28/02/2012 00:14 GMT+7

Oscar 2012 tôn vinh điện ảnh Pháp

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Năm 2011, nước Anh thống trị giải Oscar với The king’s speech. Năm nay, trí tưởng tượng, sự tinh tế và lãng mạn Pháp lên ngôi.

Xem tường thuật lễ trao giải Oscar

HhELPGCf.jpgPhóng to
Meryl Streep - giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất (phim The iron lady) và Jean Dujardin - giải Nam diễn viên xuất sắc nhất (phim The artist) chung niềm vui chiến thắng - Ảnh: Reuters

Ðúng như dự báo, lễ trao giải Oscar 2012 là cuộc đua song mã giữa bộ phim câm, đen - trắng Pháp The artist (Nghệ sĩ) và tác phẩm Hugo của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese. Trong đêm hội tại kinh đô điện ảnh Mỹ, Hugo đã khởi đầu đầy ấn tượng với năm giải thưởng ở các hạng mục kỹ thuật như chỉ đạo nghệ thuật, quay phim, kỹ xảo, dựng âm, hòa âm.

Nhưng vinh quang Oscar 2012 thuộc về nước Pháp. Bước chậm hơn nhưng chắc chắn, The artist giành năm giải là phim hay nhất, đạo diễn, nam diễn viên chính, nhạc phim hay nhất và thiết kế trang phục.

Những giải thưởng lịch sử

Trước đó, trong lịch sử Oscar mới chỉ có một nhà làm phim Pháp là Roman Polanski (gốc Ba Lan) từng giành giải Oscar đạo diễn. Tác giả The artist Michel Hazanavicius đã giúp điện ảnh Pháp hoàn tất cuộc phục hận xứng đáng. Cầm tượng vàng Oscar, ông sung sướng: "Tôi là đạo diễn hạnh phúc nhất thế giới".

Chàng "George Clooney của nước Pháp" Jean Dujardin cũng làm nên lịch sử khi vượt qua George Clooney xịn để trở thành người Pháp đầu tiên đoạt giải Oscar nam diễn viên chính. "Tôi yêu đất nước của các bạn (Mỹ)"- Dujardin hài hước nói khi bước lên sân khấu. Vai diễn xuất sắc George Valenti trong The artist đã giúp anh làm nên tên tuổi tại Mỹ. Nhưng Dujardin khẳng định sẽ không vội vàng lao đến Hollywood: "Tôi vẫn là một diễn viên Pháp và sẽ tiếp tục con đường của mình".

Một nhân vật khác cũng làm nên lịch sử tại lễ trao giải Oscar 2012 là Christopher Plummer, giành giải nam diễn viên phụ với phim Beginners (Tay mơ). Sắp bước sang tuổi 83, ông trở thành diễn viên lớn tuổi nhất từng đoạt giải Oscar. Hơn 40 năm sau vai diễn trong tác phẩm kinh điển The sound of music (Giai điệu hạnh phúc), rốt cuộc ông cũng đã nhận được sự tôn vinh xứng đáng. Ở cái tuổi mà nhiều ngôi sao Hollywood đang dưỡng lão hoặc đã qua đời, Christopher Plummer vẫn rất sung sức và đã đóng 11 phim trong ba năm qua.

Cũng là lần đầu tiên một chú tắc kè đã giành giải Oscar. Tác phẩm Rango của đạo diễn Gore Verbinski - nhà làm phim Cướp biển vùng Caribê - được trao giải Phim hoạt hình hay nhất, vượt qua những đối thủ dễ thương như Kung fu Panda (Gấu trúc giỏi võ) hay Puss in boots (Mèo đi hia). Ðây là một lựa chọn dũng cảm của Viện hàn lâm Nghệ thuật và khoa học điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) bởi một phim hoạt hình với nhân vật chính là một con tắc kè xấu xí rõ ràng không có giá trị thương mại cao như gấu trúc hay mèo. Rango chiến thắng xứng đáng bởi sự hài hước lạ lùng và đầy tính châm biếm.

Tiếc cho Viola Davis

Ðiểm gây tranh cãi duy nhất của đêm Oscar có lẽ là việc ngôi sao kỳ cựu Meryl Streep vượt qua nữ diễn viên da đen Viola Davis ở hạng mục nữ diễn viên chính. Meryl Streep là một nữ diễn viên vĩ đại với 17 đề cử Oscar và 26 đề cử Quả cầu vàng. Bà cũng rất xuất sắc với vai cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher trong The iron lady (Người đàn bà thép). Nhưng bản thân bộ phim lại bị chê là nhạt nhẽo, cũ kỹ đến mức ngay cả Meryl Streep cũng không thể cứu nổi.

Trong khi đó, Viola Davis đã nhập vai người giúp việc Aibileen Clark trong The help (Người giúp việc) một cách tinh tế và đầy cảm xúc. Các giải Quả cầu vàng, BAFTA và giải của Hiệp hội Diễn viên Mỹ (SAG) cho thấy Davis xứng đáng giành chiến thắng. The help của cô cũng được đánh giá cao hơn nhiều so với The iron lady của Meryl Streep. Bộ phim cũng mang về cho bạn diễn của cô - Octavia Spencer - giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Nhưng rốt cuộc cô đã ra về trắng tay.

Giấc mơ về "thời vàng son"

Chúng ta có xu hướng "hồi cố", hoặc hay mơ về quá khứ vàng son mỗi khi cuộc sống hiện tại của ta gặp bế tắc hay khủng hoảng(!) - nhận định chủ quan này có vẻ đúng với mùa Oscar năm nay.

The artist Hugo - hai bộ phim lớn chia nhau mỗi phim năm giải Oscar và Midnight in Paris - bộ phim đoạt giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất của đạo diễn kỳ cựu Woody Allen - không hẹn mà gặp đều đưa chúng ta trở về "golden age" (thời vàng son) của nghệ thuật - những năm 1920, cho dù đó là Hollywood - kinh đô của điện ảnh Mỹ hay Paris - kinh thành ánh sáng của nước Pháp.

Mỗi bộ phim kể một giấc mơ khác nhau về kỷ nguyên này. Hugo của đạo diễn bậc thầy Martin Scorsese dùng những công nghệ và kỹ thuật dàn dựng hiện đại nhất (được xem là bộ phim 3D ấn tượng nhất sau Avatar), kinh phí lớn (đầu tư đến 170 triệu USD) với giấc mơ đẹp như cổ tích để đưa chúng ta trở về thời kỳ đầu thô sơ nhưng đầy tinh thần sáng tạo của điện ảnh. Ngược lại, với The artist - bộ phim có kinh phí chỉ 15 triệu USD, đạo diễn trẻ người Pháp Michel Hazanavicius lại dùng chất liệu "giả cổ" (phim câm, đen trắng) để tái hiện một bước ngoặt của điện ảnh những năm cuối thập niên 1920 - thời kỳ phim câm thoái trào và phim có tiếng lên ngôi. Nó đặt người nghệ sĩ đứng trước thách thức lớn nhất của sự lựa chọn - "thỏa hiệp hay không thỏa hiệp" và cũng là lúc mà họ bộc lộ con người nghệ sĩ rõ nhất.

Nếu điện ảnh Pháp kể giấc mơ về thời vàng son của Hollywood với vẻ đẹp thuần khiết và nguyên bản nhất của bộ môn nghệ thuật thứ bảy thì đáp lại, "anh hề trí thức" của Hollywood Woody Allen với Midnight in Paris đưa chúng ta ngược dòng trở về Paris của thời kỳ "kỷ nguyên vàng" - những năm 1920 - qua các cuộc phiêu lưu "hoang tưởng" lúc nửa đêm của anh chàng nhà văn, biên kịch người Mỹ Gil (Owen Wilson đóng) đang gặp bế tắc trong sáng tác. Ðó là Paris lãng mạn và đầy tinh thần sáng tạo. Một Paris như miêu tả của Hemingway trong cuốn hồi ký Hội hè miên man mà ông viết trong thời kỳ này: "Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man".

Dĩ nhiên Oscar không chỉ có "hồi cố" và "mơ tưởng hão huyền", họ cũng trả chúng ta trở về cuộc sống hiện tại bề bộn - nơi những giá trị gia đình cũng như đức tin đặt con người đứng trước những thách thức và sự lựa chọn khó khăn. A separation - bộ phim Iran đầu tiên đoạt Oscar cho Phim nước ngoài hay nhất và The descendants - bộ phim mang về cho đạo diễn, biên kịch Alexander Payne giải Oscar lần thứ hai cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất - là hai bộ phim như thế.

Oscar 2012 còn là dịp để gần 6.000 thành viên của AMPAS khẳng định những "giá trị kỳ cựu" - nơi mà những tài năng của các nghệ sĩ đã cống hiến suốt cả chiều dài sự nghiệp của mình được tôn vinh trong tiếng hò reo của cử tọa. Chưa năm nào trong nhiều năm gần đây Oscar lại "già" như thế nếu nhìn vào danh sách đề cử diễn viên. Chỉ có hai diễn viên ở độ tuổi 20, ba diễn viên ở độ tuổi 30 nằm trong danh sách 20 diễn viên được đề cử chính và phụ xuất sắc nhất. 15 diễn viên còn lại có độ tuổi trải dài từ 40-80 và bốn diễn viên đoạt giải thưởng đều nằm trong "nhóm già" này.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên