Ông Barack Obama được đề cử làm đại diện của Đảng Dân chủ cùng với đương kim Phó tổng thống Joe Biden ra tranh cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 tới trước cặp liên danh vừa được đề cử hồi tuần trước của Đảng Cộng hòa là Mitt Romney và Paul Ryan.
Phóng to |
Trong bài phát biểu chấp nhận sự đề cử, cả ông Obama và ông Biden đều nhấn mạnh khi lên cầm quyền đầu năm 2009, họ đã tiếp quản hệ quả của cuộc đại khủng hoảng nặng nề nhất trong hơn 60 năm qua và khẳng định tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng trong hơn 3 năm qua nước Mỹ đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất và đang trên đà phục hồi.
Các chủ trương chính sách được cặp liên danh ông Obama và ông Biden xác định là tăng cường năng lực sản xuất và cạnh tranh của kinh tế Mỹ, khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các công ty tạo ra nhiều việc làm ở trong nước, đưa việc làm từ bên ngoài về Mỹ. Mục tiêu tổng thể là phục hồi và củng cố vị trí số 1 của Mỹ trên cơ sở sức mạnh trong nước.
Biện pháp ông Obama đưa ra là thay đổi bộ luật thuế, theo đó các tập đoàn và thiểu số những người giàu có phải đóng thuế cao hơn để chính phủ có thêm nguồn thu cho đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi đây là xương sống của xã hội và kinh tế Mỹ; tăng cường hệ thống giáo dục để tạo ra những thế hệ người Mỹ có năng lực, trình độ cạnh tranh trên toàn cầu; kêu gọi gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế để đến năm 2020 có thể giảm 50% nguồn dầu lửa nhập khẩu tạo đà cho phát triển bền vững...
Tổng thống Obama nói thêm rằng con đường mà ông đưa ra không hề “nhanh chóng hay dễ dàng” và nước Mỹ với sự lãnh đạo của ông “chỉ mới có ít năm giải quyết những nhiệm vụ khó khăn đã tồn tại từ hàng chục năm trước”.
Trong bài phát biểu, ông Obama cũng không quên tấn công đối thủ của mình - ông Mitt Romney bằng việc ví ứng viên Đảng Cộng hòa là người kế thừa chính sách đối ngoại của cựu tổng thống George W. Bush - những phương thức vốn không còn phù hợp để giải quyết mối quan hệ của Mỹ với cộng đồng thế giới.
Về phần mình, ông Romney cho biết ông không theo dõi các bài phát biểu của phía Đảng Dân chủ trên truyền hình và theo ông, tổng thống nên tập trung hoàn thành những lời hứa ở nhiệm kỳ trước thay vì tạo nên “những lời hứa mới mẻ khác”.
Theo nhìn nhận của dư luận, nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Obama năm 2012 có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít trở ngại. Đương kim tổng thống ra tranh cử nhiệm kỳ 2 có lợi thế cơ sở chính trị có sẵn ở khắp các bang và có nguồn lực trong tay. Ông cũng gặt hái được một số thành công trong đối ngoại, điển hình là việc thực hiện cam kết rút hết quân khỏi Iraq và đang từng bước rút quân khỏi Afghanistan, cổ vũ cho cái gọi là "Mùa xuân Ả Rập" lần lượt lật đổ một số chế độ lâu đời ở Trung Đông, và sự kiện lính biệt kích Mỹ đầu tháng 5-2011 tiêu diệt trùm khủng bố quốc tế Osamar bin Laden cũng được ghi nhận là một chiến tích chống khủng bố nổi bật của chính quyền Obama. Một thuận lợi lớn nữa đối với nỗ lực tái tranh cử của ông Obama là hầu như không có đối thủ, do vậy đã nhận được sự hậu thuẫn gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng. Được nhìn nhận là một chính khách gần gũi và đáng tín cậy với người dân hơn, cho tới nay ông Obama vẫn thường xuyên dẫn điểm đối thủ của Đảng Cộng hòa trong các cuộc thăm dò dư luận, và đến thời điểm tháng 6-2012 có 54% cử tri được hỏi ý kiến cho rằng ông Obama sẽ đắc cử nhiệm kỳ 2. Tuy nhiên, bản thân êkip vận động tranh cử cũng tự nhìn nhận nỗ lực tái tranh cử của ông Obama khó khăn hơn nhiều so với năm 2008. Đà phục hồi kinh tế vẫn còn bấp bênh, tỉ lệ thất nghiệp trong 48 tháng liên tiếp vừa qua vẫn ở mức cao trên 8%, nợ quốc gia trong gần 4 năm ông Obama cầm quyền tăng gấp hơn 4 lần so với các tổng thống tiền nhiệm đã và đang trở thành những vật cản lớn. Bức tranh kinh tế ảm đạm đã đẩy uy tín của Tổng thống Obama đến cuối tháng 7 chỉ còn ở mức 47%, trong khi mức ủng hộ dưới 50% là một mối lo đối với mọi tổng thống muốn tranh cử nhiệm kỳ 2. Kinh tế còn nhiều khó khăn được xác định là vật cản lớn nhất đối với nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông Obama, nhất là khi kết quả các cuộc thăm dò cho thấy vẫn có tới 64% cử tri cho rằng nước Mỹ đang chệch hướng và 54% không đồng tình với các chính sách kinh tế của chính quyền Obama. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận