04/11/2013 06:20 GMT+7

Pakistan chỉ trích Mỹ vụ ám sát thủ lĩnh Taliban

SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG
SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Quan hệ Mỹ - Pakistan lại rơi vào tình trạng căng thẳng mới sau vụ Mỹ dùng máy bay không người lái ám sát thủ lĩnh Taliban Hakimullah Mehsud hôm 1-11.

Thủ lĩnh Taliban tại Pakistan bị Mỹ tiêu diệtMỹ tiêu diệt thủ lĩnh Taliban tại Pakistan

M2eHIMp9.jpgPhóng to
Hakimullah Mehsud, thủ lĩnh Taliban tại Pakistan, vừa bị máy bay Mỹ bắn chết - Ảnh: Reuters

Islamabad đã chỉ trích dữ dội đây là hành động “phá hoại các nỗ lực hòa bình” khi mà Pakistan đang cố tiến hành các đàm phán thỏa thuận hòa bình với lực lượng Taliban. Bộ Ngoại giao Pakistan hôm 2-11 đã triệu tập đại sứ Mỹ Richard Olson để phản đối vụ không kích. Reuters nói Pakistan sẽ đánh giá lại quan hệ với Mỹ trong cuộc họp cấp cao hôm qua.

Theo Hãng tin AFP, quân đội Mỹ xác nhận Mehsud thiệt mạng trong một vụ không kích ở vùng bắc Waziristan hôm 1-11. Trước đó, Chính phủ Mỹ treo giải thưởng 5 triệu USD đối với cái đầu của Mehsud. Giới quan sát đánh giá cái chết của Mehsud, một thủ lĩnh trẻ có uy tín, là cú đòn mạnh giáng vào lực lượng của Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), tổ chức đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại Pakistan trong những năm qua.

Bộ trưởng nội vụ Pakistan Chaudhry Nisar cáo buộc vụ không kích của Mỹ đã hủy hoại những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa chính quyền Islamabad và TTP. Ông Nisar tiết lộ một nhóm giáo sĩ đạo Hồi đã chuẩn bị gặp TTP để đối thoại về chương trình đàm phán hòa bình ngay trước khi Mehsud bị giết. “Trong bảy tuần qua chúng tôi đã nỗ lực từng bước để thực hiện cuộc đàm phán nhằm đem lại hòa bình cho Pakistan và Mỹ đã tấn công phá hoại - ông Nisar bức xúc - Sát hại Hakimullah là hành động giết chết toàn bộ nỗ lực hòa bình”.

Theo AFP, báo chí Pakistan có vẻ ủng hộ hành động của Mỹ khi bày tỏ ngạc nhiên với tuyên bố chỉ trích của bộ trưởng nội vụ. Một số tờ báo đã kêu gọi chính phủ nhân dịp này tranh thủ tấn công TTP trong khi nhóm này đang không có thủ lĩnh.

Trả lời báo giới, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận thông tin vụ ám sát mà chỉ nói Mỹ và Pakistan cùng có “lợi ích chiến lược chung” trong việc chấm dứt bạo lực của các nhóm cực đoan.

Cái chết của Mehsud là đòn giáng mạnh thứ ba của Mỹ nhắm vào TTP. Đầu năm nay Mỹ đã sát hại thủ lĩnh số hai Waliur Rehman và bắt một phó thủ lĩnh nữa ở Afghanistan vào hồi tháng trước. Shahidullah Shahid, người phát ngôn của TTP, hôm qua tuyên bố Asmatullah Shaheen Bhittani, người đứng đầu hội đồng quyết định Shura, sẽ là thủ lĩnh tạm thời của TTP.

Shahid từ chối nói tiến trình đàm phán không còn hi vọng gì nữa nhưng cáo buộc chính quyền Pakistan là nhu nhược trước Washington và âm mưu “bán các tay súng” Taliban. “Chúng tôi đang đợi đàm phán thì quân đội Pakistan và chính phủ ngồi cùng với người Mỹ để thỏa thuận bán chúng tôi” - Shahid nói.

Đại diện TTP tuyên bố sẽ không đàm phán với chính quyền Pakistan cho đến khi các vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ chấm dứt. TTP là nhóm đứng sau vụ đánh bom khách sạn Marriott ở Islamabad năm 2008 và vụ mưu sát Malala Yousafzai, nhà hoạt động nữ quyền nhỏ tuổi, hồi năm ngoái.

Mỹ, Đức sẽ ký thỏa thuận không do thám

Truyền thông Đức đua tin Berlin và Washington sẽ ký thỏa thuận về không do thám lẫn nhau, dự kiến thỏa thuận này sẽ được ký vào đầu năm tới. Tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (FAS) dẫn nguồn tin thân cận với Chính phủ Đức cho biết người đứng đầu cơ quan tình báo Đức sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ trong ngày 4-11 tại Washington. Phái đoàn Đức đã có mặt ở Washington từ hôm 30-10 sau cáo buộc Mỹ nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel và hàng loạt cuộc do thám khác ở châu Âu.

Người phát ngôn của bà Merkel cho biết các cuộc đàm phán nhằm làm rõ những cáo buộc này và đưa ra “nền tảng mới cho lòng tin và quy tắc mới trong hợp tác” trong lĩnh vực do thám. Trước đó, trong lá thư gửi đến Thủ tướng Đức Angela Merkel, quốc hội và các cơ quan công tố Liên bang Đức, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden cho biết sẽ sẵn sàng cung cấp các chi tiết về chương trình do thám của Mỹ đối với Đức. “Tôi chắc chắn rằng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Mỹ sẽ ngưng các hành động gây hại này” - Snowden viết. Trong một diễn biến khác, một nhóm nghị sĩ Thụy Sĩ đang lên kế hoạch đến Matxcơva gặp Snowden để hỏi về công việc tình báo của cựu nhân viên NSA hồi làm ở Geneva năm 2007.

SƠN HÀ - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên