Bài phát biểu của một đại diện học sinh khiến tôi suy nghĩ mãi về thực trạng dạy học môn văn, và giáo dục lòng trung thực ở bậc phổ thông.
Em học sinh mở đầu bài phát biểu bằng cảm xúc về tiếng ve không còn râm ran, về hoa phượng không còn đỏ rực, về ánh nắng không còn gay gắt của mùa hè, để nhường chỗ cho bầu trời trong xanh của mùa thu và ngày khai giảng.
Phát biểu như vậy là khá đạt đối với một học sinh về mặt văn chương, nhưng có vấn đề về mặt hiện thực.
Chưa nói đến việc nhà trường nơi tôi dự lễ không trồng bất cứ cây phượng nào, Phan Thiết vẫn còn nắng gay gắt như nhiều địa phương khác trong toàn quốc vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ở cái tỉnh ven biển cuối miền Trung này, thật khó nhận ra dấu hiệu của tháng 9 và mùa thu như Thanh Tịnh từng viết trong Tôi đi học: “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc...”.
Sáng tác văn học được phép hư cấu, nhưng phải dựa trên hiện thực. Bài phát biểu của em học sinh nọ trong lễ khai giảng không hoàn toàn là một sáng tác văn học, nên càng phải dựa vào hiện thực.
Sẽ có bạn đọc trách tôi khắt khe đến mức “chẻ sợi tóc làm tư” đối với một học sinh, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao phải mô tả bầu trời của lễ khai giảng luôn trong xanh, hay học sinh luôn mặc quần áo mới đến trường?
Trước khi dạy chữ cho học sinh, chúng ta cần dạy người, và phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Dạy văn cần tránh khuôn sáo rỗng tuếch và phải giáo dục lòng trung thực, ngay từ những chi tiết tưởng như không quan trọng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận