Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG |
Chiều 15-7 tại Nha Trang, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tuyến giữa đại diện Tổng cục Biển và hải đảo - Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các chuyên gia của tổng cục với các nhà quản lý, luật sư, nhà báo về việc cấp phép cho “nhận chìm” gần 1 triệu m3 “vật chất” nạo vét biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Là chất được phép "nhận chìm" xuống biển?
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Tùng - vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo - Bộ Tài nguyên và môi trường thông tin rằng “vật chất” nạo vét cảng biển của Điện lực Vĩnh Tân 1 được Bộ cấp phép cho “nhận chìm” xuống vùng biển Tuy Phong khác với bùn thải.
Theo ông Tùng, đó là một trong tám nhóm vật chất được phép “nhận chìm” xuống biển theo quy định của luật pháp Việt Nam và cả các nghị định thư, công ước quốc tế về hàng hải và bảo vệ môi trường biển.
Về cách cho “nhận chìm” gần 1 triệu m3 vật chất nạo vét kể trên, theo ông Tùng, sà lan chở các chất nạo vét để “nhận chìm” có đáy cách mặt nước biển khoảng 5m.
Khi sà lan chở các chất nạo vét đến vùng biển được phép “nhận chìm” (rộng khoảng 30ha cách khu Bảo tồn biển quốc gia Hòn Cau chừng 8km và cách các khu làng nuôi tôm, làm muối chừng hơn 10km) thì sẽ mở đáy sà lan để xả các chất nạo vét (bùn, cát) đó xuống biển.
Đối với lo ngại về việc gây ô nhiễm môi trường, ông Tùng cho biết Viện Hải dương học (tại Nha Trang) đã được chọn là cơ quan giám sát độc lập của dự án cho “nhận chìm” các chất nạo vét kể trên.
Hiện nay, Viện Hải dương học đã tiến hành quan trắc 13 địa điểm ở vùng biển Tuy Phong để kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường trong suốt quá trình trước, trong và sau khi “nhận chìm” các chất nạo vét.
“Trường hợp có bất kỳ một thông số nào vượt ngưỡng cho phép thì sẽ dừng lại ngay việc nhận chìm đó” - ông Tùng nói.
Việc “nhận chìm” vật chất nạo vét xuống biển Tuy Phong, theo ông Tùng, là một dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, cấp phép đúng quy định pháp luật.
Quy trình ngược: cấp phép "nhận chìm" rồi mới hỏi dân
Tuy nhiên, tranh luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, đại biểu HĐND tỉnh) cho rằng việc cho phép "nhận chìm" chất nạo vét hoàn toàn không hỏi ý kiến của người dân chịu tác động, ảnh hưởng bởi việc này là không đúng quy định của pháp luật.
Ông Tùng và các chuyên gia thuộc Tổng cục Biển và hải đảo đều giải thích, trong hồ sơ dự án khi trình cho Bộ TNMT xem xét cấp phép đều có ý kiến của các cơ quan, ban ngành liên quan của, tỉnh huyện, xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN (MTTQVN) xã.
Ông Tùng giải thích: “Việc hỏi ý kiến trực tiếp của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng thì không thể thực hiện được. Ủy ban MTTQVN xã là cơ quan đại diện được dân bầu ra theo quy định pháp luật. Chủ dự án không thể đi hỏi ý kiến từng người dân mà chỉ hỏi Ủy ban MTTQVN xã.
Còn việc các cơ quan đại diện ở địa phương có hỏi ý kiến của người dân hay không là thuộc trách nhiệm của các cơ quan đó”.
Tuy nhiên, luật sư Thiện tranh luận lại rằng việc cấp phép cho Điện lực Vĩnh Tân 1 xả 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển Tuy Phong là thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường.
UBND tỉnh Bình Thuận chỉ có thẩm quyền đề nghị bộ và các cơ quan chức năng của bộ phải có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện lấy ý kiến người dân có đúng quy định pháp luật hay không rồi mới cấp phép.
Việc Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép cho doanh nghiệp “nhận chìm” rồi mới đi hỏi ý kiến của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng là làm theo “quy trình ngược”.
Theo luật sư Thiện, việc cấp phép khi không tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng là trái quy định pháp luật.
Vì vậy, luật sư Thiện hỏi Bộ Tài nguyên và môi trường có xem xét kiến nghị của 13 tổ chức dân sự đã đề nghị tạm dừng thực hiện việc cho “nhận chìm” 1 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong hay không?
Ông Tùng trả lời: “Việc này nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ xem xét để tham mưu cho cấp trên trình cho Bộ Tài nguyên và môi trường xem xét. Còn hiện tại, vì thời gian có hạn nên chưa thể trả lời như thế nào”.
Tham gia buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Chi - nguyên chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Luật pháp đã quy định đầy đủ. Các quan có ý kiến phải căn cứ theo ý kiến của người dân chịu tác động của dự án, quy hoạch.
Ông Chi nói: “Theo tôi, cái gì dân người ta không đồng ý thì phải xem xét lại, tránh tình trạng chính quyền, nhà nước làm sai, ép dân vào thế phải phản đối rồi chính quyền quay lại xử lý dân.
Người dân cần có môi trường đảm bảo để họ làm ăn sinh sống, chứ không cần đồng tiền bồi thường khi xảy ra hậu quả, sự cố môi trường”.
Ông Chi còn chất vấn: Tại sao cứ phải cho xả các chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong mà không chọn một khu vực khác, cách xa thêm khu Bảo tồn biển Hòn Cau và các vùng nuôi tôm, cá, làm muối của dân thêm hàng chục km nữa cho an toàn?
Vì vậy, ông Chi tán đồng với các kiến nghị tạm dừng việc cho phép “nhận chìm” để chọn một khu vực biển khác phù hợp, an toàn hơn để cho “nhận chìm” 1 triệu m3 vật chất nạo vét đã nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận