10/04/2013 06:37 GMT+7

Phải chọn lọc DNNN để tái cơ cấu

H.GIANG - N.BÌNH
H.GIANG - N.BÌNH

TT - “Sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” - báo cáo Triển vọng phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 9-4 tại Hà Nội cho biết.

Tại buổi công bố, đại diện ADB đã đưa ra nhiều đánh giá cụ thể về tình hình hiện nay và triển vọng kinh tế VN năm 2013.

Cụ thể, ông Tomoyuki Kimura, giám đốc quốc gia của ADB tại VN, cho rằng Chính phủ cần có cách tiếp cận mang tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các DNNN vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Hơn nữa, việc tập trung tái cơ cấu tổng thể một số DNNN được chọn có thể tạo tác động lan tỏa cho việc cải cách hơn nữa.

Theo ông, ADB và Bộ Tài chính đang trong giai đoạn chọn lọc lần hai các DNNN sẽ được tham gia gói vay ưu đãi 300 triệu USD của ADB dành cho cải cách các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Sau vòng đầu, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng VN, Tổng công ty Hàng hải VN đã bị loại.

Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ADB, cho biết những DNNN được ưu tiên tái cơ cấu trong khuôn khổ khoản vay này không căn cứ vào quy mô của DN, mà tùy thuộc vào tầm quan trọng của DN đó với ngành và mức độ tác động tiêu cực tới ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ADB lưu ý trong quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ tạo nên các tác động xã hội và chính phủ phải xét tới yếu tố về an sinh xã hội, ví dụ như chuyển dịch hay sắp xếp việc làm như thế nào cho lao động dôi dư.

Về thị trường bất động sản, ông Mellor nhận định gói cứu trợ của Chính phủ chủ yếu dành cho nhà ở xã hội trong khi vấn đề của DN bất động sản chủ yếu nằm ở phân khúc tòa nhà văn phòng và chung cư cao cấp.

ADB cũng cho rằng tỉ lệ nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh hiện chiếm 55% GDP của VN. Trả lời Tuổi Trẻ tại buổi công bố, ông Mellor cho biết tỉ lệ cụ thể là bao nhiêu không quan trọng bằng việc đánh giá xem nền kinh tế VN tăng trưởng như thế nào so với tốc độ tăng nợ cả bằng ngoại tệ và nội tệ.

“Về tổng thể, khi Chính phủ vay để đầu tư cho một dự án nào đó như hạ tầng, tăng lương thì phải rót tiền vào ngành nào hiệu suất cao nhất, vì nếu không thì sẽ gia tăng gánh nặng chi tiêu công và tăng trưởng chỉ dành để trả nợ mà thôi. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP giảm và nợ công tăng khiến tỉ lệ nợ công trên GDP của VN ngày càng tăng. Câu hỏi đặt ra là đầu tư công thực hiện như thế nào, có hiệu quả không? Nếu có thì tỉ lệ 55% đó là có thể chấp nhận được” - ông Mellor nói.

Với những khoản nợ xấu tồn đọng trong hệ thống ngân hàng hiện nay, ADB đánh giá việc thành lập công ty quản lý tài sản để mua lại nợ xấu là một ý tưởng hay, nhưng có phát huy tác dụng hay không còn phụ thuộc vào việc thực hiện.

ADB cũng dự báo tăng trưởng GDP của VN năm 2013 sẽ đạt 5,2% và năm 2014 là 5,6%; lạm phát trung bình năm 2013 sẽ khoảng 7,5% và tăng lên 8,2% năm 2014 - dựa trên giả định là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỉ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.

H.GIANG - N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên