12/09/2020 09:03 GMT+7

Ông Hứa Ngọc Thuận nói gì về việc chậm đấu thầu mua thuốc?

THÁI AN - HOÀNG LỘC  thực hiện
THÁI AN - HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - Sau thông tin chậm đấu thầu mua thuốc tại TP.HCM khiến gần 80 tỉ đồng bị “kẹt” (Tuổi Trẻ ngày 8-9), để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông HỨA NGỌC THUẬN, nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM, về vấn đề này.

Ông Hứa Ngọc Thuận nói gì về việc chậm đấu thầu mua thuốc? - Ảnh 1.

Người bệnh mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết đã có giải trình đối với kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc 2 lần cho phép các cơ sở y tế mua sắm thuốc trực tiếp trong khi chờ đấu thầu tập trung năm 2012- 2013.

"Tôi không quen biết doanh nghiệp nào để ưu ái cho ai"

* Ông giải thích thế nào về việc 2 lần (tháng 4 và tháng 12-2013) cho phép các cơ sở y tế công lập ký phụ lục gia hạn hợp đồng mua thuốc theo giá năm 2012, không đúng theo thông tư 01 như kết luận thanh tra?

- Thực hiện đấu thầu thuốc theo thông tư 01 (có hiệu lực từ 1-6-2012, thay thế thông tư 10 năm 2007), TP.HCM lập trung tâm mua sắm tập trung trực thuộc Sở Y tế nhằm chấm dứt tình trạng "loạn giá thuốc" tại các cơ sở y tế. Do cần mua lượng thuốc với quy mô lớn (2.179 mặt hàng thuốc, giá trị 8.417 tỉ đồng) nên khâu tổ chức bị chậm, đến tháng 4-2014 mới tổ chức đấu thầu được.

Thực tế năm 2013, các hợp đồng mua bán thuốc của bệnh viện và nhà thầu hết hiệu lực vào tháng 3-2013 (theo thông tư 10). Trong lúc chờ đấu thầu, từ kiến nghị của Sở Y tế, TP.HCM cho phép hướng dẫn các bệnh viện được mua sắm bổ sung thuốc theo kết quả thầu năm 2012 và mua theo giá kết quả trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy cho nguồn thuốc giai đoạn từ tháng 10-2013 đến tháng 4-2014.

Bệnh nhân không thể thiếu thuốc điều trị trong khi TP.HCM đang cố gắng thực hiện đấu thầu tập trung theo quy định trong giai đoạn chuyển tiếp thông tư 01 và 10. Nhất là nhiều bệnh viện ở TP.HCM là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, chuyên khoa nhu cầu sử dụng biệt dược gốc, thuốc đặc trị rất lớn. Đó là lý do TP.HCM chủ trương gia hạn mua sắm thuốc. Chủ trương này cũng đúng quy định thông tư 01 (các điều 23, điều 8 thông tư). Tuy nhiên, việc chậm đấu thầu thuốc mà mua gia hạn gây ra việc chênh lệch giá thuốc.

Ông Hứa Ngọc Thuận nói gì về việc chậm đấu thầu mua thuốc? - Ảnh 2.

Ông Hứa Ngọc Thuận

* Vậy ông khẳng định chủ trương gia hạn là đúng và khách quan, không ưu ái cho tổ chức, cá nhân nào?

- Đúng vậy. Tôi làm theo phân công trách nhiệm, không quen biết doanh nghiệp nào để ưu ái cho ai.

* Ông cũng khẳng định "Bộ Y tế cũng chậm công bố đầy đủ danh mục thuốc đấu thầu theo thông tư 01"?

- Đúng. Danh mục thuốc thường chậm hơn so với nhu cầu thực tế, đa dạng của bệnh nhân. Trong khi theo quy định thông tư thì trách nhiệm trên thuộc Bộ Y tế.

Chênh lệch hơn 50 tỉ là "tạm tính, không phải thiệt hại"

* Việc xây dựng giá kế hoạch để mua gia hạn thế nào? Kết luận và thông tin của Bảo hiểm xã hội VN cho rằng việc mua thuốc theo thông tư 01 giúp giảm giá 10-50% so với mua gia hạn, ông có phản biện gì?

- TP.HCM chỉ đồng ý về chủ trương mua sắm. Còn lại giá, mặt hàng thuốc, danh mục, mua sắm cụ thể do cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm. Việc đánh giá của Bảo hiểm xã hội thuộc về chuyên môn, tôi không bàn.

* Vậy thông tin số tiền hơn 80 tỉ đồng bị "treo", không thanh toán được do chênh lệch giá có đúng không?

- Không đúng. Năm 2015, Bộ Y tế có chỉ đạo về thanh toán chi phí thuốc chậm đấu thầu theo thông tư 01. Trong năm đó, Bảo hiểm xã hội TP đã thu hồi, xuất toán gần 30 tỉ đồng của 111 cơ sở y tế mua thuốc gia hạn. Còn lại 50 tỉ đồng chênh lệch chỉ là con số Bảo hiểm xã hội VN tạm tính khi so giá thuốc của các mặt hàng thuốc không có trong danh mục thuốc trúng thầu so với giá thuốc trúng thầu trung bình của cả nước.

Từ đó đến nay, giá thuốc trúng thầu trung bình cả nước vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm công bố nên số tiền hơn 50 tỉ bị "treo" là do chưa có cơ sở để Bảo hiểm xã hội tính toán. Số tiền này hoàn toàn không phải là thiệt hại cho quỹ khám chữa bệnh và các cơ sở y tế như một phần nội dung kết luận thanh tra nêu.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ có nêu việc chậm đấu thầu mua thuốc tại TP.HCM khiến gần 80 tỉ đồng bị "kẹt" (Tuổi Trẻ ngày 8-9). Tại cuộc họp kinh tế - xã hội TP.HCM hôm 9-9, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã có thông tin về vụ việc này.

Về việc chậm có kết quả đấu thầu thuốc, ông Bỉnh cho rằng phần lớn do yếu tố khách quan như quy định mới; TP.HCM quyết liệt tổ chức đấu thầu tập trung nhằm hạn chế tiêu cực, thất thoát quỹ bảo hiểm y tế; khối lượng và danh mục thuốc rất lớn, nhiều tình huống phát sinh mới... nên mất thời gian chuẩn bị và đấu thầu.

TP.HCM chậm đấu thầu mua thuốc, gần 80 tỉ đồng chênh lệch bị TP.HCM chậm đấu thầu mua thuốc, gần 80 tỉ đồng chênh lệch bị 'kẹt'

TTO - 79,6 tỉ đồng là chênh lệch mua thuốc do chậm đấu thầu năm 2012-2013. Và từ đó đến nay, số tiền này vẫn bị kẹt, do nhiều vấn đề liên quan.


THÁI AN - HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên