Trailer Ống kính sát nhân
Bộ phim mang theo một màu sắc khác trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt tràn ngập phim hài tình cảm lãng mạn.
Thuộc thể loại rùng rợn, li kì, hồi hộp, Ống kính sát nhân chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm điện ảnh kinh điển trên thế giới như Psycho (1960) của Alfred Hitchcock hay Peeping Tom (1960) của Michael Powell, cũng như dáng dấp của Vương Gia Vệ trong việc sắp đặt bối cảnh và sử dụng màu sắc trong phim.
Tuy nhiên, điều đó không làm mất đi dấu ấn cá nhân của đạo diễn, cũng như mang đến những ấn tượng đặc sắc cho khán giả với một tác phẩm đầu tay thuộc thể loại không dễ thực hiện.
Một tác phẩm đậm chất trinh thám hiếm hoi của điện ảnh Việt
Dùng tiếng ngoài hình ngay khi vào phim, thanh tra K (Hứa Vĩ Văn) nói về dấu ấn của người bố cũng từng làm cảnh sát điều tra để lại trong anh, nó gợi mở cho khán giả biết đạo đức nghề nghiệp của thanh tra K trong công việc của mình.
Ngay sau đó, không khí âm u của xứ sở mù sương hiện ra báo hiệu một câu chuyện phim chứa nhiều bí ẩn và gợi tò mò cho khán giả.
Những đứa trẻ đang chơi trốn tìm trong không gian vắng vẻ của buổi chiều tối. Đột nhiên, đằng sau lưng của đứa bé đang úp mặt đếm cho các bạn đi trốn, một kẻ bí ẩn cầm theo kẹo mút xuất hiện. Cắt cảnh, lúc này bộ phim mới thực sự bắt đầu.
Một cách thức mở màn không xa lạ cho những phim thuộc thể loại này, nó được thực hiện khôn khéo và đủ tốt để tiết lộ chút ít thông tin cho người xem về hướng đi của bộ phim.
Thanh tra K là một người đàn ông cô độc và buồn bã. Sau khi làm chết một đồng nghiệp do căn bệnh mất ngủ trầm trọng của mình, anh càng rơi vào bế tắc vì mình không có đủ sự tín nhiệm để được cấp trên (Chánh Tín) giao cho vụ án mới về cái chết của vợ chồng ca sĩ cải lương Liên Hoa.
Diễm My 9x và Hứa Vĩ Văn trong phim
Vụ việc rơi vào tay thanh tra Dương (Quang Sự) mới về thị trấn. Dương còn trẻ và ham lập công nên đã bắt nhầm người và nhất định không chịu sửa sai. K không chấp nhận được cái kết quả như vậy, anh cùng với Cẩm Phổ (Diễm My 9x) - vợ chưa cưới của nghi phạm đang bị bắt lần tìm theo manh mối bỏ lại hiện trường.
Cả hai đã khám phá ra sự thật đằng sau cái chết của vợ chồng Liên Hoa liên quan đến những đứa trẻ con bị bắt cóc vốn gây chấn động thị trấn yên tĩnh trong một thời gian dài.
Là đạo diễn kiêm biên kịch cho Ống kính sát nhân, bộ phim thể hiện rõ ngôn ngữ điện ảnh mà Hữu Hoàng sử dụng. Hữu Hoàng xoá mờ tính định danh của bối cảnh (rất khó để nhận ra Đà Lạt trong Ống kính sát nhân), xoá mờ thời điểm của phim (năm 1968 - vốn là một năm Việt Nam còn trong chiến tranh).
Đạo diễn muốn mang lại một không khí hoàn toàn mới với việc sự dụng ánh sáng thấp, tiết chế góc máy ngoại cảnh, và chỉnh tông phim với nhiều màu lạnh để tạo không khí ma mị cho bối cảnh.
Hứa Vĩ Văn với vai diễn đầy thử thách trong Ống kính sát nhân
Đặc biệt việc sử dụng phương tiện di chuyện bằng ô tô mà không hề có bóng dáng bất kì chiếc xe máy nào cũng là một chi tiết thú vị cho thấy đạo diễn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phương Tây.
Sự dụng công trong thiết kế mỹ thuật của đạo diễn đã đạt được hiệu quả cao khi cộng hợp với những vai diễn rất tròn vai của dàn diễn viên. Hứa Vĩ Văn rũ bỏ hình ảnh soái ca mà khán giả tặng anh để vào vai một nhân vật khắc khổ và mệt mỏi và luôn chìm vào suy tư.
Có những cảnh được dàn dựng ta thấy rất rõ bóng dáng của Vương Gia Vệ. Thanh tra K có dáng dấp của nhân vật nhà báo trong bộ phim In the mood for love.
Hoá trang của phim khiến câu chuyện có phần ma mị và kinh dị
Hữu Hoàng muốn tạo ra những hình ảnh giàu tính thông điệp và mang đậm tính tự sự cho nhân vật K. Tuy nhiên, thanh tra K đã không được đạo diễn chăm chút nhiều để tăng thêm chiều sâu, thay vì đó, tuyến truyện của K có phần dàn trải và đơn điệu.
Vai diễn ấn tượng nhất là của Khương Ngọc. Sự biến thái trong tạo hình của Khương Ngọc, đôi mắt lúc nào cũng mở to và lạnh lẽo khiến người xem thấy rùng mình.
Khán giả sẽ không khỏi hoảng sợ và bất ngờ với nhân vật mà Khương Ngọc hoá thân. Đóng vai phản diện và có nhiều yếu tố tâm lý cần được thể hiện, nên phần kịch bản cho nhân vật này được xử lý tốt hơn, có chiều sâu và mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
Màn trình diễn ấn tượng của Khương Ngọc
Ngoài ra những diễn viên khác như Diễm My 9x, Kinh Quốc, Chánh Tín, Thương Tín đều hoàn thành tốt vai diễn của mình.
Đạo diễn Hữu Hoàng (giữa) chỉ đạo diễn xuất - Ảnh: Mockingbird pictures
Ống kính sát nhân không phải là một sản phẩm trọn vẹn, kịch bản còn non tay, nhiều tình tiết thừa, hoặc chưa được lý giải thấu đáo khiến khán giả nghi hoặc và đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, là một sản phẩm đầu tay, và dám thực hiện một thể loại hoàn toàn xa lạ với điện ảnh Việt, Ống kính sát nhân có nhiều điều để khen ngợi. Đặc biệt là khả năng đẩy câu chuyện tiến triển một cách hấp dẫn và gợi tò mò giúp khán giả không bị nhàm chán khi theo dõi hành trình phá án của nhân vật.
Ống kính sát nhân có sự góp mặt của cả Thương Tín và Chánh Tín
Điện ảnh Việt cần thêm nhiều tác phẩm điện ảnh khác lạ, vì khán giả xứng đáng có nhiều sự lựa chọn hơn. Ống kính sát nhân ít nhất đã thoả mãn được điều đó.
Ống kính sát nhân được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về cái chết của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga vào năm 1978. Đạo diễn đã lùi thời gian diễn ra câu chuyện phim về năm 1968.
Hứa Vĩ Văn cho biết anh đã ngủ rất ít để có được khuôn mặt phờ phạc và mệt mỏi phù hợp với nhân vật K vốn bị chứng mất ngủ hành hạ.
Phim dán nhãn 18 tuổi mới được xem, nên những diễn viên nhí trong phim không được xem phim mình đóng cho đến khi chúng đủ 18 tuổi.
Ống kính sát nhân ra rạp từ ngày 22-6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận