Các diễn giả tham dự buổi tọa đàm - Ảnh: V.V.TUÂN |
Tại buổi tọa đàm về cuốn hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer, do Alpha books tổ chức tối 6-4 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), nhà văn - kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý chia sẻ như thế về cuốn sách của toàn quyền Đông Dương giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902.
Đây cũng là một trong top 10 đầu sách ấn tượng nhất Hội sách TP.HCM tháng 3 vừa qua do Alpha Books và NXB Thế Giới ấn hành.
Theo Nguyễn Trương Quý, bắt đầu từ những bề bộn, những con phố dọc ngang lộn xộn, những khu đầm lầy mênh mông của Hà Nội, Paul Doumer xây dựng nên một thành phố là trạm dừng chân đẹp, để người Pháp có thể thực hiện tham vọng tiến xa hơn sang miền Nam Trung Hoa.
PGS.TS Dương Văn Quảng - từng làm đại sứ VN tại UNESCO và tổ chức Pháp ngữ - lại cho rằng đây là giai đoạn bi thương, bởi đến nay, đa số những nhà chính trị, nhà nghiên cứu đều lên án chủ nghĩa thực dân.
Giai đoạn Paul Doumer sang Đông Dương trùng với giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ nhất, trong đó có những điều xuất phát từ lợi ích của nước Pháp.
Người phải tạo ra lợi ích đó chính là người dân VN, nên không thiếu những bi kịch của những người thợ mỏ, thợ đồn điền cao su hay những công nhân xây dựng đường sắt bị tai nạn… trong giai đoạn này. Giai đoạn này cũng tác động nhiều đến tâm lý người VN.
“Tuy nhiên, mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Có người nhìn giai đoạn này dưới góc độ rất đen. Còn dưới góc nhìn của tác giả thì khác đi” - PGS.TS Dương Văn Quảng nêu ý kiến.
Trả lời câu hỏi vì sao mà chỉ trong 5 năm, Paul Doumer đã xây dựng được một quy hoạch kỳ vĩ, từ làm cầu Long Biên đến quy hoạch hệ thống đường sắt Đông Dương…, ông Quảng lý giải rằng Paul Doumer rất am hiểu về thuộc địa, trong đó có xứ Đông Dương, bởi ông từng làm báo cáo viên về các thuộc địa của Pháp.
Hơn nữa, ông ta tin rằng nếu biết đầu tư cho xứ thuộc địa thì sẽ có lợi cho nước Pháp, nên ông ta có lòng tin rằng dứt khoát sẽ làm được điều gì đó cho xứ Đông Dương.
Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, Paul Doumer cũng là người sớm có cái nhìn nhận diện bản sắc bản địa trong việc thiết lập bộ máy hành chính ở Đông Dương. Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể cứu vãn được những di tích ở Hà Nội, trong đó có thành Hà Nội đã bị đập đi.
“Hà Nội là một sản phẩm tình thế, là một chỗ để người Pháp tiến xa hơn sang miền Nam Trung Quốc. Nhưng Paul Doumer cũng làm cho Hà Nội trở thành trạm nghỉ chân rất đẹp. Sự chuyển tiếp của Paul Doumer trong giai đoạn này rất quan trọng cho sự phát triển về sau của Hà Nội”. |
PGS.TS Dương Văn Quảng cũng cho rằng dưới góc độ địa chính trị, khi đó, Pháp muốn bành trướng thì không thể không bành trướng lên phía Bắc. Vì vậy, Paul Doumer có cái nhìn khác ở chỗ là nước Pháp muốn có vai trò ở Viễn Đông mà muốn mở rộng thì chỉ có tiến lên phía Bắc, tức miền Nam Trung Hoa. Đây là cái nhìn địa chiến lược của Paul Doumer.
Dịp này, Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam (VICC) và Alpha Books chính thức ra mắt cộng đồng đọc sách tinh hoa - Omega Group, quy tụ các nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, các dịch giả, biên tập viên, nhà tư vấn, bạn đọc đam mê và yêu thích thể loại sách nghiên cứu, khảo cứu chọn lọc và kinh điển trên các lĩnh vực: lịch sử, kinh điển, khoa học, xã hội, chính trị… |
Trả lời cho sự băn khoăn của độc giả về cách nhìn nhận Paul Doumer khi ông hành động hoàn toàn vì lợi ích nước Pháp nhưng đồng thời đã làm được nhiều việc cho xứ Đông Dương với nhiều thành tựu về cơ sở hạ tầng, PGS.TS Dương Văn Quảng nói:
“Đánh giá thành tựu của một con người là tùy góc nhìn của mỗi người. Còn ông Paul Doumer rõ ràng là thực dân, vì ông ta muốn khai thác thuộc địa để phục vụ cho lợi ích nước Pháp. Nhưng muốn khai thác thuộc địa thì buộc người dân làm việc, và phải nghĩ đến câu chuyện đào tạo đội ngũ quản lý, những nhà chuyên môn.
Ông chủ trương hạn chế đưa những người Pháp sang đây. Khi đó chúng ta có tầng lớp trí thức mới ra đời trong hoàn cảnh đó”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận