Thứ 3, ngày 13 tháng 4 năm 2021
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Giải ngân chậm nhưng không biết ai chịu trách nhiệm
TTO - Chiều 4-12, tại hội nghị lần thứ 2 của Ban chấp hành Đảng bộ TP, ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị - cho rằng cần thay đổi cơ chế quản lý và xúc tiến đầu tư liên quan vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.T.D
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ TP - cho biết hiện nay vấn đề giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề tồn tại của TP mặc dù các cấp đã làm quyết liệt. TP.HCM đặt mục tiêu tháng 10 giải ngân được 80% nhưng đến tháng 11 giải ngân chỉ đạt hơn 60%.
"Đây là vấn đề mà năm 2021 chúng ta phải làm nghiêm túc một lần nữa, đưa trách nhiệm của tập thể cá nhân, không thì vấn đề này cứ nói mãi, không biết ai chịu trách nhiệm", ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, 4 năm trước, bình quân một dự án đầu tư nước ngoài của TP là 2 triệu USD. Đến năm 2020, số này còn 0,5 triệu USD/dự án. Đây là con số quá thấp nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai.
Ông Nhân cho rằng TP phải thay đổi phương thức quản lý và xúc tiến đầu tư nước ngoài của TP bởi các đầu mối quản lý phát triển công nghiệp không tập trung. "Nếu không thay đổi cơ chế này không biết ai chịu trách nhiệm về phát triển công nghiệp và vốn đầu tư", ông Nhân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc TP được Chính phủ cho tự quyết dự án nhóm A, theo ông Nhân, là một thẩm quyền lớn, TP cần có cơ chế một cửa với các đự án nhưng phải chỉ ra cánh cửa đó là ai.

Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: T.T.D
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết UBND TP đã có chỉ đạo đến trước ngày 15-10, nếu đơn vị nào không giải ngân trên 80% thì không xem xét thi đua.
Ông Phong đã lưu ý phải phân tích rõ nguyên nhân, nếu nguyên nhân chủ quan thì xử lý, còn nếu nguyên nhân khách quan thì phân tích để UBND có cơ sở xem xét.
Theo ông Phong, hiện nay quy mô tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ có tăng trưởng nhưng tổng thể tỉ lệ giải ngân của TP thời điểm hiện tại chưa đến 60%.
Chủ tịch UBND TP cho rằng nguyên nhân chủ yếu tập trung ở vốn ODA. Điểm nghẽn chính ở giải ngân vốn ODA của tuyến metro. Ông Phong chỉ đạo Sở Kế hoạch và đầu tư sớm báo cáo Chính phủ về tình hình khó khăn này để tránh vi phạm cam kết của TP với Chính phủ về tỉ lệ giải ngân.
"Chỉ cần giải quyết khó khăn này thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP sẽ tăng lên", ông Phong nói.

Các Thành ủy viên biểu quyết điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP TP năm 2021 - Ảnh: T.T.D
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa nhiều ý kiến xung quanh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 6% năm 2021. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ số tăng trưởng này là một thách thức khi kinh tế TP đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Ý kiến khác thì cho rằng chỉ số này quá khiêm tốn với quy mô tăng trưởng của TP. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết thời gian tới TP tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và các chương trình phục hồi kinh tế, nỗ lực thúc đẩy các nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của TP.
Trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu này có 7/9 nhóm ngành tăng trưởng tốt, chỉ có nhóm dịch vụ lưu trú ăn uống và kinh doanh bất động sản tăng trưởng âm. TP.HCM phải tập trung thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy du lịch nội địa,…
Do đó, ông Phong đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu năm 2021, TP.HCM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 6% trở lên thay vì 6% như đề ra. Tại hội nghị, các đại biểu đã biểu quyết đồng ý điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP từ 6% trở lên năm 2021.
-
TTO - Thông tin hơn 100 nhân lực trình độ cao của Bệnh viện Bạch Mai rời khỏi bệnh viện đang gây xôn xao dư luận, thực hư như thế nào?
-
TTO - Gần đây người dân thôn Tất Viên, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam xôn xao câu chuyện bức tường rào chắn ngang trước cổng một nhà dân.
-
TTO - Tàu sân bay Trung Quốc đang ở đâu và làm gì sau khi vào Biển Đông đang là câu hỏi của nhiều người. Giới quan sát quân sự khu vực chú ý một động thái đáng báo động của quân đội Trung Quốc ngay khi tàu sân bay Mỹ rời Biển Đông.
-
TTO - Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa có kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp lễ 30-4, 1-5, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
-
TTO - Nhiều bạn đọc quan tâm về các thủ tục liên quan việc đăng ký cấp, cấp đổi thẻ căn cước công dân, Tuổi Trẻ tiếp tục giới thiệu nội dung giải đáp từ cơ quan chức năng.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận