Ông Trump dọa tái kiểm soát kênh đào Panama
Theo Hãng tin Reuters, hôm 22-12 ông Trump đe dọa sẽ đòi lại kênh đào Panama vì đã thu phí quá cao với tàu bè qua lại con kênh kết nối hai bờ châu Mỹ này.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở Arizona, ông Trump tuyên bố sẽ không để kênh đào này "rơi vào bàn tay sai" và cảnh báo những ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc với tuyến giao thông quan trọng này.
Sau sự kiện, ông còn đăng hình lá cờ Mỹ trên một vùng nước hẹp và bình luận: "Chào mừng đến với kênh đào Mỹ".
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy quan trọng nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cho phép tới 14.000 tàu thuyền qua lại mỗi năm, chiếm 2,5% hoạt động giao thương đường biển toàn cầu.
Mỹ là nước sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất, đồng thời cũng là nước đóng góp phần lớn nguồn lực để xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập niên.
Việc xây dựng kênh đào Panama bắt đầu vào năm 1904 dưới thời cựu tổng thống Teddy Roosevelt. Vào thời điểm đó, đây được coi là một trong những thành tựu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ.
Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận được ký kết vào năm 1977 dưới thời cựu tổng thống Jimmy Carter.
"Kênh đào đã được trao cho Panama và người dân Panama với các điều khoản. Nếu những nguyên tắc của cử chỉ hào hiệp này, về cả mặt đạo đức và pháp lý, không được tuân thủ thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho chúng tôi, toàn bộ, nhanh chóng và không có gì phải thắc mắc", ông Trump nói.
Trung Quốc không kiểm soát hay quản lý kênh đào Panama. Tuy nhiên một công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hong Kong đã điều hành 2 cảng nằm ở lối vào Caribê và Thái Bình Dương của kênh đào này từ lâu.
Tổng thống Panama phản pháo
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đăng tải thông điệp khẳng định sự độc lập của Panama là không thể bàn cãi, đồng thời khẳng định Bắc Kinh không có ảnh hưởng gì đến việc quản lý kênh đào.
Ông cũng nhấn mạnh mức phí của kênh đào "không được đưa ra tùy hứng".
"Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama", ông Mulino viết trên X.
Ngay sau đó, ông Trump đáp lại ông Mulino: "Chúng tôi sẽ xem xét việc đó".
Không rõ ông Trump sẽ "giành lại" quyền kiểm soát kênh đào Panama như thế nào và ông sẽ không có cơ sở pháp lý quốc tế nếu quyết định hành động.
Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trump công khai phát biểu về "việc mở rộng lãnh thổ" nước Mỹ.
Trong những tuần gần đây, ông đã nhiều lần nói về việc biến Canada thành một tiểu bang của Mỹ, dù không rõ mức độ nghiêm túc trong phát biểu này là đến đâu.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên từ năm 2017-2021, ông Trump từng bày tỏ quan tâm mua đảo Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Ý tưởng này đã bị chính quyền Đan Mạch công khai từ chối trước khi bất kỳ cuộc thảo luận nào có thể diễn ra.
Ông Trump đã nhắc lại ý tưởng này vào hôm 22-12 khi công bố lựa chọn của ông cho vị trí đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.
"Vì mục đích an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, Mỹ cảm thấy rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều hoàn toàn cần thiết", ông Trump viết trên Truth Social.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận