20/11/2016 12:21 GMT+7

Phải đón đầu xu hướng thay đổi của người học

DIỆU AN ghi
DIỆU AN ghi

TTO - Ba giáo viên nước ngoài đến từ ba đất nước khác nhau chia sẻ cảm nghĩ về đam mê và khát khao học tập của học sinh, sinh viên Việt Nam.

Ông Stivi Cooke (trái) và ông Chad Winston - Ảnh: NVCC
Ông Stivi Cooke (trái) và ông Chad Winston - Ảnh: NVCC

Dưới đây là những chia sẻ của họ về việc phải làm như thế nào để dạy học sinh tốt hơn và cả những tình cảm, trải nghiệm họ đã có với học trò mình.

* Ông Chad Winston (người Mỹ, giáo viên và đồng sáng lập Trung tâm MoJo English ở Hà Nội):

Dạy học sinh biết suy nghĩ và sáng tạo

Tôi đã làm việc với hàng ngàn học sinh và phụ huynh trong hơn 6 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam như là một nhà giáo dục và chủ doanh nghiệp.

Là giáo viên nước ngoài, chúng tôi đại diện cho văn hóa phương Tây, nhìn nhận và suy nghĩ khác biệt - điều mà giới trẻ Việt Nam đang tìm kiếm.

Vì thế, tôi cho rằng việc tiếp xúc với nền văn hóa mới và có những lối suy nghĩ khác biệt chính là lý do đầu tiên mà nhiều phụ huynh và trường học muốn có giáo viên nước ngoài trong lớp.

Trong thực tế, chúng tôi đã sử dụng điều này như một lợi thế của mình trong lớp. Nhiều giáo viên nhận thấy rằng giá trị của họ đơn giản chỉ là “chính mình” và chỉ bằng việc giới thiệu cho học sinh những điều mà họ cảm thấy quan trọng.

Nhược điểm thường thấy là sự khác biệt văn hóa Đông - Tây và giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển. Giáo viên nước ngoài thường trải nghiệm “cú sốc văn hóa” khi làm việc tại các trường học Việt Nam, với đội ngũ nhân viên và quản lý của địa phương.

Tôi có nghe một số giáo viên nước ngoài kể về những trải nghiệm khó chịu khi làm việc như những giờ dạy không được trả lương, tình huống thay đổi kế hoạch vào phút cuối cùng, những yêu cầu không hợp lý cho các công việc phụ thêm...

Và tôi cũng chứng kiến sự thất vọng của nhiều nhà quản lý giáo dục khi gặp phải những giáo viên nước ngoài vô trách nhiệm, thiếu kinh nghiệm, không tôn trọng hợp đồng hoặc không chuẩn bị đầy đủ cho bài giảng...

Tuy nhiên, theo tôi, không thiếu những giáo viên nước ngoài thông minh, tử tế, có kinh nghiệm nhất định nếu bạn biết làm như thế nào để tìm thấy họ.

Thị trường giáo dục Việt Nam vẫn còn non trẻ, nhưng đang nhanh chóng mở rộng và đa dạng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của học sinh, phụ huynh. Các bậc phụ huynh cũng ngày càng cởi mở và hướng đến các chương trình phát triển trẻ em toàn diện, tập trung vào các kỹ năng tư duy và giá trị hơn sự kiện và con số.

Trên thế giới hiện nay, nền thương mại toàn cầu ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, chuỗi cung ứng đa dạng và công việc phân phối theo nhóm đang giữ vai trò chủ đạo. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân không chỉ có các kỹ năng chuyên môn cao, mà còn cần có khả năng lãnh đạo chu đáo và sáng tạo để khéo léo điều hướng bối cảnh toàn cầu.

Do đó, vai trò của thầy cô là phải chuẩn bị cho thế hệ mới, không chỉ có kiến thức hoặc các kỹ năng chuyên môn mà còn làm thế nào để suy nghĩ và sáng tạo. Chúng ta phải dạy cho các em không phải làm thế nào để giành chiến thắng, mà làm thế nào để làm mới lại chính mình sau thất bại.

Hơn nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng các giá trị của tinh thần đồng đội, khả năng làm mới bản thân, sự kiên nhẫn, lòng vị tha, óc tò mò khám phá được dạy dỗ và hấp thu tốt nhất từ thời thơ ấu.

Và cuối cùng là sự thay đổi trên diện rộng sẽ thật sự đến khi các nhà hoạch định chính sách tạo ra nhiều không gian cùng các chương trình cung cấp cơ hội trong và ngoài lớp học cho việc học tập mang tính thực tiễn, học tập để giải quyết vấn đề.

Cô Nina Calleja (giữa) và học sinh lớp tiếng Anh miễn phí - Ảnh: NVCC
Cô Nina Calleja (giữa) và học sinh lớp tiếng Anh miễn phí - Ảnh: NVCC

* Cô Nina Calleja (người Philippines, giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh):

Tôi học nhiều từ các em

Tháng 10 vừa qua, trong chuyến đi du lịch khám phá thế giới của mình, tôi quyết định đến Việt Nam.

Khi lướt trang web workaway.info, một trang web về các công việc tình nguyện trên khắp thế giới, tôi tìm thấy Cool English, một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội với mục đích giúp đỡ học sinh nghèo có cơ hội học tiếng Anh. Tôi liền gửi tin nhắn cho họ sau khi đặt vé máy bay đến Hà Nội.

Nguyễn Yến, người quản lý của trung tâm, đã trả lời câu hỏi của tôi ngay trong ngày. Và mọi chuyện diễn ra sau đó hết sức hoàn hảo. Tôi làm tình nguyện cho trung tâm 4-5 tiếng mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong hai tuần.

Tôi bắt đầu đi dạy tình nguyện ngay lập tức vào ngày đầu tiên tôi đến Hà Nội. Ngay cả khi đã kiệt sức sau một chuyến du lịch dài mệt mỏi, tôi vẫn cảm thấy tràn đầy sinh lực bởi sự nhiệt tình của các học sinh.

Lớp chỉ có 12 học sinh, nhưng đôi mắt của các em toát lên sự háo hức, khát khao đầy tinh khiết dành cho học tập.

Nhưng thật lòng mà nói, ở đó tôi không phải là người đã dạy các em, mà chính là người học rất nhiều từ các em. Tôi học được ở các em nghị lực vươn lên và tinh thần ham học hỏi...

DIỆU AN ghi

* Ông Stivi Cooke (thầy giáo người Úc):

Giáo viên Việt Nam chịu nhiều áp lực

Tôi dạy tiếng Anh ở Hội An, Quảng Nam nhiều năm nay. Học sinh của tôi có đủ lứa tuổi từ cấp I đến đại học, cả người đã đi làm.

Đối với giáo viên người nước ngoài, thời lượng giảng dạy và thù lao ở đây khá tốt, trong khi đó tôi thấy giáo viên Việt Nam chịu nhiều áp lực hơn vì thời gian dạy nhiều hơn, phụ trách lớp đông hơn và lương lại thấp hơn, chưa kể hàng tá công việc sổ sách khác...

Theo cảm nhận của tôi, dạy học ở Việt Nam khá thách thức bởi học sinh Việt Nam thường rất nhát nói ra điều mình nghĩ. Ngoài ra, hình thức học tập cũng khá thụ động, chủ yếu kiểu học thuộc lòng. Tuy nhiên, tình trạng này đang được cải thiện dần.

Ở Úc, giáo viên và học sinh tương tác với nhau rất nhiều, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn và học sinh tha hồ đặt câu hỏi về các bài học. Giáo dục ở Úc cũng tập trung vào việc khám phá kiến thức và áp dụng vào cuộc sống, chứ không phải là ngập tràn bài kiểm tra và thi cử như ở đây. Ngoài ra, với trang thiết bị, tài liệu hỗ trợ nhiều, việc dạy học ở Úc tính ra dễ dàng hơn.

Không chỉ học tập cùng nhau, tôi và học sinh của mình hay chia sẻ với nhau nhiều điều và điều làm tôi nhớ nhất là các câu chuyện về cuộc sống, văn hóa Việt Nam mà các em kể.

Về phần mình, tôi thường đóng vai tư vấn tâm lý cho học trò, xoa dịu hay động viên các em vượt lên khó khăn để học tập tốt và sống vui vẻ.

Mỗi khi có lứa học trò nào đó không học với mình nữa, tôi rất nhớ các em và thường tự hỏi không biết bọn trẻ có sống tốt và thực hiện được ước mơ của mình hay không.

Thỉnh thoảng tôi có gặp lại học trò của mình và khi biết các em đang có cuộc sống tốt, tôi rất vui.

NGỌC ĐÔNG ghi

DIỆU AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên