24/03/2018 15:03 GMT+7

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - 5 năm chờ đợi trong háo hức, những người hâm mộ của trận siêu đại chiến Thái Bình Dương Pacific Rim phần 1 đã hết sức kiên trì với phần 2 Pacific Rim: Trỗi dậy!

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 1.

Nam diễn viên chính của phim John Boyega không được trao cho cơ hội để toả sáng bởi nhân vật của anh trong Pacific Rim: Uprising rất nhạt nhoà

Nhưng đáp lại sự mong mỏi ấy là một phần phim sequel (phần tiếp thep) vô hồn, nhạt nhẽo!

Trailer chính thức của Pacific Rim Uprising

Bộ phim là một minh chứng cho thấy không phải lúc nào cũng nên làm sequel, vì có những thứ nếu cố quá sẽ thành… quá cố. Đây thực sự là một điều đáng tiếc cho fan của những con Jaeger tuyệt vời mà họ hằng yêu mến.

Có lẽ rất nhiều người trong số họ đang thầm mong, nếu có phần 3, xin hãy để cho Del Toro - chủ nhân mới nhất của tượng vàng Oscar, trở lại ghế đạo diễn!

Giai điệu bất hủ còn đây, nhưng người xưa đâu mất rồi?

Khi giai điệu chủ đề quen thuộc của Pacific - do Ramin Djawadi sáng tác - vang lên, cũng là lúc phần thứ hai của loạt phim Siêu đại chiến Pacific Rim đã đi được hơn quá nửa chặng đường. Những người hâm mộ hẳn sẽ thấy bồi hồi xúc động.

Xúc động vì lại một lần nữa họ được nghe giai điệu quen thuộc thuở nào trên màn ảnh rộng, nhưng bồi hồi chủ yếu là vì giai điệu ấy nhắc họ nhớ đến một quá khứ chưa xa, khi mà Pacific Rim từng hay hơn rất nhiều!

Pacific Rim: Uprising lấy bối cảnh thế giới 10 năm sau khi những người máy khổng lồ với biệt danh Jaeger đánh bại lũ quái vật Kaiju chui lên từ dưới đáy Thái Bình Dương.

Câu chuyện xoay quanh chàng cựu phi công Jaeger Jake Pentecost (John Boyega) - con trai của huyền thoại Stacker Pentecost (Idris Elba), người đã hy sinh tính mạng của mình để cứu Trái Đất khỏi diệt vong ở phần trước. Thay vì noi gương cha, Jake lại trở thành một thanh niên trẻ trâu chơi bời lêu lổng, chuyên đi trộm linh kiện Jaeger để bán kiếm lời.

Trong một phi vụ như vậy, Jake đã gặp cô bé Amara (Cailee Spaeny), người tự tạo ra một con Jaeger từ đám sắt vụn và có thể một mình điều khiển nó thay vì cần đến hai người.

Và dĩ nhiên, thế giới lại đứng trước nguy cơ diệt vong từ mối đe dọa Kaiju, nay đã biến tướng nguy hiểm và cuồng bạo hơn. Jake sẽ gặp lại người đồng đội cũ Nate Lambert (Scott Eastwood - con trai của tượng đài Clint Eastwood) và sát cánh cùng anh giải cứu Trái Đất một lần nữa.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 4.

Những trận chiến giữa hai phe: các Jaeger - được điều khiển bên trong bởi những thủ lĩnh trẻ bảo vệ trái đất và những quái vật Kaiju tiêu diệt sự sống trong Uprising cũng "ghê gớm" đấy, nhưng thiếu hẳn cảm xúc cho người xem...

Vẫn còn đó những trận quyết chiến long trời lở đất, giữa một bên là những con robot khổng lồ trang bị vũ khí không thể ngầu hơn, và bên kia là đám Kaiju thân hình lởm chởm gai nhọn. Nhưng linh hồn của phim - điều làm cho phim Pacific Rim ra mắt năm 2013 tạo nên dấu ấn sâu đậm trong lòng fan hâm mộ - đã không còn nữa.

Pacific Rim đánh dấu màn chào sân với phim điện ảnh của Steven S. DeKnight, một đạo diễn nổi lên từ phim truyền hình, sau sự ra đi của Guilermo Del Toro. Thật khập khiễng nếu so sánh độ lão luyện về nghề cũng như phong cách nghệ thuật của hai người.

Nếu như Del Toro là một bậc thầy về vẻ đẹp tạo hình cũng như kỹ xảo, cùng những cú cắt dựng vô cùng thông minh đã thành thương hiệu, thì DeKnight hoàn toàn không để lại bất cứ dấu ấn nào trong dự án điện ảnh đầu tay.

Trong bộ phim ra mắt năm 2013, người xem đã từng choáng ngợp và bị chinh phục bao nhiêu trước sự hoành tráng và độ "ngầu" của các trận đánh, những con quái vật, và nhất những phi công điều khiển Jaeger chất lừ, nghĩa hiệp, những người đã thổi cảm xúc thực sự vào những cỗ máy tối tân thì trong Uprising, ngoài "di sản" mà Del Toro đã gầy dựng, người ta không hề thấy bất kì một sáng tạo mới mẻ nào của DeKnight.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 5.

Không còn Guillermo del Toro, Pacific Rim 2 như con thuyền không có người lái!

Del Toro từng chia sẻ lí do mà ông không tiếp tục tham gia phần 2 của Pacific Rim là bởi ông không thể chờ tới 9 tháng cho thương vụ mua bán công ty giải trí Legendary của Mỹ cho tập đoàn Wanda Group, Trung Quốc.

"Họ nói tôi phải chờ, nhưng tôi đã nói tôi không thể chờ chín tháng, tôi đang quay phim. Và lúc đó tôi đã đi quay The shape of water! Sau đó người được chọn là Steven DeKnight" - Del Toro nói với tờ Collider.

Một bộ phim không có đạo diễn tốt cầm trịch không khác nào con tàu không có người lái! Và quả nhiên, sự ngang tàng, hổ báo của những chiến binh Jaeger trong phần 1 đã nhường chỗ cho những người máy vụng về vô vị của phần 2.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 6.

Những Jaeger được kết nối trực tiếp với dây thần kinh của người điều khiển! Họ biết đau, biết khóc và có thể hi sinh bất cứ lúc nào

Giữa hàng hà sa số những câu chuyện về thế giới của những người máy, những vũ khí tối tân, những trận chiến ác liệt, những thương hiệu điện ảnh tỉ đô đã có "số má" như Transformers chẳng hạn, không phải tự nhiên mà khán giả dành Pacific Rim phần ra mắt đầu tiên một sự yêu mến của khán giả.

Cha đẻ của câu chuyện trong Pacific Rim - Travis Beacham cùng đạo diễn Del Toro - đã xây dựng được một thế giới đủ lạ khiến người xem cảm thấy thích thú, và kể được một câu chuyện đủ hấp dẫn và chặt chẽ xảy ra với những nhân vật trong thế giới ấy.

Trở lại với Uprising, điểm yếu nhất của bộ phim này là đã kể một câu chuyện lủng củng về cấu trúc và nặng về tính trình bày. Các nhân vật trong Uprising vẫn đang… loay hoay chuẩn bị cho những trận đánh đầu tiên dù phim đã trôi qua được… hơn một tiếng đồng hồ.

Chính cấu trúc vụn vặt chăm chăm vào những tình tiết hời hợt, bỏ qua nhịp độ khẩn trương cần thiết của một phim hành động mà người xem sẽ không ít lần muốn ngủ gục, dù trên màn ảnh rộng những cuộc chiến vẫn đang diễn ra long trời lở đất.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 7.

John Boyega vào vai con trai của huyền thoại Stacker Pentecost với một "gia tài" đồ sộ những chiến công của người cha lẫy lừng trong Pacific Rim: Trỗi dậy

Một sự hớ hênh khác không thể chấp nhận được nữa, là dù câu chuyện diễn ra chỉ 10 năm sau khi câu chuyện ở phần 1 kết thúc, nhưng trong khi thủ lĩnh Stacker Pentecost vẫn được nhớ đến và tôn vinh như một huyền thoại, thì tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của Raleigh Becket (do Charlie Hunnam thủ vai trong phần 1) - chàng phi công điều khiển con Jaeger mang tên Gypsy Danger đâu.

Không hiểu Raleigh đã biến đi đâu, còn sống hay đã chết, trong khi anh cũng có công không thua gì Stacker trong phần trước?

Phi công đồng hành của Raleigh trong phần trước - Mako Mori (do nữ diễn viên người Nhật Rinko Kikuchi thủ vai) thì xuất hiện trở lại trong phần này một cách vô duyên, để rồi biến mất cũng vô duyên không kém!

Sự hài hước cần thiết trong phần 1, điều làm cho khán giả bật cười thở phào sau những trường đoạn chiến đấu căng thẳng, đã bị thay bằng những câu thoại giáo điều và cố tỏ ra hài hước đến mức phản tác dụng.

Cứ thế, các tình tiết trong Pacific Rim: Uprising nối đuôi nhau đi từ lối mòn này đến lối mòn khác mà không hề có một cú twist nào khiến ta phải tỉnh ngủ mà theo dõi tiếp diễn biến của phim.

Vuốt ve lộ liễu

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 8.

Nữ diễn viên Cảnh Điềm của Trung Quốc đã có một vai diễn nhiều đất diễn hơn trong Pacific Rim: Uprising, nhưng khả năng diễn xuất thì hình như vẫn vậy!

Trước khi Pacific Rim: Uprising ra mắt, đạo diễn Steven S. DeKnight từng chia sẻ anh muốn làm một bộ phim đa sắc tộc để nhấn mạnh vào sự chung tay của nhân loại trong cuộc chiến bảo vệ Trái Đất. Nhưng có lẽ xem phim xong, khán giả sẽ thấy tất cả sự đa sắc tộc ấy chỉ nhằm vuốt ve Trung Quốc một cách lộ liễu, không hơn.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 9.

Nữ diễn viên người Nhật Rinko Kikuchi, một trong những nhân vật rất được yêu mến từ phần trước xuất hiện trong phần 2 trong vòng... ba nốt nhạc!

Dẫu vẫn biết đây là một thị trường cực kỳ lớn cho Hollywood khai thác, và điển hình là những bom tấn gần đây của họ đều có sự góp mặt của một hay nhiều diễn viên có gốc Hoa ngữ, nhưng sự lộ liễu trong việc muốn chiều lòng khán giả Đại lục đã trở nên lố bịch trong Pacific Rim: Uprising.

Trong phim này, nữ diễn viên Cảnh Điềm (đã từng xuất hiện nhạt như nước ốc trong Kong - Skull Island) được dành cho một vai khá quan trọng và có nhiều đất diễn. Tuy nhiên, việc cô thoại bằng tiếng Trung và tiếng Anh lẫn lộn khiến người xem thực sự khó chịu vì không hiểu rốt cuộc cô này bình thường nói ngôn ngữ gì, và tại sao lại đổi qua đổi lại một cách tùy tiện như vậy?

Diễn xuất của Cảnh Điềm ngoài chức năng làm đẹp khung hình ra cũng không có gì đáng nói.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 10.

Dàn diễn viên đa sắc tộc....

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 11.

... hoá ra chỉ làm nền để diễn viên Trung Quốc toả sáng?

Trong khi đó dàn cast của Uprising dù vẫn có sự tham gia của các diễn viên đủ mọi sắc tộc: một nam chính da đen của John Boyega, châu Á thì có Cảnh Điềm - Trung Quốc, Rinko Kikuchi - Nhật Bản, rồi có Nga, có Mỹ và có cả... Ấn Độ.

Tuy nhiên ngoài John Boyega thì các diễn viên đa sắc tộc còn lại hoàn toàn không có vai trò gì ngoài việc đứng cho… đẹp đội hình.

Hẳn khán giả chưa quên cặp vợ chồng người Nga hay ba anh em Thiếu Lâm Tự đầy bản sắc và cá tính trong Pacific Rim phần trước. Rất tiếc, bản sắc ấy đã hầu như không tồn tại trong Pacific Rim: Uprising.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 12.

Scott Eastwood thực sự đã bị đóng khung vào kiểu vai thanh niên nghiêm túc không bao giờ biết cười, và đúng lúc nguy hiểm nhất thì anh bao giờ cũng trở nên hết sức vô dụng!

Scott Eastwood - ngoài sự đẹp trai ngời ngời giống hệt người cha của mình - thì diễn xuất của anh vẫn rất ổn định mười phim như một. Scott thực sự đã bị đóng khung vào kiểu vai thanh niên nghiêm túc không bao giờ biết cười, và đúng lúc nguy hiểm nhất thì anh bao giờ cũng trở nên hết sức vô dụng!

John Boyega có một vai diễn chỉ dừng lại ở mức tròn vai dù đã rất thành công với vai Flint trong Star Wars trước đó. Nhưng điều này có lẽ sẽ thật bất công khi trách Boyega: anh không được cho một tình tiết nào đủ sâu để khắc họa rõ tính cách cũng như động cơ của nhân vật trong phim.

Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 13.
Pacific Rim: Trỗi dậy phá tan tượng đài siêu đại chiến đã xây - Ảnh 14.

Thế hệ tiếp nối trong Pacific Rim: Uprising lẽ ra đã có một câu chuyện hay hơn để kể...

Pacific Rim: Uprising đã cố gắng tạo bệ phóng cho một thế hệ trẻ - thế hệ tiếp nối được thể hiện mình trong phim, nhưng cuối cùng sự vụng về trong cách kể chuyện, xây dựng nhân vật đã không thể khiến thế hệ tiếp nối này có cơ hội toả sáng đúng nghĩa. Không ngoa khi nói thành công lớn nhất của phần phim này là đập bỏ gần như hoàn toàn những gì đạo diễn của Pacific Rim phần 1 (ra mắt năm 2013) Del Toro và ekip đã gầy dựng, để tạo ra một bộ phim mang màu sắc siêu anh hùng nhưng lại sến súa kiểu Transformers hay… Năm anh em siêu nhân!

Pacific Rim: Uprising (tựa tiếng Việt: Pacific Rim: Trỗi dậy)

Đạo diễn: Steven S. DeKnight

Diễn viên chính: John Boyega, Scott Eastwood, Cailee Spaeny, Burn Gorman, Cảnh Điềm, Rinko Kikuchi…

Khởi chiếu từ ngày 23-3 trên toàn quốc.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên