11/06/2010 07:12 GMT+7

Ông Sáu Dân - ông là ai?

NGUYỄN TRỌNG HUẤN
NGUYỄN TRỌNG HUẤN

Thấm thoát, vậy mà đã hai năm, ngày ông Sáu Dân “lên đường đi xa”. Nhiều bài báo viết về ông, nhiều quyển sách kể chuyện ông, những thước phim nóng hổi thuật lại những việc ông đã làm, cho nhân dân này, cho đất nước này. Người ta vẫn nhắc về ông trong tiếc thương, thành kính mỗi khi có dịp.

Đã rửa được nỗi nhục mất nước, đang phấn đấu rửa nỗi nhục đói nghèo - Võ Văn Kiệt

(Trích phim tài liệu “Chân dung đồng chí Võ Văn Kiệt” - Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu)

Thực hiện lời nhắn nhủ của ông lúc sinh thời trong một bức thư gửi thường vụ Tỉnh ủy và Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long ngày 13-9-2001: “…không dựng tượng đài, không đặt tên đường, không làm gì tốn kém, có chăng, một vườn hoa nhỏ lấy chỗ cho người già, em nhỏ lui tới, vui chơi…” và để nhớ ông, một ngôi nhà lưu niệm xinh xắn, vốn là nhà khách của huyện ủy Vũng Liêm, nơi mỗi lần về quê, ông thường nghỉ lại, đang được chỉnh trang, cải tạo.

MjzGaAnR.jpgPhóng to
Ông Sáu Dân và một số anh em trong nhóm Thứ Sáu nhân chuyến đi thăm đường Trường Sơn tìm hiểu tiềm năng phát triển kinh tế Tây nguyên

Nhà khách nhỏ, vẻn vẹn có bốn phòng vây quanh một sảnh rộng, nhìn ra một vuông ao, vài cụm súng, cụm sen tỏa hương nhè nhẹ. Mấy cây sa kê xòe tán rợp, che chỗ ông thường ngồi khề khà nâng chén rượu quê với mấy ông huyện ủy, ủy ban bàn chuyện làng, chuyện nước, bên mâm cơm quê mùa dân dã. Những lúc ấy thấy ông thật thanh thoát, chẳng khác mấy những bậc lão nông tri điền. “Chuyện ông Sáu, kể hoài không hết”, người dân Vũng Liêm, Vĩnh Long quê ông, nói với nhau như vậy.

“Ông Sáu Dân, ông là ai?”. Câu trả lời tưởng dễ mà lại khó.

Con người ông, cuộc đời ông, những việc đã làm, những điều đã nói, sử sách đã chép. Còn lại, trong đời thường, nơi ông cũng toát ra những phẩm chất đầy tính thuyết phục, cái thuyết phục của sự minh triết, giản dị mà chân tình.

Ông nắm được chân lý nhờ biết lắng nghe, chân tình lắng nghe để rút ra những điều cốt lõi làm điểm tựa cho suy nghĩ và cho hành động. Chính cách ứng xử “biết mình - biết người” đó đã cho ông một nhãn quan sáng láng trong mọi việc lớn, nhỏ. Ông đồng nhất nhưng đa diện. Như một viên kim cương phản chiếu ánh sáng mặt trời, mỗi góc nhìn lại tỏa ra một phản quang lấp lánh.

Đi với ông lên Bình Dương để mời một nữ doanh nhân đang tiếng nổi như cồn về dạy dân quê ông làm mây tre mỹ nghệ xuất khẩu. Dù đã báo trước và phải đi hàng trăm cây số vào một ngày Chủ nhật để “mời thầy”, nhưng “thầy” đã bắt ông phải chờ hơn nửa tiếng mới lững thững từ trong nhà bước ra.

Chưa kịp ngỏ lời ông đã bị phủ đầu: “Doanh nghiệp chúng tôi cho rằng gần 30 năm, từ ngày giải phóng, cái chính quyền này không làm được việc gì ra hồn. Còn Võ Văn Kiệt chỉ làm được mỗi đường dây 500KV!”.

Hơn nửa tiếng chờ đợi, không có ghế ngồi, được đãi mỗi người một chai nước suối nhỏ, chưa kịp mở lời đã bị tấn công tới tấp. Nhưng ông hết sức trầm tĩnh: “Đường dây 500 nhiều người làm chứ đâu phải một mình Võ Văn Kiệt. Ngoài đường dây 500, chúng tôi còn làm nhiều việc khác nữa. Nhưng hôm nay, tôi lên đây muốn mời chị về Vũng Liêm, dạy dân quê tôi làm mây tre mỹ nghệ xuất khẩu, điều kiện của chị là gì, xin chị thu xếp về Vũng Liêm một chuyến, chúng ta sẽ bàn tại chỗ. Chúng tôi hứa sẽ dành mọi ưu tiên cho chị. Nếu mô hình thành công, chúng ta có thể nhân rộng để tạo công ăn việc làm cho dân”.

Không biết vì thái độ nhũn nhặn bất ngờ hay vì cuộc tiếp xúc này đang hé mở “một cơ hội” mà không khí trao đổi sau đó có dịu đi và lời mời của ông được chấp thuận. Trên đường về, ngồi trên xe, ông bình một câu: “Bà này dữ thật!” và ngửa mặt lên trời cười... ha... ha. Để lo cho dân, làm cho dân, ông không nề hà bất cứ khó khăn nào.

Dù trăm công nghìn việc, ông vẫn đau đáu về quê mình, về cái huyện Vũng Liêm xa xôi, khuất nẻo. Huyện lỵ Vũng Liêm cũng là nơi ông tham gia chỉ huy cuộc nổi dậy đêm 23/11/1940, với giáo mác, gậy gộc đánh chiếm đồn Bắc Nước Xoáy. Kỷ niệm cách mạng đầu đời ấy, được ông chọn làm ngày sinh của mình sau này.

Ông muốn góp sức mình vào việc thay đổi diện mạo quê hương. Ông đi về nhiều lần bàn với tỉnh, với huyện việc quy hoạch lại thị trấn, chuyển trung tâm huyện lỵ về khu chợ Vũng Liêm cho “trên bến dưới thuyền” theo tập tục vùng quê Nam bộ. Cạnh chợ thị trấn có bức tượng bà Năm Hồng, bí thư Quận ủy trào Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ông thấy cần xây dựng một công viên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa này ngay tại nơi nó đã diễn ra. Trong đó tìm một không gian xứng đáng để đặt bức tượng người nữ đồng chí đã hy sinh cho thật trang trọng. Ông đề nghị dựng một bảo tàng kiến trúc và nông cụ thời mở đất, bày biện trong ba căn nhà điển hình phú nông, trung nông, bần nông.

“…Thổ ngơi Nam bộ, mình không làm, con cháu sau này quên hết, ông lo!”. Một người quen ở Thanh Hóa làm nghề khai thác đá gửi tặng ông mấy phiến đá Thanh để bày trong công viên. Ông về quê nằm đợi đúng một tuần, hồi hộp chờ đá như chờ mẹ về chợ, chỉ lo trên đường có gì trục trặc!

Bao nhiêu công khó, lo toan của ông đã bị ông giám đốc Sở Xây dựng, tuổi hàng con cháu, sổ toẹt trong một cuộc họp: “Việc dời trung tâm huyện về chỗ chợ cho gần sông là một cách nhìn hướng về quá khứ. Trong tương lai, cần đưa trung tâm huyện ra tỉnh lộ nối Vĩnh Long với Trà Vinh ở hướng ngược lại vì nếu kinh Quan Chánh Bố hình thành, luồng lạch cảng Cần Thơ được khai thông thì đấy mới là hướng phát triển lâu dài trên con đường công nghiệp hóa”.

Thì ra có vẻ như ông quên mất rằng chính ông đã ngồi xuồng cao tốc đi khảo sát khả năng thông luồng của kinh Quan Chánh Bố trên đất Trà Vinh, hướng mở cho cảng Cần Thơ nối ra đại dương, cánh cửa quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long đi ra thế giới. Chăm chú lắng nghe ông giám đốc Sở Xây dựng tỉnh trình bày, và dường như “ngộ” ra, ông vỗ đùi sung sướng: “Thế là nhất trí, làm theo hướng của đồng chí vừa trình bày”.

Ông từ bỏ những trăn trở, ấp ủ của mình trong nhiều năm tháng nhẹ như không khi thực sự được thuyết phục. Không phải băn khoăn ý kiến ấy là của ai mà cái chính là chất lượng ý kiến ấy như thế nào nếu mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ông thật độ lượng.

jAbDcjIG.jpgPhóng to
Ông Sáu Dân trong một lần thăm chợ Tết Vĩnh Long

Ngày ông viết thư cho Bộ Chính trị đề nghị dừng ngay việc xây dựng đang tiến hành ở Côn Đảo để nghiên cứu lại quy hoạch vì “thiếu tầm nhìn”. Đề nghị ấy được Bộ Chính trị chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định. Tuy nhiên, một số người có quyền lợi liên quan trong những công việc đang tiến hành ở Côn Đảo đã phản ứng. Đã có thư nặc danh rêu rao: “Ông Sáu Dân về hưu vươn vòi bạch tuộc ra tận Côn Đảo giành áp phe cho ê-kíp mình”.

Trong những người phản đối có một vị kiến trúc sư có công trình đang thực hiện. Ông không nói gì. Một lần ra Hà Nội, biết vị kiến trúc sư nọ đang lâm trọng bệnh, ông xin địa chỉ và đến tận nhà thăm. Chuyện trò hơn hai tiếng đồng hồ, lúc ra về ông biếu vị kiến trúc sư kia một ít tiền để uống thuốc. Không những độ lượng, mà ông còn cao cả.

Một thời đất nước đầy rẫy khó khăn, khi còn làm bí thư thành ủy TP.HCM, trong một lần gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức, có người đã đọc cho ông nghe một câu vè so sánh Sài Gòn và Hà Nội: “…Sài Gòn có Kiệt mà không kiệt”. Rất nghiêm trang ông bảo: “Như vậy là anh chưa hiểu chữ Kiệt rồi, Võ Văn Kiệt không phải là chữ kiệt anh muốn nói”.

Chắc rằng khi chọn cho mình một cái tên để đi làm cách mạng, ông đã cân nhắc rất nghiêm túc. Trong từ ngữ Hán - Việt quả có hai chữ Kiệt. Chữ KIỆT thuộc bộ NHÂN là hào kiệt, tuấn kiệt. Đã VÕ lại còn VĂN thì chỉ có là KIỆT HIỆT, tài giỏi hơn người mà không thể là chữ kiệt với bộ LẬP, nghĩa khánh kiệt.

Ấy là nghĩ về ông, chiết tự mà suy ra như vậy. Nhưng còn sự minh triết bản thể thường nằm ngay trong tiềm thức. Thiên phú chăng? Mà dẫu có trời cho thì cũng chỉ có thể đóng góp cho đời bằng một chữ Tâm hướng thiện.

Là người mến mộ ông, nghĩ về ông, tôi chỉ nghĩ về những điều tốt đẹp.

---------------------------------

Người xưa nói “Hiền tài là nguyên khí của một quốc gia”, ý nghĩa của câu nói cũng như ta thường nghe “Trí thức là thành phần ưu tú của một cộng đồng, dân tộc, quốc gia và rộng hơn là của cả nhân loại”. Người trí thức ở mọi thời đại là người có tư duy tự do, có cách tiếp cận và nhận thức xã hội độc lập, hiểu được vai trò nhiệm vụ của mình đối với xã hội đương thời và tương lai của xã hội mai sau.

Người trí thức nhập thế là người sẵn sàng dấn thân vào thời thế đương đại, họ lưu lại chứng tích nên người đời dễ nhận ra. Người trí thức ẩn thế thì không dấn thân, họ chỉ bị nhận ra bởi những người trí thức dấn thân hoặc bởi những người có nhân cách lớn, và bằng cái tâm của mình khiến cho trí thức ẩn thế phải dấn thân đem kiến thức cống hiến cho xã hội.

Nói về mối quan hệ của ông Sáu Dân với anh em trí thức qua những câu chuyện, có thể viết đến vài ba quyển sách. Nhân cách cũng như tấm lòng của ông đối với trí thức được trui rèn trong hành trình dài của cuộc đời ông, thể hiện qua sự quan tâm và chia sẻ cái nghèo khó của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng giành độc lập và mưu đồ tìm hướng vươn lên cho đất nước. Đó là kiến thức, cũng như tố chất không thể thiếu được của người lãnh đạo quốc gia.

Ông không những am hiểu nỗi thống khổ và khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, mà còn biết rõ khả năng cũng như vai trò của họ trong những thời kỳ khác nhau của đất nước. Ông cố gắng tạo điều kiện để mọi tầng lớp, trên cơ sở tư duy và điều kiện, khả năng riêng, phát huy tính tích cực của từng cá nhân và của tầng lớp mình, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Điều này giải thích vì sao mọi tầng lớp nhân dân đều thương nhớ ông: người khi có dịp đi ngang nhà ông dừng lại nhìn, tưởng nhớ; người khác có dịp đi ngang nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức thì ghé vào thắp một cây nhang… Riêng giới trí thức có khả năng diễn đạt tình cảm của họ trên các phương tiện truyền thông đại chúng rõ hơn nên có dịp thể hiện tình cảm của họ với ông Sáu Dân đậm nét hơn.

Những khi mời anh em trí thức đến bàn một việc nào đó ở văn phòng, ông luôn có mặt sớm hơn mọi người. Lúc bắt đầu làm việc, ông thường cung cấp thông tin rất đầy đủ, ông trải hết lòng trong trao đổi và đưa ra những vấn đề mà ông quan tâm. Sau đó, ông đề nghị anh em nêu ý kiến riêng của mình.

Dù ý kiến của mỗi người có xuôi ngược thế nào, ông vẫn để anh em tự do phát biểu. Nếu có điều gì đó chưa đúng thì ông xem như anh em bị thiếu thông tin nên có những nhận định sai lệch và rồi ông cung cấp thêm thông tin để anh em hiểu rõ hơn. Điều đó thể hiện bản lĩnh cũng như tấm lòng của một nhà lãnh đạo từng trải, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hiểu biết sâu sắc họ nên có khả năng lôi kéo giới trí thức dấn thân cùng ông trong mọi hoàn cảnh.

Sau mỗi cuộc họp, đôi khi anh em còn nghe ông kể những câu chuyện vui. Tôi nhớ có lần ông Sáu Dân kể về thời thanh niên của mình, từng theo học võ và cũng có lần đi học bùa chú (học gồng, luyện cơ thể để đao kiếm không gây sát thương) nhưng không thành. Ông nói vui rằng: “Có lẽ do trong máu mình đã có yếu tố cộng sản nên quỷ thần không nhập được” nghe vậy anh em đều cười.

Có lần ông kể về người Hoa nhạy bén trong kinh doanh như thế nào. Đó là trong thời kháng chiến chống Pháp, trên đường vượt Trường Sơn, dưới chân núi, ông vào một tiệm bán hàng “chạp phô”, chủ quán là một người Hoa, vợ là một bà người dân tộc, bán những gì dân địa phương cần và cũng chịu đổi hàng lấy những gì bộ đội có. Khi leo núi cả ngày lên đến một làng lưng chừng núi, ông lại gặp một quán “chạp phô” khác, cũng lại một người Hoa làm chủ quán cùng một bà vợ là người dân tộc của bản làng…

Qua những câu chuyện ông Sáu Dân kể về cuộc đời của chính mình cũng như của những người khác, chúng tôi thấy được ở ông một tư tưởng rất nhân bản. Ông có cuộc sống riêng như bao nhiêu người dân bình thường, nhưng ông thật sự quan tâm đến cuộc sống của mọi người với tấm lòng và tư duy của một người lãnh đạo quốc gia, nhờ đó ông đã đúc kết được những kiến thức, những hiểu biết sâu sát với cuộc sống của người dân như thế nào.

Ngày giỗ ông Sáu Dân sắp đến và mọi người lại có dịp tỏ lòng thương nhớ ông. Đối với tôi, cứ mỗi lần ngồi với anh em bạn bè hàn huyên chuyện thời sự, nhất là khi nói đến những khó khăn về kinh tế và xã hội mà đất nước gặp phải, tôi không khỏi nghĩ đến ông Sáu Dân và lại một lần nữa thương tiếc ông.

Cho dù ông đã an nghỉ ở cõi vĩnh hằng, nhưng hình như ông vẫn không được yên vì mọi người còn luôn nhớ mong ông. Ông Sáu Dân không chỉ là người lãnh đạo được mọi tầng lớp nhân dân kính yêu, mà với tôi, ông còn là một nhà trí thức lớn, có đầy đủ bản lĩnh lãnh đạo trí thức trong công cuộc đổi mới mà ông có phần đóng góp không nhỏ.

NGUYỄN TRỌNG HUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên