Ông Lê Hùng Dũng, quyền Chủ tịch Liên đoàn bóng đá VN kể cho người viết nghe một câu chuyện thế này: Tại buổi tiệc chiêu đãi các đội bóng dự giải U-19 quốc tế (diễn ra ngày 7-1, sau trận U-19 VN thua U-19 AS Roma), HLV của đội khách, ông Alberto de Rossi ngồi cạnh ông Dũng tâm sự: “Chúc mừng các ông đã có một đội bóng chơi rất tốt. Họ đã nhập cuộc rất nhanh và đầy kỹ thuật, khiến cầu thủ chúng tôi bất ngờ, buộc phải phòng ngự và chơi tiểu xảo. Tuy nhiên, cầu thủ các ông hồn nhiên quá! Bị đốn ngã cũng ráng bật dậy thi đấu tiếp. Nói thật, kiểu ấy tuy đẹp nhưng không thể giúp để tồn tại trong bóng đá nhà nghề”.
Ông Alberto còn chia sẻ rằng các cầu thủ U-19 AS Roma khôn đến mức biết quan sát cả trọng tài để tung ra những tiểu xảo mà không bị phát hiện! Chuyện chơi bóng tiểu xảo thì người Ý nổi tiếng bậc thầy, và hẳn người hâm mộ không quên tại World Cup 2006 họ loại tuyển Úc bằng một cú té đểu của Grosso.
Mà nào chỉ có người Ý, khi xem các giải bóng đá đỉnh cao của thế giới chúng ta đều thấy những màn đóng kịch siêu đẳng của cầu thủ.
Vì vậy, U-19 VN đã đến lúc phải đi học... cái xấu để đặt chân vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp. Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng đó là thực tế không thể phủ nhận. Trường học “quái dị” ấy chính là một ông thầy nhà nghề của bóng đá, là những trận đấu (càng nhiều càng tốt) với những đối thủ như AS Roma.
Và chúng ta cũng đừng lo điều này: xưa nay học cái hay, cái đẹp mới khó; chứ học tiểu xảo, học cái xấu thì dễ thôi mà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận