28/09/2016 08:30 GMT+7

Oscar 2017: Các đối thủ châu Á của Hoa vàng cỏ xanh

ĐỨC TRẦN
ĐỨC TRẦN

TTO - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển hạng mục giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar 2017 - đối đầu với khá nhiều tác phẩm đặc sắc đến từ châu Á.

Từ trái qua: Phhim Ma'Rosa của Philiipines, Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh của Việt Nam và The Age of Shadows của Hàn Quốc - Ảnh:  ĐPCC - Warner Bros
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Việt Nam - Ảnh: ĐPCC

Vừa đạt doanh thu khổng lồ vừa có ngôn ngữ điện ảnh gần với Hollywood nhất là The age of shadows của Hàn Quốc

Phim do Kim Jee-woon dàn dựng, ông từng gây tiếng vang trên thị trường Bắc Mỹ thông qua phim hành động The last stand nên ít nhiều báo chí phương Tây không xa lạ gì với Kim.

The age of shadows mang yếu tố lịch sử khi xoay quanh cuộc chiến giành độc lập của những người yêu nước dưới ách đô hộ Nhật Bản những năm 1920. Phim đứng đầu bảng xếp hạng tại Hàn Quốc suốt hai tuần và thu về tới 44,6 triệu USD.

Từ trái qua: Phhim Ma'Rosa của Philiipines, Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh của Việt Nam và The Age of Shadows của Hàn Quốc - Ảnh:  ĐPCC - Warner Bros
The Age of Shadows của Hàn Quốc - Ảnh: imdb

Đối thủ đáng gờm khác trong danh sách sơ tuyển là Living with my mother của Nhật Bản, tác phẩm tâm lý thuần túy nhưng kiếm gần 15 triệu USD cuối năm ngoái.

So với các nền điện ảnh châu Á khác thì Nhật Bản “ra hình ra dáng” với thành viên Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) hơn nhờ bốn lần đoạt tượng vàng (phim gần nhất đoạt giải là Departures) trong số 19 lần được đề cử.

Living with my mother - Ảnh: Youtube
Living with my mother - Ảnh: Youtube

Một số quốc gia tạo tiếng vang tại Oscar trong quá khứ như Đài Loan (một lần thắng, ba lần được đề cử) hay Hong Kong (hai lần được đề cử)... cũng vừa công bố tên phim dự tuyển.

Không nằm ngoài dự đoán, Port of call (Đạp huyết tầm mai) của đạo diễn Ông Tử Quang là đại diện của Hong Kong tranh tài năm nay.

Dựa vào một vụ án có thật gây chấn động toàn Hong Kong vào năm 2008, Đạp tuyết tầm mai từng càn quét giải Kim Tượng 2016 với hầu hết các giải về diễn xuất, một điều hiếm thấy trong nhiều năm gần đây.

 Phim được dàn dựng theo phương thức tự sự trên mạng, hồi tưởng và kể lại quá trình điều tra, hướng đến việc khai thác nội tâm con người. Cách bố trí ánh sáng nổi bật trong những cảnh quay trong nhà của nhà quay phim Đỗ Khả Phong cũng được giới chuyên môn khen ngợi. 

Bộ phim cho khán giả nhìn thấy quan cảnh Hong Kong trong cái nhìn tĩnh lặng, diễn tả mặt trái u tối và đáng sợ của xã hội. Các diễn viên Quách Phú Thành, Xuân Hạ, Bạch Chỉ… thể hiện tài diễn xuất đặc sắc của bản thân.

>>Phim Đạp tuyết tầm mai: Những ngõ ngách tăm tối

Đạp huyết tầm mai
Đạp huyết tầm mai - Ảnh: Port of Call

 

Nếu Port of call ra mắt năm 2015 và đã đoạt hàng loạt giải thưởng danh giá thì Hang in there, kids! của Đài Loan lại là một tác phẩm mới toanh xoay quanh câu chuyện về ba cậu bé với cá tính khác biệt. Đây là phim do một nữ đạo diễn rất trẻ - Laha Mebow dàn dựng.

>>Xem trailer Hang in there, kids! :

 

Trong khi đó, Thái Lan đề xuất một ứng cử viên gây tranh cãi là Karma - thuộc thể loại giật gân mang màu sắc kinh dị tâm linh.

Lấy đề tài tín ngưỡng tôn giáo nhưng Karma lại xoáy vào mối quan hệ vô luân giữa chàng tu sĩ trẻ và một cô gái, hơn nữa, tính bạo lực rùng rợn của Karma có vẻ xa lạ so với hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài thường chuộng cốt truyện nhân văn hoặc thời sự.

Tương tự, Philippines chọn Ma'Rosa - một phim bị chê ở Cannes vừa rồi. Xoay quanh đời sống hạ lưu của những kẻ lao động chân tay tại thành phố Manila đầy rẫy tội ác, Ma'Rosa có cách kể chuyện phức tạp, nặng bạo lực.

Người hâm mộ cũng khá bất ngờ với việc lựa chọn Ma'Rosa vì trong năm nay, điện ảnh Philippines còn có Woman who left vừa đoạt Sư tử vàng Liên hoan phim Venice Ý nhưng phim này vấp phải rào cản là dài tới bốn giờ và mang nhiều tính thể nghiệm.

Phim Ma'Rosa của Philippines

 

Apprentice - phim có yếu tố hải ngoại của đạo diễn 8x Boo Junfeng - đại diện Singapore trên trường đua năm nay (lần trước 7 letters của Boo cũng được chọn nhưng không lọt vào danh sách đề cử).

Boo Junfeng từng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam 2010 với Sandcastle. Boo cũng được khán giả ở Cannes ca ngợi hết lời.

Nếu hãng phát hành tại Pháp đủ kinh nghiệm để đẩy mạnh truyền thông, Apprentice với cốt truyện nhân văn giữa một quản tù và cộng sự trẻ, có thể lập kỳ tích cho nền điện ảnh non trẻ Singapore.

Apprentice - Ảnh: Cannes

Riêng Trung Quốc (từng nhận hai đề cử cho Trương Nghệ Mưu) tính đến thời điểm này chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về phim dự tranh sơ tuyển Oscar 2017. 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chu du qua vài liên hoan phim lớn nhỏ, ít nhiều tạo được dư luận trong và ngoài nước. Đơn cử là giải Phim hay nhất do BGK trẻ tại Liên hoan phim Toronto Kids 2016 và giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Silk Road...

Điều thú vị là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ và phim Việt duy nhất từng được đề cử Oscar là Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng có vài điểm chung.

Cả hai đều do đạo diễn Việt kiều dàn dựng, cùng lấy bối cảnh miền quê Việt Nam, cảnh quay tuyệt đẹp và câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng. Chỉ khác là Mùi đu đủ xanh từng giành giải Camera vàng ở Cannes và do Président Filmsn - một hãng phim Pháp - chịu trách nhiệm phát hành. 

ĐỨC TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên