30/08/2016 11:00 GMT+7

Paralympic Rio 2016:VĐV khuyết tật “2 trong 1”

HUY ĐĂNG , (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)
HUY ĐĂNG , (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)

TT - Mỗi VĐV khuyết tật là một câu chuyện, một tấm gương đáng phục về nỗ lực vượt khó. Nhưng với Alexander Triput - VĐV điền kinh người Belarus chuẩn bị dự Paralympic Rio 2016 sắp tới, sự ngưỡng mộ dành cho anh có lẽ nên được nhân đôi.

Alexander Triput tập luyện hướng tới Paralympic Rio 2016. Ảnh: Getty Images 

Người ta không rõ nên gọi Triput là VĐV khuyết tật tham dự hạng mục nào ở Paralympic kỳ này - khiếm thị hay là xe lăn - khi anh gặp khó trên cả hai vấn đề về mắt và cột sống lưng của mình. Với xuất phát điểm là một VĐV khiếm thị, Triput không phải là một cái tên xa lạ với làng thể thao khuyết tật thế giới khi anh từng giành HCV ném lao ở Paralympic Athens 2004.

Tên tuổi của VĐV điền kinh 34 tuổi này càng được hâm mộ nhiều hơn khi anh giành tấm HCB 5 môn phối hợp sau đó vài ngày trong tình trạng gặp vô số khó khăn về sức khỏe. Trước ngày thi đấu, Triput bị chẩn đoán về chấn thương gót chân, nhưng rồi anh vẫn cắn răng hoàn tất phần thi của mình. Hình ảnh chàng trai khiếm thị năm đó quỵ ngã bất tỉnh ngay sau khi về đích chặng đường 1.500m ở 5 môn phối hợp trở thành một câu chuyện xúc động bậc nhất Paralympic 2004.

Nhưng rồi Triput cũng chịu tổn thất lớn vì những nỗ lực quá sức của mình. Anh bị vỡ xương gót chân sau kỳ tích trên đất Hi Lạp năm 2004, khiến anh bất lực trong việc lấy lại phong độ nhiều năm sau đó và không giành được tấm huy chương nào ở Paralympic Bắc Kinh 2008, trước khi tuột vé dự Paralympic London 2012. Sự nghiệp của anh cứ thế trượt dài cho đến khi - thật khó tin làm sao, được hồi sinh bởi một thảm kịch!

Tháng 4-2013, một năm sau khi thất bại trong việc giành vé dự Paralympic London 2012, Triput gặp một tai nạn kinh hoàng khi ngã từ tầng 4 xuống đất trong lúc cố gắng sửa ăngten tivi. Anh may mắn qua khỏi nhưng bị gãy cột sống. Vậy là từ chỗ một VĐV khiếm thị có cái chân hơi cà nhắc, Triput mãi mãi không thể đứng trên đôi chân của mình được nữa. Với nhiều người, đó có lẽ là dấu chấm hết hoàn toàn cho sự nghiệp thể thao. Nhưng với một “siêu nhân” nghị lực phi thường, đó chỉ là cột mốc bắt đầu.

Trên chiếc xe lăn, Triput đã trở lại đầy ấn tượng. Kiên quyết không từ bỏ sự nghiệp, chàng VĐV khiếm thị nỗ lực tập luyện miệt mài, làm quen với cuộc sống mới trên chiếc xe lăn. “Đó là một cảm giác kỳ lạ, tôi đột nhiên nhận thức ra sự bất lực của mình khi làm một công việc mà tôi chẳng bao giờ do dự trước đó. Nhưng tôi không bao giờ bỏ cuộc” - Hãng tin AFP dẫn lời Triput khi anh nói đến cảm giác khó khăn sau tai nạn kinh hoàng.

Tái xuất 2 năm sau tai nạn này, Triput vẫn xuất sắc như ngày nào trong nội dung thi đấu mới: ném lao trên xe lăn. Anh bất ngờ giành được HCĐ ở Giải vô địch điền kinh người khuyết tật châu Âu 2016 (hồi tháng 6 tại Ý). Và đáng nói hơn, Triput cuối cùng cũng trở lại được với đấu trường mà anh hằng khao khát. Tháng 3-2016, VĐV người Belarus giành tấm vé đến Paralympic Rio 2016 sau khi đạt thành tích tốt tại Giải Grand Prix ở Dubai (UAE).

Tất nhiên, Triput đã không thể trở lại mạnh mẽ như vậy nếu không có sự giúp đỡ từ mọi người. Xúc động trước nỗ lực không bỏ cuộc của người đồng hương, nhiều VĐV lừng danh của Belarus như Aliaksandra Herasimienia (bơi), Alina Talay (điền kinh), Sergei Shtanyuk (bóng đá) đã tổ chức một cuộc thi đấu từ thiện nhằm quyên góp giúp đỡ Triput. “Tôi rất cảm động khi phát hiện rằng có rất nhiều người tôi chưa từng quen biết đã tham gia giúp đỡ tôi. Đừng lo lắng cho tôi, tôi chỉ nỗ lực như những gì mà tôi từng trải qua trước đây” - Triput nói.

Ở Paralympic Rio 2016 sắp tới, người hâm mộ sẽ được nhìn thấy một VĐV đặc biệt bậc nhất lịch sử làng thể thao khuyết tật thế giới - VĐV khuyết tật “2 trong 1” Alexander Triput. Chính vì vậy, sự cổ vũ dành cho anh có lẽ sẽ tăng gấp bội.

“Tôi đã nhìn thấy rất nhiều VĐV đáng kính với nỗ lực tuyệt vời của họ, nhưng Triput là người độc nhất vô nhị. Sự kiên định đáng kinh ngạc của anh ấy là tấm gương cho tất cả mọi người”

Oleg Shepel (chủ tịch Ủy ban Paralympic Belarus)

HUY ĐĂNG , (HUYDANG@TUOITRE.COM.VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên