01/11/2004 09:12 GMT+7

Phải in giá sách trên bìa

PV
PV

TT - Thảo luận dự luật xuất bản (sửa đổi) trước đó, cuộc tranh luận chủ yếu nổ ra ở hai vấn đề: liên kết xuất bản và giá sách. Nổi bật là trường hợp hai đại biểu cùng một đoàn đại biểu Quốc hội (Tây Ninh) nhưng ý kiến lại hoàn toàn trái ngược nhau:

ĐB Nguyễn Đình Xuân: “Nếu sách phải in giá thì tivi, tủ lạnh cũng phải in”

rFlWf9r6.jpgPhóng to

Tôi thấy rằng chúng ta khó thể né tránh được vấn đề cho tư nhân xuất bản bởi thực tế dù có hay không có luật này, tư nhân vẫn đang tham gia xuất bản ở hai khía cạnh. Một là họ làm sách và sau đó họ tìm nhà xuất bản (NXB), gọi là “chạy” NXB. Dù sao họ vẫn xuất bản được cái mà họ muốn, tất nhiên với điều kiện được kiểm soát và đảm bảo về nội dung.

Tôi nghĩ việc xuất bản trong xu thế hội nhập hiện nay khó tránh khỏi vấn đề tư nhân tham gia thật sự (kiểm soát xuất bản những tác phẩm họ mong muốn hoặc là có khả năng biên soạn). Tôi muốn dự luật xem xét kỹ hơn vấn đề này, làm sao cho tư nhân hoặc tổ chức khác tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực xuất bản một cách danh chính ngôn thuận.

Một vấn đề nữa: dự luật qui định phải in giá sách bán lẻ. Tôi khảo sát nhiều thị trường thì thấy ít khi người ta mua sách đúng giá trên bìa. Ở TP.HCM, giá bán trung bình chỉ khoảng 80-85% giá bìa, ở nhiều chỗ khác còn rẻ hơn. Vậy in giá bìa để làm gì? Nếu nói để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tôi nghĩ: tivi, tủ lạnh và tất cả sản phẩm trên thị trường cũng đều phải in giá.

Bất hợp lý còn ở chỗ: tại sao ở miền núi, vùng cao, vùng sâu và thành phố lại phải bán cùng một giá? Một nhà sách có máy lạnh, phong cảnh đẹp lại phải bán cùng giá với sạp sách ngoài vỉa hè?…

ĐB Đặng Thị Phượng: “Sách là hàng hóa đặc biệt”

AN6UEDGK.jpgPhóng to
Tôi thấy chúng ta cần phải in giá trên bìa sách. Lý do: sách là hàng hóa đặc biệt, có tính nghệ thuật, tính tư tưởng cao trong khi tivi, tủ lạnh chỉ là loại hàng hóa tiêu dùng.Lý lẽ thứ hai, tôi thấy giá in trên bìa sẽ là cơ sở để các NXB hạch toán kinh doanh, để tính nhuận bút cho tác giả và tính thuế, tính phí phát hành.

Nếu giá bán thấp hơn giá ghi thì tốt, điều đó có lợi cho nhân dân ta (trừ những trường hợp giá thấp hơn này do in lậu, in nối bản).

Tôi đồng thuận với dự thảo luật trình Quốc hội: “NXB được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành xuất bản phẩm và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành từng xuất bản phẩm”. Qui định này sẽ huy động thêm nguồn lực nhằm có những xuất bản phẩm hay, phong phú, đa dạng hơn, đồng thời cũng để quản lý tốt hơn.

Chúng ta nên dừng lại ở chỗ cho phép NXB liên kết với tư nhân ở ba khâu in, phát hành và tổ chức bản thảo chứ không thể mở rộng hơn.

PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên