02/02/2016 09:10 GMT+7

Phải đảm bảo tính mở và liên thông

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP
GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP

TT - Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD) và đang trưng cầu ý kiến về hệ thống đã trình. Dưới đây chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến.

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề TP.HCM trong giờ thực hành tiện trên máy CNC - Ảnh Như Hùng
Sinh viên Trường cao đẳng Nghề TP.HCM trong giờ thực hành tiện trên máy CNC - Ảnh Như Hùng

Trước hết, có thể nói cơ cấu HTGDQD là cái bao trùm và quan trọng nhất của một hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, ba quan điểm xuất phát để xây dựng hệ thống mà tờ trình đề ra là: dựa vào nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới giáo dục, tuân thủ các luật hiện có về giáo dục và đảm bảo cho hệ thống mới khắc phục được những bất cập, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước cũng như tiếp cận giáo dục quốc tế.

Rõ ràng ba quan điểm nêu trên là mâu thuẫn với nhau: khi các luật hiện tại về giáo dục có một số thiếu sót, nếu hoàn toàn “tuân thủ” chúng thì HTGDQD xây dựng được sẽ khó thỏa mãn được đòi hỏi cao của nghị quyết 29 và khó đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Nếu xem HTGDQD là cái bao trùm và quan trọng nhất của hệ thống giáo dục, thì khi một luật giáo dục nào đó có thiếu sót tất phải sửa luật đó cho phù hợp.

Có lẽ do xuất phát từ các quan điểm như trên nên dự thảo cơ cấu HTGDQD còn nhiều sơ suất.

Nhầm lẫn về khái niệm

Trong cơ cấu HTGDQD, một trong những vấn đề quan trọng nhất là phân luồng: sau trung học cơ sở (THCS) học sinh được phân hai luồng, trung học phổ thông (THPT) và đào tạo nghề, mà luồng sau phải nhiều hơn luồng trước. Chúng ta đã đặt vấn đề phân luồng như vậy mấy chục năm qua, nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được.

Hiện tại sau THCS, phần lớn học sinh vào THPT để thi vào đại học, trong khi đó luồng vào các trường đào tạo nghề rất ít, kết quả là các trường đại học thì quá tải còn nhân lực nghề nghiệp lại thiếu và yếu.

Trong dự thảo HTGDQD bậc THPT được chia thành ba “luồng”: định hướng chung; định hướng kỹ thuật, công nghệ; định hướng năng khiếu nghệ thuật. Chúng tôi cho rằng quan niệm về “luồng” như vậy là một sự nhầm lẫn về khái niệm.

Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục có viết “...trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT”.

Như vậy phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp ở THPT là hai khái niệm khác nhau, định hướng nghề nghiệp là vấn đề nội bộ của chương trình THPT, nhằm tạo thuận lợi cho học sinh chọn các nghề nghiệp khác nhau khi vào đại học, chứ không phải là “phân luồng sau THCS” như nghị quyết 29 đã nêu.

Thế mà dự thảo đã gọi định hướng nghề nghiệp ở THPT là phân luồng. Quan niệm về phân luồng như vậy là không phản ánh đúng khái niệm phân luồng sẽ làm lệch trọng tâm của bài toán phân luồng, do đó không giải quyết được triệt để vấn đề phân luồng.

Giáo dục nghề nghiệp là bậc hay luồng?

Trong quan điểm xuất phát thứ ba của tờ trình có nêu ý tưởng về tiếp cận giáo dục quốc tế. Sơ đồ dự thảo cơ cấu HTGDQD cũng có tham khảo tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục của UNESCO nhưng vận dụng chưa hợp lý.

Theo tiêu chuẩn quốc tế này, hệ thống giáo dục được phân thành hai luồng từ sau bậc THCS cho đến tận bậc trên cùng (bằng tiến sĩ và bằng chuyên nghiệp tương đương) và luồng giáo dục phổ thông - học thuật và luồng giáo dục nghề - chuyên nghiệp.

Ở đây cần nói vài lời về Luật giáo dục nghề nghiệp được ban hành vào giữa năm 2012. Chúng tôi cho rằng một nhầm lẫn của luật này ở chỗ xem giáo dục nghề nghiệp là một bậc của HTGDQD, mà đáng lẽ phải xem là một luồng.

Chính vì xem giáo dục nghề nghiệp là một bậc, hơn nữa có lẽ việc thiết kế luật đã xuất phát từ ý đồ cát cứ trong quản lý, nên luật đó đã cắt hẳn hệ thống các trường cao đẳng sang “bậc” giáo dục nghề nghiệp chứ không còn ở khu vực giáo dục đại học như thông lệ.

Có lẽ do bị trói buộc của Luật giáo dục nghề nghiệp nên sơ đồ của dự thảo HTGDQD biểu diễn luồng giáo dục nghề nghiệp kết thúc chỉ ở cấp cao đẳng.

Theo kinh nghiệm của nhiều nước, vùng lãnh thổ (Mỹ, Đài Loan...), luồng giáo dục nghề nghiệp nên đi từ sau THCS lên đến tận bậc trên cùng. Người ta giải thích về kiểu thiết kế này: “Cuộc sống chẳng những cần Einstein (học thuật) mà cần cả Edison (công nghệ)”. Chúng tôi nghĩ hệ thống của chúng ta cũng nên như vậy.

Thiết kế luồng giáo dục nghề nghiệp lên đến tận bậc trên cùng vừa hợp lý về hệ thống, góp phần tạo nên nhân lực nghề nghiệp trình độ cao, vừa có tác động tốt về tâm lý: những người đi theo luồng giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn không bị hạn chế con đường thăng tiến.

Ở Việt Nam, chẳng hạn đối với ngành y, văn bằng cao nhất về nghề nghiệp (chuyên khoa 2) hoàn toàn có thể xem là tương đương với văn bằng cao nhất về học thuật (tiến sĩ y khoa).

Một ý cuối cùng chúng tôi muốn đóng góp là thiết kế HTGDQD phải đảm bảo tính mở và liên thông. Mỗi luồng giáo dục học thuật hoặc giáo dục nghề nghiệp cần có nhiều đầu vào và đầu ra, sao cho người học theo một luồng có thể chuyển sang luồng kia khi có điều kiện hoặc mong muốn mà không phải mất nhiều thời gian và lãng phí kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được.

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên