23/08/2013 21:29 GMT+7

Phải đảm bảo bí mật cho người tố cáo

M.QUANG
M.QUANG

TTO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2013/NĐ-CP về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Khi nhận được đơn tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, có chữ ký trực tiếp hoặc điểm chỉ thì người tiếp nhận có trách nhiệm phân loại, xử lý và nếu xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển đơn tố cáo và các tài liệu liên quan kèm theo (nếu có) cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật.

Đó là một trong các nội dung trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo được quy định tại Nghị định 91/2013/NĐ-CP về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân mới được Chính phủ ban hành.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, nếu tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan khác ngoài Công an nhân dân, Thủ trưởng cơ quan công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải trao đổi với cơ quan chức năng có liên quan để thống nhất việc phân công chủ trì, phối hợp giải quyết tố cáo.

Đối với nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự có dấu hiệu tội phạm do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Nghị định cũng quy định rõ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý vi phạm pháp luật tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo.

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, chiến sĩ đó công tác.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, việc công khai kết luận tố cáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định 76 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tố cáo.

Việc công khai phải đảm bảo bí mật thông tin về người tố cáo. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo theo quy định của Luật tố cáo.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi nhận được yêu cầu của người tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an các cấp có trách nhiệm áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.

M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên