Phóng to |
Anh Quí và những bức chân dung Bác Hồ ở nhà mình - Ảnh: CTV |
Lần đầu tiên gặp anh, chúng tôi đã được anh dẫn đi tham quan khu chợ người Việt nằm suốt con đường Sam Sen, gần văn phòng của thái tử hoàng gia Thái Lan. Tận cùng khu chợ này là xóm nhỏ chừng vài chục nóc nhà của người Việt ven sông Chao Phraya. Tháng 7-1928, khi Bác Hồ từ Nga về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động, để tránh sự truy bắt của quân Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã đến Thái Lan và sống trong cộng đồng người Việt trên dòng sông Chao Phraya này.
Đang trò chuyện với những Việt kiều xa xứ về cuộc đời Bác, bỗng có một đứa bé gái chừng năm tuổi khệ nệ ôm ảnh Bác Hồ lồng trang trọng trong khung kính chạy ra khoe với chúng tôi: “Nhà cháu có ảnh Bác Hồ do bác Sudhep tặng nè”. Đó là tấm ảnh Bác Hồ với cháu Minh Thu được nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Năng An chụp trước ngày Đại hội Đảng toàn quốc lần 2 ở Việt Bắc. Anh Quí đã chụp lại bức ảnh này, phóng lớn và tặng gia đình bé gái trên. Khung ảnh đã bạc màu vì thời gian nhưng nét giản dị, đời thường của Bác trong bức ảnh vẫn rõ mồn một. Với những người Việt ven sông Chao Phraya này, bức ảnh đã in sâu trong tâm trí họ.
Anh Quí sinh ra tại Thái Lan, nhưng cha mẹ đều là người Việt. Năm 1989, trong lần đầu tiên trở về thăm quê cha đất tổ, anh đã được tận mắt chứng kiến chiếc giường Bác nằm, những kỷ vật bình dị gắn liền với Bác như chiếc gậy, đôi dép râu, chiếc đồng hồ báo thức cũ kỹ... Những hình ảnh đó khiến anh xúc động vô cùng. Anh Quí nhớ lại: “Trước khi về VN, tôi biết rất nhiều câu chuyện đẹp về cuộc đời Bác qua sách vở và người thân kể lại, nhưng chỉ khi được tận mắt chứng kiến những di vật liên quan đến Bác mới cảm nhận được nhiều hơn sự bình dị của Bác. Tôi quyết định phải làm điều gì đó để người Thái và bà con Việt kiều biết đến Bác nhiều hơn”.
Trở lại Hà Nội lần thứ hai, anh Quí đã tìm đến Bảo tàng Hồ Chí Minh và mua hai tấm chân dung Bác mang về Thái Lan. Anh chụp lại, rọi ra thành nhiều bức ảnh và gắn chúng vào những khuôn hình trang trọng để tặng bạn bè người Thái và bà con Việt kiều. Anh còn đặt thợ kim hoàn làm hàng chục mặt dây chuyền mạ vàng 18k và lồng ảnh Bác vào đó để tặng những người thân nhất. Cựu thủ quân đội tuyển bóng đá Thái Lan Kiatisak cũng được anh Quí tặng một mặt dây chuyền mạ vàng lồng ảnh Bác.
Anh Quí không nhớ nổi mình đã tặng bao nhiêu bức chân dung Bác, chỉ nhớ đã làm công việc đó suốt hơn 15 năm qua. Bà con Việt kiều ở Bangkok hầu như nhà nào cũng có ảnh Bác do anh Quí tặng. Bà Darunee - một người Thái gốc Việt sống tại thủ đô Bangkok, bạn thân của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra - nói rằng một số bà con Việt kiều được nhìn thấy Bác Hồ nhờ những bức ảnh do anh Quí tặng. Bà nói: “Tấm lòng của Sudhep thật quí vì gia đình chú ấy cũng khó khăn; vậy mà chú đã bỏ ra những khoản tiền không nhỏ làm chân dung Bác tặng mọi người”.
Nhưng “ông tặng ảnh Bác Hồ” tâm sự sẽ tiếp tục công việc sưu tập và làm chân dung Bác đến tận cuối đời. Anh nói những tấm ảnh Bác sẽ là lời nhắc nhở để thế hệ trẻ người Việt trên đất Thái nhớ mãi đến Bác Hồ - nhớ đến người cha đã hi sinh cả một đời cho sự trường tồn của dân tộc VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận