Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu cạnh ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom (trái) tại Stockholm ngày 10-2 - Ảnh: Reuters |
Khoản viện trợ mới trị giá 180 triệu USD (159 triệu Euro) sẽ được trải đều từ nay tới năm 2019, dành cho các chương trình chống tham nhũng, thúc đẩy bình đẳng giới và vấn đề nhân quyền.
Theo AFP, thông tin này được thủ tướng Thụy Điển Stefan Loefven đưa ra trong sự kiện tổng thống Palestine, Mahmud Abbas, có chuyến thăm đầu tiên tới Stockholm kể từ năm 2009.
Từ tháng 10 năm ngoái, Thụy Điển trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên công nhận nhà nước Palestine. Thủ tướng Stefan Loefven nhấn mạnh, việc công nhận đó sẽ đi kèm với các trách nhiệm từ phía Thụy Điển.
Tại lễ khai trương Đại sứ quán Palestine ở Stockholm, ông Stefan Loefven phát biểu trước báo giới: “Theo chúng tôi Palestine bây giờ là một quốc gia. Những kỳ vọng của chúng tôi với Palestine và sự lãnh đạo của họ cũng vì thế mà tăng lên. Không có gì mâu thuẫn khi vừa có quan hệ tốt với Palestine lại vừa duy trì tình hữu hảo với Israel”.
Tuy nhiên động thái Thụy Điển công nhận Palestine là một quốc gia độc lập hồi năm ngoái đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ với Israel. Israel sau đó đã tạm thời rút đại sứ của họ tại Stockholm về nước.
Tháng trước, nữ ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstroem đã hoãn chuyến công du tới Israel sau khi báo giới Israel thông tin việc người đồng cấp với bà Wallstroem là ngoại trưởng Avigdor Lieberman không muốn đón tiếp.
Theo giới chức Palestine, tới nay có khoảng 135 quốc gia thừa nhận nhà nước Palestine, trong đó có nhiều quốc gia hiện là thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã sụp đổ tháng tư năm ngoái và chỉ sau đó vài tháng, một cuộc giao tranh đẫm máu đã lại xảy ra ở dải Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận