01/09/2020 15:42 GMT+7

Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu

T.D.V
T.D.V

Ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chỉ trong vòng 43 ngày kể từ khi Bộ Chính trị họp quyết định chủ trương, Tổng Cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đã được thành lập.

Trong Nghị quyết đầu tiên về ngành Dầu khí (Nghị quyết 244/NQ-TW) về việc thành lập Tổng cục đã nêu rõ: "Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…".

Đặc biệt, Nghị quyết còn khẳng định: "Trong quá trình hợp tác, chúng ta phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, nhanh chóng tăng cường tiềm lực của mình, tiến tới tự lực ở mức cao nhất có thể. Với vị trí chính trị của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể hợp tác với các nước XHCN, với các nước tư bản và các nước thuộc "thế giới thứ ba"…

Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu - Ảnh 1.

Bảo dưỡng phân xưởng Flare (đốt đuốc) tại NMLD Dung Quất

Cho đến bây giờ, mặc dù đã 45 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Dầu khí từ những ngày đầu tiên vẫn không lý giải được một điều là: Tại sao trong lúc miền Nam mới giải phóng, đất nước bộn bề công việc phải giải quyết nhưng lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã nghĩ ngay tới việc phải xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí. Ngày 20/7/1975, nghĩa là chưa đầy ba tháng sau khi Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Bộ Chính trị họp tại Sài Gòn đã ban hành Nghị quyết 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Rồi chỉ đúng một tháng sau, ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Và hơn 10 ngày sau, căn cứ vào các Nghị quyết và Quyết nghị trên, ngày 03/9/1975, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Việc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời đã đưa ngành Dầu khí bước sang một trang mới, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất...

Cho đến bây giờ, các thế hệ cha anh của Tập đoàn Dầu khí không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, những anh bộ đội Cụ Hồ đã rời tay súng để xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp có những yêu cầu khắt khe nhất về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù rất cao.

Khi đó, những người lính vốn kiến thức về dầu khí hầu như chẳng có gì, nghề về dầu khí cũng hoàn toàn chẳng có, ấy thế mà họ đã xây dựng những khu căn cứ dịch vụ cho ngành Dầu khí, đã xông ra biển để tìm kiếm thăm dò và họ đã tranh thủ từng ngày từng giờ để học hỏi ở các chuyên gia nước ngoài; thậm chí còn nghĩ mưu nghĩ kế để "học lỏm" cách làm của chuyên gia. Đó là sự hy sinh của người Dầu khí chỉ để nhanh nhất đuổi theo các cường quốc dầu khí, để học được cách chuyển tài nguyên dầu khí thành năng lượng phát triển kinh tế đất nước.

Vào những lúc Tập đoàn Dầu khí khó khăn nhất như thời điểm những năm 1988, khi đó các giếng dầu mới có được của Liên doanh Vietsovpetro đã suy giảm sản lượng đến mức độ không thể tưởng tượng nổi. Hàng loạt chuyên gia Liên Xô bị điều chuyển hoặc xử lý kỷ luật vì kết quả hoạt động quá kém của Liên doanh, thậm chí người ta đã nghĩ đến việc giải thể Liên doanh, nhưng kết quả, chúng ta đã tìm ra dầu ở tầng đá móng. Thành công này không chỉ cứu sống Liên doanh Vietsovpetro mà còn mở ra một chương mới cho toàn bộ công tác thăm dò, tìm kiếm ở vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Gần đây, có một dự án được nhiều người nhắc đến là Dự án Biển Đông 01 khai thác khí và dầu condensate ở cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh. Bây giờ, mỗi ngày Dự án này nộp cho Nhà nước trên dưới 1 triệu USD và đang là "con gà đẻ trứng vàng" cho kinh tế đất nước. Nhưng không phải nhiều người đã biết, Dự án này khai thác khí và dầu condensate ở khu vực có cấu tạo địa chất vào loại khó và nguy hiểm nhất trên thế giới bởi áp suất khí cực cao và nhiệt độ quá lớn. Khai thác dầu khí ở đây khó và nguy hiểm đến nỗi Tập đoàn Dầu khí BP của Anh đã phải từ bỏ sau khi đổ 500 triệu USD và 9 năm thăm dò, nghiên cứu ở đây. Cuối cùng dự án đã thành công mĩ mãn.

Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu - Ảnh 2.

Đổi ca trên Giàn Chim Sáo

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hạt nhân nòng cốt của ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam, đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ chuỗi công nghiệp dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, đến hạ nguồn. Hoạt động của ngành Dầu khí hiện nay đang có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là động lực phát triển tại nhiều vùng, địa phương. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như điện, đạm, xăng, dầu, khí... đang góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước, tạo nền tảng cho ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển.

Trong khoảng 5 năm qua, do những biến cố quá lớn đối với Tập đoàn Dầu khí đã khiến cho Văn hóa Dầu khí bị mai một, nhưng từ những nỗ lực của gần 60 ngàn cán bộ công nhân viên, những người Dầu khí chân chính vẫn một lòng thầm lặng cống hiến, Petrovietnam đã từng bước vượt qua khó khăn. Đặc biệt là từ đầu năm 2020, Tập đoàn phải đối phó với cuộc "khủng hoảng kép" do tác động của dịch COVID-19 và giá dầu suy giảm, bằng sự chủ động, linh hoạt trong cách ứng phó, vẫn có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.

7 tháng đầu năm 2020, trong khi các tập đoàn, công ty dầu khí hàng đầu thế giới lâm cảnh thua lỗ từ 1,6 – 21 tỷ USD, buộc phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự... thì Petrovietnam, với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Gói giải pháp ứng phó với "khủng hoảng kép", vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược cho nền kinh tế, đạt lợi nhuận hơn 10 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 nghìn tỷ đồng.

Và trong những ngày qua, ngành Dầu khí Việt Nam đã đón một tin vui lớn, đó là phát hiện mỏ khí Kèn Bầu ở Lô 144, gần bờ biển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là mỏ khí có trữ lượng khá lớn và sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của Petrovietnam cho hàng chục năm tới, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.

Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu - Ảnh 3.

Toàn cảnh Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau

Những nỗ lực trong 5 năm qua của Tập đoàn Dầu khí đã và đang một lần nữa khẳng định "vàng thật không sợ lửa". Công nghiệp Dầu khí thế giới đang phát triển không ngừng với dầu đá phiến, khai thác mỏ vùng nước sâu, công nghệ khai thác nano... Người Dầu khí Việt Nam sẽ quyết tâm "bắt kịp", nỗ lực học hỏi để vươn lên.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên