13/07/2021 13:18 GMT+7

‘Phải chỉ ra cái gì vướng, sửa thế nào, đừng chỉ kêu không’

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định “bắt bệnh” của không ít địa phương là luôn “kêu” chính sách, pháp luật “vướng” nhưng không nêu được "vướng" chỗ nào.

‘Phải chỉ ra cái gì vướng, sửa thế nào, đừng chỉ kêu không’ - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay 13-7, sau khi nghe các thành viên Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, chi tiêu ngân sách, thực hiện đầu tư công…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội.

Phát biểu trước khi kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là toàn diện, có nhiều dấu ấn quan trọng. Ví dụ trong đầu tư công đã cơ bản khắc phục được tính dàn trải, hiệu quả thấp, thông qua việc cắt giảm nhiều dự án chưa thực sự cần thiết, có giải pháp để đạt tỉ lệ giải ngân hằng năm ngày càng cao.

Cơ cấu chi cũng ngày càng tích cực, giảm dần tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách, đặc biệt một số địa phương làm tốt như Hà Nội, Quảng Ninh đã dành 50% tổng chi cho đầu tư phát triển.

Nhấn mạnh đến các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu: Phải khẳng định nhiệm vụ trọng tâm là thể chế hóa chủ trương, định hướng của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là những điểm mới, những điểm cần đổi mới so với trước.

"Phải khắc phục xu hướng kêu, đổ thừa cho cơ chế, pháp luật. Phải nói rõ là cần sửa cái gì, sửa thế nào chứ không chỉ có kêu không. Cái gì không phù hợp, vướng mắc thì phải chỉ ra cụ thể, cùng với đề xuất, kiến nghị", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Ông nêu ví dụ về giải ngân đầu tư công năm vừa rồi đạt tới 98%, nhưng có năm đạt thấp, một số ngành, địa phương đạt thấp, là do tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý tới đây cần đánh giá việc thực hiện các nghị quyết đặc thù cho các địa phương. 

"Tôi thấy rằng phần lớn các địa phương chỉ bàn và kiến nghị cơ chế đặc thù trong chính sách chi, để chi được nhiều. Trước đây tôi ở Hà Nội, khi họp thì các sở, ngành chỉ thích trình chính sách chi cho nhiều thôi, chứ không bàn đến biện pháp làm sao để có thu tốt, tạo ra nguồn lực cho phát triển", ông đặt vấn đề.

Cũng đề cập đến vấn đề thể chế, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lên tiếng: "Nhiều địa phương, nhiều nơi kêu vướng thể chế, kêu vướng luật, nhưng lại không nêu là vướng như thế nào, nên sửa ra sao".

Ông Định cũng nêu câu chuyện ở Khánh Hòa khi ông về làm bí thư Tỉnh ủy, một số sở, ngành khi đụng đến việc cứ kêu vướng luật, khó làm. "Cứ 15 ngày tôi yêu cầu họp một lần nghe các bên báo cáo, cuối cùng có phải vướng đâu, là do cách tổ chức thực hiện", ông Định nói.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định tới đây sẽ đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội, với HĐND các cấp để rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật.

Đề nghị đưa vắc xin COVID-19 vào danh mục mặt hàng thiết yếu

Theo chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, dự báo cho thấy đại dịch COVID-19 có thể kéo dài và chưa biết đến bao giờ kết thúc.

"Do đó trong 5 năm tới chúng ta phải đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng thường xuyên. Hiện nay chưa có đánh giá là vắc xin có hiệu lực bao lâu, do đó có thể phải tiêm thường xuyên.

Hôm nay Israel đã tuyên bố tiêm mũi thứ 3 cho một số đối tượng. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét đưa vắc xin vào danh mục mặt hàng thiết yếu, có kế hoạch lâu dài cho việc tiêm chủng", bà Thúy Anh nêu.

Cử tri mong đại biểu Quốc hội Cử tri mong đại biểu Quốc hội 'kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ'

TTO - Đó là nguyện vọng của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội, vừa được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên