Norah Jones hát trong I’m alive: “Hãy cứ ngồi yên và đợi. Đừng chuyển động, đừng băn khoăn” - Ảnh chụp từ YouTube
"Xin đừng hiểu nhầm ý tôi, đây không phải là một ca khúc vui vẻ", chàng nhạc sĩ du ca Passenger hát trong một sáng tác mới đầy ngẫu hứng The Venice Canals (Những con kênh ở Venice).
Những tuần qua hình ảnh bóng những đàn cá bơi lội trên những con kênh trong vắt của Venice khi nơi đây không còn bị chiếm lĩnh bởi con người cùng những chiếc tàu vaporetti lan tỏa trên nhiều mạng xã hội.
Chàng nhạc sĩ du ca Passenger hát The Venice Canals
Là kiểu "Walden sống trong rừng" thời hiện đại, chủ nhân bản hit Let her go từ trước đã thích tách biệt và coi những khu rừng ôn đới lạnh giá là phòng thu của mình, và trong ca khúc mới anh trấn an mọi người rằng dẫu thời khắc này chồng chất khó khăn, nhưng đó cũng lại là thời khắc ta có thể "ngắm những ngôi sao sáng trên trời Bắc Kinh", "nghe tiếng chim hót trên quảng trường Thời Đại", "ngắm hoàng hôn ngoài cửa sổ", "nghe mưa rơi trên mặt đất", đó cũng là thời khắc "những đàn cá quẫy mình ở con kênh Venice".
Và thiên nhiên vẫn cứ đẹp đẽ một cách hồn nhiên như chẳng hề quan tâm tới cuộc gồng mình của nhân loại.
Ca sĩ Norah Jones hát I’m alive
Với Norah Jones, cô chọn chính thời điểm này để ra mắt đĩa đơn đầu tiên trong album thứ 7. Cái tên của bản nhạc gọn gàng và trực diện: I’m alive (Tôi vẫn còn sống).
I’m alive tiếp tục là cuộc trở về với khuôn thức âm nhạc của cô thời lập danh, lấy trung tâm là tiếng piano mang màu sắc cool jazz, tựa một mảng màu pastel ôn nhu và thư giãn.
Dù chủ đề chính của I’m alive là cuộc đấu tranh chính trị của nữ giới, song bản nhạc vẫn âm vang với tất cả mọi người trong giai đoạn đóng băng này nhờ những đoạn đầu tiên: "Hãy cứ ngồi yên và đợi. Đừng chuyển động, đừng băn khoăn. Bạn có thể hi vọng hay cầu nguyện. Bạn có thể rền rĩ. Biết đâu mọi thứ sẽ đổi thay".
Rất dễ dàng để tỏ ra rầu rĩ trong những ngày xám xịt này, nhưng phần lớn những nghệ sĩ, dù không lạc quan tếu, đều chọn nhìn về phía hi vọng.
Có lẽ, như một tựa sách của Milena Busquets Điều này rồi cũng qua, một ngày nào đó, mọi thứ sẽ qua đi và cuộc sống của chúng ta lại như vốn dĩ. Điều quan trọng là khi qua đi, nó sẽ để lại dấu vết gì trong những tháng ngày tiếp theo của chúng ta.
John Mayer thì tin rằng bạn vẫn sẽ là bạn thế thôi.
Mayer, một trong những tay guitar xuất sắc cuối cùng của dòng nhạc rock đang thoái trào, trong lần hiếm hoi rời khỏi cây guitar Fender Stratocaster nổi tiếng của mình, đã giới thiệu tới công chúng một bài hát tuy vẫn còn là một bản nháp và chưa phát triển đầy đủ, nhưng ý tưởng chính là dù suốt thời gian qua ta chẳng thèm mặc quần và chẳng làm được điều gì ra hồn thì ta vẫn là ta như thuở trước.
Nhóm nhạc dân gian Bon Iver hát PLDIF
Còn nhóm nhạc dân gian Bon Iver, họ lại dự cảm về một sự thay đổi không mong muốn trong một ca khúc với tựa đề thể hiện rõ sự rối bời, Things behind things behind things (Những chuyện đằng sau những chuyện đằng sau).
Nhưng sau rốt, trong một bài hát mới khác mang tên PLDIF, họ lại tự giải phóng chính mình khỏi nỗi sợ vô hình, bởi dù chúng ta không thể nói là chúng ta đang an toàn, nhưng chắc chắn những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến.
Và có khi đó lại là một cơ hội mới để con người làm lại từ đầu.
Sự thay đổi khó tin của cuộc sống chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi khiến một số ca khúc từ thuở xưa cũng được "đào mộ" trở lại, như Isolation (Sự cô lập) của John Lennon - một bản ballad tối giản về khoảng cách không thể thu hẹp của một con người với thế giới xung quanh hay Don’t stand so close to me của ban nhạc The Police - một bản nhạc mà cái tên nói lên tất cả: Đừng có đứng gần tôi quá!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận