Ông Trịnh Văn Quyết cùng 49 người có đơn kháng cáo được Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên phúc thẩm xét xử ngày 26-12.
Trong đó cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Hai người kháng cáo toàn bộ bản án là Lê Văn Tuấn (kiểm toán viên Công ty CPA) và Đỗ Như Tuấn (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros - Công ty Faros).
45 người còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, xin chuyển án tù sang án treo và miễn, giảm tiền bồi thường.
9h30 phiên tòa bắt đầu nhưng ông Trịnh Văn Quyết vắng mặt.
Thư ký phiên tòa báo cáo ông Quyết có đơn xin hoãn phiên tòa. Nhiều bị cáo khác cũng vắng mặt và xin hoãn xét xử.
Trong 134 bị hại kháng cáo thì chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn xét xử.
Chủ tọa yêu cầu cán bộ công an thông báo lý do không trích xuất được ông Trịnh Văn Quyết.
Thượng tá Hoàng Xuân Quang cho biết trại tạm giam T16 xác nhận tình hình sức khỏe ông Quyết đang điều trị tại Bệnh viện 198 vì bị bệnh lao.
Bệnh viện cũng có giấy xác nhận chẩn đoán ông Quyết bị hen phế quản, ho lao, dị ứng thuốc ho ra máu. Bệnh viện cho rằng ông Quyết cần được điều trị tích cực và không thể ra tòa.
Ông Trịnh Văn Quyết và nhiều luật sư cùng xin hoãn phiên tòa
Trước phiên phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã có đơn gửi chủ tọa Võ Hồng Sơn và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xin hoãn xét xử.
Trong đơn, cựu chủ tịch FLC trình bày "sức khỏe đang không được tốt để có thể tới tham dự phiên tòa phúc thẩm".
Ông cho biết trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính, do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày, suy thận cấp và đang phải điều trị tích cực.
Toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Trịnh Văn Quyết đã được gửi kèm với đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.
Ông cũng cho rằng luật sư mà gia đình mời ở giai đoạn phúc thẩm chưa có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án để thực hiện trách nhiệm bào chữa. Bên cạnh đó có luật sư bận đi công tác nước ngoài nên không thể tham gia bào chữa cho cựu chủ tịch FLC.
Luật sư của bị cáo Hương Trần Kiều Dung (cựu phó chủ tịch FLC) cũng có đơn xin hoãn phiên tòa vì đang trùng lịch bào chữa cho thân chủ khác trong một vụ án khác.
Các bị cáo biểu quyết hoãn phiên tòa
Tương tự, luật sư của các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh… cũng có đơn xin hoãn phiên tòa. Lý do giữa tháng 12 các luật sư mới được sao chụp hồ sơ vụ án nên cần thời gian nghiên cứu kỹ.
Trước sự vắng mặt của ông Quyết và nhiều bị cáo, hội đồng xét xử đã tổ chức biểu quyết công khai. Tất cả các bị cáo có mặt đều giơ tay đồng ý hoãn phiên tòa, phần lớn luật sư cũng đồng ý.
Các nhà đầu tư có mặt tại tòa với tư cách bị hại khi được chủ tọa hỏi thì trình bày ý kiến không đồng ý hoãn phiên tòa.
Trong 135 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa thì chỉ 2 người đồng ý hoãn còn lại đều đề nghị tiếp tục xét xử. Lý do họ đưa ra là nhà xa, khó sắp xếp thời gian công việc để đi lại.
Trước khi hỏi ý kiến Viện kiểm sát, chủ tọa phân tích để mở được phiên tọa phúc thẩm, riêng việc đóng dấu, gửi 1.000 công văn, giấy mời đã mất tới 7 ngày làm việc. Chi phí để chuyển giấy mời đến tay mỗi người nhận là 7-12 ngàn đồng một chiếc.
"Đấy là mới nói riêng chi phí rất đơn giản, chưa tính công tác dẫn giải, lực lượng an ninh...lên tới bao nhiêu, xin quý vị nhẩm tính giúp, đó đều là tiền ngân sách Nhà nước . Tòa nói vậy để mọi người hiểu, và thấu hiểu cho tòa, không ai muốn mở ra để hoãn, ai cũng muốn xử ngay để tiết kiệm ngân sách, vì không chỉ các vị vất vả sắp xếp thời gian đi lại", chủ tọa nói.
Đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm 35 bị hại có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do để các bị cáo có thời gian tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả.
Viện kiểm sát thấy rằng phiên tòa phúc thẩm được mở lần đầu, ông Trịnh Văn Quyết vắng mặt, nhiều bị cáo, bị hại, luật sư có đơn xin hoãn phiên tòa .
Do đó Viện kiểm sát đề nghị hội động xét xử cho hoãn phiên tòa để các bị cáo có điều kiện khắc phục tiếp thiệt hại của vụ án.
Sau khi hội ý chủ tọa thông báo thông báo hoãn phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của ông Trịnh Văn Quyết cùng các bị cáo.
Ông Quyết xin bán tài sản đang bị kê biên để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án
Trước đó đầu tháng 8, ông Trịnh Văn Quyết bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt tòa tuyên đối với ông Trịnh Văn Quyết là 21 năm tù.
Hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC) bị tuyên 14 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga (phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS) bị phạt 8 năm tù.
Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm tuyên buộc cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết liên đới với em gái là Trịnh Thị Minh Huế bồi thường cho các nhà đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng.
Ở giai đoạn sơ thẩm ông Quyết được cơ quan tố tụng ghi nhận đã nộp hơn 254 tỉ. Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ ông Trịnh Văn Quyết đã nộp thêm 203 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng.
Đến ngày 19-12, vợ ông Quyết nộp tiếp 150 tỉ đồng. Tổng số tiền cựu chủ tịch FLC cùng gia đình đã nộp khắc phục hậu quả là hơn 600 tỉ đồng.
Đối với số tiền còn lại, trong đơn gửi tòa ông Quyết đề đạt nguyện vọng sẽ huy động tiền từ người thân, bạn bè và xin được bán tài sản đang bị kê biên thì sẽ đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.
Vợ của cựu chủ tịch FLC cũng có đơn xin tòa căn cứ nghị quyết 164 (ngày 28-11-2024) của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng tài sản trong quá trình điều tra truy tố xét xử một số vụ việc vụ án hình sự để ra quyết định cho mua bán, chuyển nhượng toàn bộ tài sản đang bị kê biên nhằm khắc phục hậu quả.
Ông Quyết cho rằng nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, các tài sản đang bị kê biên đều có giấy tờ pháp lý nên nếu được cơ quan tố tụng cho phép thì "trong quý 1-2025 sẽ xử lý xong". Ông tự nguyện dùng tiền thu được từ việc xử lý tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị hại cũng kháng cáo đề nghị xác định lại tiền bồi thường
Theo danh sách kèm theo quyết định xét xử có 134 bị hại kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên. Ngoài ra có 384 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án ông Trịnh Văn Quyết cũng có kháng cáo.
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên bị hại sẽ được bồi thường 7.215 đồng cho một cổ phiếu ROS, người liên quan nhận 5.466 đồng; riêng 5 mã AMD, HAI, GAB, FLC, ART không có căn cứ bồi thường.
Bản án nêu sau 5 lần tăng vốn, nhóm ông Trịnh Văn Quyết đã niêm yết 43 triệu cổ phiếu ROS lên HoSE, bán lần đầu cho 25.853 bị hại, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Về nguyên tắc, các bị cáo phải bồi thường cho các bị hại số tiền đã mua cổ phiếu bị nâng khống. Tuy nhiên thực tế nhiều nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu ROS đã bán, có người mua bán nhiều lần, cổ phiếu bị trộn lẫn trong các lần giao dịch sau đó.
Hiện có nhà đầu tư đã bán hết cổ phiếu nên không có yêu cầu bồi thường, có nhà đầu tư không biết bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên không yêu cầu bồi thường, bản án nêu.
Để đảm bảo công bằng, tòa buộc ông Quyết và đồng phạm bồi thường cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt trên giá trị nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán, tương ứng khối lượng cổ phiếu các bị hại này đang sở hữu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận