Sẹo xấu vì peel da trị nám
Chị T.P.H. (41 tuổi) chia sẻ từ năm 28 tuổi (sau sinh em bé được 2 năm) gò má hai bên xuất hiện những mảng tối màu, lúc đầu nhỏ sau liên kết thành mảng lớn, gần đây có xu hướng lan rộng hai má và thái dương, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và sự tự tin khi giao tiếp với khách hàng và đồng nghiệp.
Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, chị H. đã đến một spa ở quận Hoàng Mai, Hà Nội để điều trị bằng phương pháp peel da (lột da mặt bằng hóa chất), với mong muốn lấy lại làn da tự nhiên.
Tại spa này, chị H. được nhân viên tư vấn rằng mình đang mắc phải tình trạng nám đinh (hay còn gọi là nám chân sâu). Muốn điều trị dứt điểm loại nám này phải dùng phương pháp peel da sâu và ủ thuốc lâu hơn bình thường.
Trong quá trình thực hiện peel da, chị H. cảm thấy da căng đau rát, khó chịu ở mặt, nhưng nhân viên spa vẫn cho rằng đó là hiện tượng sau khi peel da, đồng thời động viên chị cố gắng chịu đau để có làn da đẹp.
"Sau khi peel da liên tục khoảng 3 lần, tôi thấy các tổn thương ở mặt trở nên sưng nề, đau rát, căng tức, xuất hiện thêm một số mụn nước trở nên trợt loét, chảy dịch nhiều ở vùng mép và hai bên má.
Tôi có tìm đến spa để được hỗ trợ nhưng vẫn được tư vấn rằng đây là hiện tượng "vô cùng bình thường", cứ tiếp tục thực hiện theo liệu trình điều trị chắc chắn sẽ khỏi.
Sau 2 tuần theo dõi những tổn thương trợt loét, mụn nước dần hình thành sẹo đỏ ở mép, má có hiện tượng co kéo nhẹ, tổn thương sẹo sẽ lan rộng hết trên mặt, tôi mới dừng hẳn liệu trình peel da đã đăng ký", chị H. nói.
Sau đó, chị H. mới tìm đến cơ sở y tế để thăm khám. Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam, trực tiếp thăm khám cho chị H. - nhận định đây là trường hợp điển hình của tổn thương da do peel da sai cách.
"Da mặt bệnh nhân có sẹo xấu do bỏng hoạt chất, hiện tượng tăng sắc tố sau viêm vô cùng nặng, ngoài da mặt bị giãn mao mạch, da mỏng. Tất cả những biểu hiện này khiến chị H. cảm giác da căng tức, nóng rát, ngứa khó chịu.
Đối với trường hợp này, bệnh nhân phải mất nhiều thời gian và kết hợp nhiều phương pháp mới có thể hồi phục. Dự kiến phải mất 7 - 9 tháng mới điều trị xong các tổn thương", bác sĩ Thành thông tin.
Cẩn trọng khi làm đẹp
Theo bác sĩ Thành, peel da có ba mức độ khác nhau: nông, sâu, trung bình. Các hóa chất thường dùng là salicylic, acid glycolic, retinol, lactic acid… với nhiều nồng độ khác nhau. Đặc biệt việc thực hiện peel da cần quy trình nghiêm ngặt, kiểm soát nhiễm khuẩn...
Ngoài ra, thực hiện peel da sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, như khiến da bị tổn thương, bỏng, bùng phát mụn trứng cá, viêm nhiễm, thậm chí để lại sẹo. Sau khi lột, da nhạy cảm cần được chăm sóc đúng cách để tối ưu hiệu quả điều trị, đẩy nhanh hồi phục và hạn chế biến chứng như viêm, nhiễm trùng.
"Vì vậy, peel da cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu, các cơ sở phải được sở y tế cấp phép để ngăn ngừa các biến chứng. Đặc biệt, cần đảm bảo tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu trước, trong và sau khi peel da", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận