25/05/2014 08:05 GMT+7

Ông Mạnh Lân: "bén duyên" anh Dế Mèn

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Chính họa sĩ cũng không lý giải được tình huống bạn bè vẫn đặt ra cho riêng ông: nếu không “gặp gỡ” Dế Mèn và nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ đồ họa, tranh thiếu nhi thì bây giờ Ngô Mạnh Lân sẽ nổi tiếng ở sân nào trong giới hội họa VN?

Nhà văn Tô Hoài: Ham sống để được ham viết“Dế Mèn” mãi tươi mới Những hình ảnh ngộ nghĩnh trong truyện tranh

Ne41JWxF.jpgPhóng to

Đặt ra là thế thôi chứ ai cũng hiểu - với ông - cả một đời cầm cọ ông vẫn vui nhất với một điều: được “bén duyên” với anh... Dế Mèn.

Bước vào thế giới hồn nhiên

sSmiQHif.jpg
Ảnh: Nguyễn Khánh
“Lúc nhỏ tôi cũng đi bắt dế nhưng không quan tâm đến chúng. Khi bắt tay vào minh họa cho Dế Mèn phiêu lưu ký, bản dịch đầu tiên sang tiếng Nga (1959), tôi mới bắt đầu... nghiên cứu và cứ thế bị thế giới côn trùng trong những trang sách ấy... cuốn đi” - nâng niu cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký (bản dịch tiếng Nga), họa sĩ thủ thỉ.

Để vẽ được anh Dế Mèn, Ngô Mạnh Lân đã vẽ theo lối vẽ tự nhiên và đơn giản, như điều thầy Tô Ngọc Vân đã phát hiện về ông tại lớp mỹ thuật kháng chiến 1954. Thêm vào đó, trước khi cầm cọ ông còn có những cuộc điền dã về các vùng ngoại ô Matxcơva (khi đó ông đang học tại Trường Điện ảnh quốc gia - VGIK của Liên Xô cũ), hay đến bảo tàng côn trùng hoặc lục tìm ký ức tuổi thơ. Với các nhân vật như châu chấu, bọ ngựa, chuồn chuồn, kiến... thì dễ rồi. Chính anh Dế Mèn mới làm ông phải hì hục mãi vì đôi càng. Chau mày, ông nói như tự trách mình: “Lúc ấy, tôi không nhớ rõ càng của dế mèn thế nào. Ra ngoại ô Maxcova để tìm nhưng không có “cu cậu”, chỉ toàn châu chấu. Tôi đành mượn chân châu chấu cho... càng dế mèn. Vì thế, anh Dế Mèn có đôi càng mẫm bóng trong truyện đã thành anh Dế Mèn có đôi càng mảnh khảnh như thế. Đây là điều tôi đã không vừa ý với mình, kể cả đến giờ...”.

Nhưng giữa sự không vừa ý ấy, tôi thấy đôi mắt hiền từ của ông vẫn đọng nguyên một sự “rất vừa ý” của Ngô Mạnh Lân đang ở tuổi đôi mươi. Ấy là sau mấy tháng lặn lội với dế mèn, anh đã nhận ra: đồ họa là nghiệp dẫn dắt anh bước vào thế giới của trẻ thơ - một thế giới của sự hồn nhiên, chân thật, ăm ắp tình yêu thương và luôn khát khao hòa bình... Chẳng thế mà những sáng ngồi ở phòng tranh triển lãm, nét mặt ông chẳng khi nào hiện lên sự mệt mỏi mà luôn tươi rói khi thấy khách tham quan, hễ đặt chân vào là ghé ngay đến những đồ họa (cho phim hoạt hình) hay minh họa (cho truyện tranh) như Dế Mèn phiêu lưu ký, Thánh Gióng, Cái tết của mèo con, Con sáo biết nói, Đám cưới chuột... Ông hào hứng nhìn theo dáng điệu xem tranh của mỗi người. Sau đó lại vồn vã tặng khách tờ catalog nho nhỏ và mời nói chuyện. Ông rất thích nghe những bạn trẻ nhận xét về mình cùng lời dặn “phải chân thực nhé!”.

Rõ ràng ông đã không giấu được cảm xúc trên gương mặt khi thấy giới họa sĩ trẻ nhận ra những nét vẽ trong sáng, ấp ủ cả tâm hồn, tình cảm của họa sĩ trong quá trình lao động kỳ công, tỉ mẩn bằng đôi tay tài hoa. Ông càng vui mừng hơn khi nghe Nguyễn Ngọc Tuấn - họa sĩ hoạt hình cũng tu nghiệp ở VGIK, giảng viên ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội - nói: “Em sẽ đưa sinh viên của mình đến phòng tranh để các bạn ấy được cảm nhận trực tiếp về một thế hệ cầm cọ, và có những suy nghĩ cho riêng mình về trách nhiệm của người cầm bút hôm nay”.

un1Q6Vrz.jpgPhóng to

“Chính ông ta đây...”

Diễn viên, NSƯT Ngọc Lan đã chê chồng mình - họa sĩ Ngô Mạnh Lân - nhưng với ánh nhìn âu yếm: “Hơn 50 năm sống bên nhau, tôi thấy đêm hay ngày ông ấy chỉ biết gò lưng trên giấy và đưa cọ để vẽ tranh cho trẻ con... Ông ấy vẽ kỳ công lắm, mãi mới xong một tác phẩm. Vì thế, nhuận bút từ tranh của ông cũng có để đóng góp nuôi con song không nhiều”.

Họa sĩ Ngô Mạnh Lân ngồi kế bên thủng thỉnh đáp: “Nghề vẽ, nhất là vẽ cho thiếu nhi, tốn công lắm bà ơi! Vẽ nhanh, vẽ ẩu, trẻ con mà chê thì ngày mai nhuận bút cũng chẳng có chứ đừng nói là...”. Ông bỏ dở câu nói, lục trong cặp tập truyện Lấy vợ cóc, Đám cưới chuột quay sang tặng cho một cậu bé vừa ghé qua nhà chơi. Thích thú với lão mèo răng sứt, chị chuột đỏm dáng, cô cóc xấu xí... cậu bé buột miệng hỏi: “Ngô Mạnh Lân là ai vậy ông?”. Ông bật cười lớn đưa tay chỉ vào mình và trả lời đầy hóm hỉnh, hài hước: “Ngô gì? Ngô rang hay ngô luộc? À, Ngô Mạnh Lân. Chính ông ta đây!”.

Vậy đấy, bằng tình yêu ấy, tâm hồn ấy, gần 60 năm qua Ngô Mạnh Lân đã có cả một gia tài là những tranh minh họa, tranh đồ họa cho thiếu nhi. Tranh minh họa có: Dế Mèn phiêu lưu ký, Cái tết của mèo con, Đám cưới chuột, Bộ quần áo của ông hoàng đế, 100 truyện cổ tích VN... Đồ họa có: Chuyện Thánh Gióng, Đội quân ong, Mèo con, Trê Cóc, Những chiếc áo ấm, Con sáo biết nói, Rừng hoa...

Giải thưởng của ông thì lắm lắm, đặc biệt nhất là giải Bồ câu vàng, Bồ nông bạc cho phim hoạt hình tại các liên hoan phim quốc tế - mà đến nay hoạt hình VN chưa thể quay trở lại sân chơi này để ghi danh. Nhưng, điều hạnh phúc hơn cả với ông vẫn là được chứng kiến những tác phẩm này, từ truyện tranh, truyện minh họa đến các bộ phim hoạt hình đều trở thành những người bạn quen thuộc, gần gũi với cả một thế hệ thiếu nhi lớn lên sau khi đất nước thống nhất.

“Nghệ thuật của Ngô Mạnh Lân là một nghệ thuật trong sáng, khoáng hoạt mà chừng mực, biểu lộ cái nhìn lạc quan, dí dỏm, thoáng trào lộng nhưng không lộ liễu với một bảng màu phong phú và giàu sắc nhị cùng với tạo hình một cách thông tuệ, vững vàng” - danh họa Trần Văn Cẩn từng nhận xét như vậy.

Còn với cậu bé hôm nay, như để “khoe” thêm về “chính ông ta đây”, họa sĩ chậm rãi lên gác rồi trở xuống cùng năm cuốn sách đã cũ sờn. Đấy là Dế Mèn phiêu lưu ký, Cái tết của mèo con bằng tiếng Nga, tiếng Việt được in từ những năm 1950-1960. Nâng niu trang sách bị mối xông ở góc, họa sĩ xuýt xoa: “Nhuận bút cuốn này đủ để ông học thêm hai năm đại học ở Nga đấy. Vậy mà anh mối xông mất một ít, may mà chưa vào đến chữ và chân dế mèn...”.

g5s3VTCt.jpgPhóng to

Có “cặp đôi hoàn hảo”

Ngô Mạnh Lân nhớ lại: Ở trong nước, hồi học vẽ trong lớp mỹ thuật kháng chiến và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã bao giờ ông gặp nhà văn Tô Hoài đâu. Vậy mà ở Liên Xô xa xôi ông đã có dịp gặp nhà văn, sau khi tập Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch và xuất bản sang tiếng Nga. Cũng từ đây, Ngô Mạnh Lân đã kết đôi cùng Tô Hoài khi ông gần như là họa sĩ độc quyền minh họa cho Dế Mèn phiêu lưu ký cũng như minh họa cho rất nhiều truyện tranh khác do Tô Hoài viết lời.

yWjwzK0z.jpgPhóng to

Ông cho rằng ngoài may mắn được sống mãi trong thế giới tuổi thơ dù mắt ngày một mờ, tay ngày một run khi cầm cọ, thì còn có một may mắn nữa là được “kết đôi” với nhiều nhà văn tên tuổi viết cho thiếu nhi VN. Ngoài truyện của Tô Hoài, Ngô Mạnh Lân còn minh họa truyện của Nguyễn Đình Thi, Võ Quảng... Mỗi nhà văn có một phong cách kể chuyện khác nhau, vậy mà nét vẽ của ông đều hòa hợp, sống động và quấn quyện lấy từng con chữ, bật rõ được những khác biệt trong phong cách sáng tác. Và trong quá trình “kết đôi”, ông bảo nhà văn Tô Hoài có cách góp ý rất tinh tế, cụ thể nhưng nói rõ: “Tôi không bao giờ xâm phạm vào địa hạt sáng tạo của các anh”. Còn nhà văn Nguyễn Đình Thi thì: “Xem xong Cái tết của mèo con - bản dịch tiếng Nga mà tôi minh họa vào năm cuối khi học ở Matxcơva, ông Thi kéo tôi ngồi xuống và bảo: Này cậu, nghe tôi đọc Vỡ bờ và cậu xem có được không nhé!”. Riêng nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài, thì nhớ: “Họa sĩ Ngô Mạnh Lân rất hay sang nhà tôi chơi. Cũng có khi là lâu lâu ghé thăm sức khỏe cụ (nhà văn Tô Hoài). Nhưng phần lớn là mang minh họa qua để cụ xem và góp ý. Hai người bàn luận sôi nổi lắm, nhất là lúc bàn về đôi chân của Dế Mèn”.

“Trẻ con bây giờ ít đọc truyện tranh, xem hoạt hình VN. Tôi không nghĩ là trên giá sách thiếu vắng truyện, phim dành cho các em, mà chỉ nghĩ chúng ta không đủ sức cạnh tranh với thế giới. Khắc phục cái thiếu của mình không dễ nhưng nếu như những người cầm bút, cầm cọ dành hết tâm huyết cho trẻ để sáng tạo thì chắc chắn vẫn tạo ra những dấu ấn đậm nét trong tâm hồn các em, dù ở bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào”. Mấy mươi năm sống với thế giới hồn nhiên, ông họa sĩ già lúc này lại thêm nặng lòng với những “chuyện trẻ con” như thế!

YJHsnk1V.jpgPhóng to

Kéo tôi đến bên 20 tranh đồ họa hoạt hình Thánh Gióng được trưng bày trong triển lãm tranh đồ họa lần thứ ba của mình (từ ngày 13 đến 23-5 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội), ông họa sĩ già bỗng trầm giọng nói: “Ngàn năm lịch sử dân tộc đã chứng minh dù ở hoàn cảnh nào, dân tộc VN cũng chiến thắng giặc ngoại xâm bằng khát vọng chiến thắng của một Phù Đổng Thiên Vương...”. Chạm tay vào những khung tranh, giọng chậm rãi nhưng đầy sôi nổi, ông ngâm nga những lời thơ: Trận này theo ngọn cờ đào/Ra uy sấm sét nửa chiều giặc tan...

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên