25/03/2018 17:30 GMT+7

Ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Lo cho vấn đề Triều Tiên

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Có nhiều lý do để lo ngại cho các nỗ lực giải quyết “điểm nóng” bán đảo Triều Tiên, khi tổng thống Mỹ bổ nhiệm ông John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia.

Ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Lo cho vấn đề Triều Tiên - Ảnh 1.

Tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - Ảnh: Reuters

Ông Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush, sẽ thay thế vai trò của tướng 3 sao từng qua chinh chiến H.R. McMaster ở cánh tây Nhà Trắng từ ngày 9-4.

Trả lời phỏng vấn một đài phát thanh hồi đầu tuần này, ông Bolton cho rằng Mỹ nên áp dụng cách thức đã làm với Libya đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên. 

"Nếu Triều Tiên không thật sự nghiêm túc, cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên vào tháng 5 sẽ kết thúc rất chóng vánh" - ông Bolton nêu quan điểm.

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng Washington không nên cung cấp viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng. 

Ông nhấn mạnh: "Triều Tiên nên tự thấy may mắn khi được nói chuyện với tổng thống Mỹ".

Hồi tháng 2 rồi, trong một bài bình luận trên tạp chí Wall Street Journal, ông Bolton nhấn mạnh Triều Tiên đã đạt được khả năng tấn công hạt nhân tới lục địa Mỹ, vậy nên "việc Mỹ tự vệ bằng cách tấn công Triều Tiên trước là điều hoàn toàn hợp pháp".

Trong nhiệm kỳ đầu của ông Bush, ông Bolton là quan chức đứng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Tháng 2-2002, Thứ trưởng Bolton tuyên bố Cuba "đang có ít nhất một nỗ lực nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học ở mức giới hạn" và đang chia sẻ công nghệ với nước khác.

Ông Greg Theilmann, cựu quan chức tình báo hàng đầu của Bộ Ngoại giao, trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Hãng tin Reuters, vẫn nhớ rõ cách ông Bolton phản pháo khi các phân tích của ông Theilmann chỉ ra rằng La Habana không hề có những nỗ lực đó. 

"Ông ta muốn cáo buộc Cuba đã làm như thế mà không có bất kỳ bằng chứng hay phân tích nào dưới góc độ tình báo" - ông Theilmann kể lại. 

Nhiều quan chức tình báo trong Bộ Ngoại giao và chuyên trách Cuba chống lại kết luận kể lại ông Bolton đã thất bại trong việc cố tình gây sức ép để họ từ chức.

Tháng 7-2003, ông Bolton một lần nữa vượt mặt các cơ quan tình báo khi tuyên bố Syria đang phát triển vũ khí sinh học, hóa học và hạt nhân - điều mà ông cho là đe dọa ổn định ở khu vực Trung Đông. 

Với quan điểm như thế, không ngạc nhiên khi trước đó bốn tháng và có thể là nhiều hơn thế, ông Bolton là một trong những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cuộc xâm lược Iraq của chính quyền Bush cũng bằng chiêu bài Saddam Hussein đã sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

15 năm sau cuộc chiến ở Iraq, người ta chưa bao giờ tìm thấy bất cứ vũ khí hóa học hay sinh học nào như lời cáo buộc.

Đồng minh Mỹ thận trọng

"Việc lựa chọn ông John Bolton trở thành cố vấn an ninh quốc gia Mỹ là tin tốt lành cho các đồng minh của Mỹ và tin xấu cho những kẻ thù của Washington" - thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham ca ngợi quyết định của ông Trump. Tuy nhiên, cách mà các đồng minh Mỹ tiếp nhận thông tin mới, chỉ 10 ngày sau khi ông Rex Tillerson bị sa thải khỏi ghế ngoại trưởng, cho thấy họ không hoàn toàn xem đó là tin tốt.

Một quan chức Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) nêu quan điểm như kiểu chấp nhận sự đã rồi: "Nếu một con đường mới mở ra, chúng ta phải đi con đường đó. Ông Bolton có nhiều kiến thức liên quan đến bán đảo Triều Tiên và hơn tất cả, chúng tôi biết ông là một trong những cố vấn được tin tưởng nhất của tổng thống Mỹ".

Còn Chính phủ Nhật Bản hi vọng mọi cuộc tiếp xúc với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên vẫn sẽ diễn ra bình thường sau khi ông Bolton nhậm chức.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên