sữa

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM
Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM

TT - Từ nhiều năm nay, giống như rất nhiều người tiêu dùng khác, tôi vô cùng bất bình với thực trạng giá sữa bột trên thị trường VN luôn cao hơn mặt bằng giá của nhiều nước trên thế giới.

(Phản hồi bài “Nghịch lý giá sữa”, Tuổi Trẻ ngày 22-5-2009)

Nếu được đi ra ngoài phạm vi lãnh thổ VN và để ý một chút, ai cũng nhận ra một nghịch lý: thu nhập bình quân của người VN thuộc diện thấp trên thế giới, nhưng lại phải bỏ ra số tiền cao hơn ít nhất 30% để mua một sản phẩm sữa cùng loại.

T6FOB86G.jpgPhóng to
Trẻ em cần được uống sữa - Ảnh: N.C.T.

Sữa, một loại hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu sức khỏe của con người lại bị tăng giá một cách tùy tiện. Giá sữa, một câu chuyện dài nhiều tập, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các diễn đàn, hội thảo, nhưng rồi lại chìm vào quên lãng trước thái độ im lặng của các cơ quan quản lý nhà nước.

Lợi ích của sữa đối với sức khỏe cộng đồng ai cũng biết. Giá sữa luôn duy trì ở mức cao và ngày càng cao làm cho sữa thành mặt hàng xa xỉ đối với hàng chục triệu người dân có thu nhập thấp. Sâu xa hơn, giá sữa cao vô lý là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy dinh dưỡng ở những đứa trẻ con nhà nghèo.

Ai là người được hưởng lợi từ việc tăng giá sữa? Câu trả lời là những tổ chức sản xuất, cá nhân kinh doanh mặt hàng thiết yếu này. Còn các cơ quan có trách nhiệm quản lý thị trường thì lại chưa kiên quyết để chấm dứt tình trạng giá sữa tăng cao vô lý như vậy.

Lý do để những người kinh doanh mặt hàng thiết yếu này đưa ra làm cơ sở cho việc tăng giá của mình là: thuế nhập khẩu sữa bột cao, giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí sản xuất, giá nguyên liệu sữa bột cao... Theo tôi, những lý do trên là không thuyết phục. Thực tế, thuế nhập khẩu sữa bột vẫn giữ nguyên 10%. Giá sữa nguyên liệu liên tục giảm trong thời gian qua. Như vậy, câu trả lời cho nguyên nhân tăng giá sữa là do đạo đức kinh doanh kém của doanh nghiệp trong ngành sữa, thông qua việc “bỏ rơi” quyền lợi của người tiêu dùng để chạy theo lợi nhuận, gián tiếp “móc túi” người tiêu dùng để phục vụ cho công cuộc quảng cáo tiếp thị nhằm cạnh tranh với đối thủ.

Theo tôi, Chính phủ cần thắt chặt chính sách quản lý đối với hệ thống phân phối sữa tại VN. Và câu hỏi bức xúc của người tiêu dùng: “Đến bao giờ giá bán lẻ các sản phẩm sữa ở VN mới ngang với các nước như Malaysia, Thái Lan?” là câu hỏi phải đặt ra trước hết cho Chính phủ.

Nhà nước phải quản lý giá sữa

* Tôi hoàn toàn đồng ý đưa sữa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước quản lý giá như ông Hồ Tất Thắng (phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN) đã đề xuất. Sữa là một sản phẩm nhiều người cần, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai. Tại sao mặt hàng thiết yếu như vậy lại bị thả nổi? Qua nhiều nguồn thông tin tôi được biết ở nước ngoài sữa là mặt hàng khá rẻ, đại đa số dân chúng có thể dùng sữa tươi hằng ngày, các loại sữa bột cao cấp cũng không quá đắt so với thu nhập bình quân đầu người ở các nước đó.

Nguyễn Việt Tuấn (tuannv0708@...)

* Một đất nước nghèo như VN, trẻ em chịu thiệt thòi nhiều về chế độ dinh dưỡng so với các nước Đông Nam Á xung quanh. Sữa có vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện thể lực, trí lực của thế hệ trẻ. Vì vậy, theo tôi, Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá sữa hợp lý để sữa có thể đến với trẻ em ở những gia đình nghèo, vùng nông thôn, miền núi...

Nguyen Thanh Tung (nttung9@...)

* Tôi đồng tình với ý kiến đề nghị “đưa sữa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước quản lý giá”. Chúng ta làm điều này không đơn thuần là vì quyền được uống sữa của trẻ em, mà còn góp phần làm tăng khả năng phát triển thể chất cho người VN. Ngoài ra, việc quản lý giá sữa còn giúp giảm nguồn chi phí cho mỗi gia đình có con trẻ, giảm bớt gánh nặng cho nhiều gia đình. Việc người tiêu dùng hưởng ứng tẩy chay những sản phẩm sữa hay tăng giá là một việc cũng rất nên làm. Lâu nay chúng ta không làm vì không có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra phát động.

Thông thường các cháu nhỏ chỉ quen với những loại sữa mà các cháu thường uống, nên phụ huynh buộc lòng phải mua một loại sữa nào đó dẫu giá cả có tăng không bình thường. Nắm bắt được điều này, các nhà sản xuất, kinh doanh sữa mặc sức “tung hoành”. Nếu Nhà nước không ra tay một cách tích cực, e rằng nước ta tuy người dân có thu nhập thấp nhưng lại phải tiếp tục chấp nhận giá sữa cao nhất thế giới.

Trần Anh Tuấn (trananhtuan_06@...)

* Vợ chồng tôi đều làm việc trong cơ quan nhà nước, mỗi tháng thu nhập của cả hai chỉ được 4 triệu đồng. Chúng tôi phải làm thêm để có tiền chi phí cho cuộc sống gia đình vì số tiền dành mua sữa cho con lên đến 1,2 triệu đồng/tháng. Giá sữa ở VN cao bất hợp lý như bài báo trên đã nói nhưng tôi không thấy ai đứng ra bảo vệ người tiêu dùng cả!

Trần Đức An (quangminh_307@...)

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên