03/12/2015 11:10 GMT+7

"Ông hoàng bà chúa" như vậy học trò không hư mới lạ

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Các em ở nhà chẳng ai dám đụng đến, tới trường giáo dục nửa vời, dè chừng. Thành những "ông hoàng bà chúa" như vậy, học sinh ngày càng không hư mới lạ.

Theo bạn đọc Phan Tuyết, có quá nhiều áp lực khiến nghề giáo thời nay là một trong những nghề nguy hiểm - Ảnh: TTO

Trên đây là nhận định của bạn đọc Phan Tuyết - giáo viên một trường tiểu học ở thị xã La Gi (Bình Thuận) - sau khi đọc bài báo “Hai học sinh Bình Phước đánh thầy giáo chảy máu đầu”

Theo bạn đọc Phan Tuyết, cùng làm nghề giáo, chị không khỏi đau lòng khi biết hằng ngày, hằng giờ còn những đồng nghiệp của mình bị bạo hành từ thể xác đến tinh thần vẫn thường xuyên xảy ra. 

Để góp thêm một góc nhìn từ những người trong cuộc, xin giới thiệu nguyên văn bài viết của bạn đọc Phan Tuyết:

Lại thêm một thầy giáo bị học sinh đánh chảy máu đầu. Chả vậy mà đã có không ít người cho rằng nghề giáo thời nay là một trong những nghề nguy hiểm cũng chẳng sai tí nào. Vì sao lại có tình trạng như vậy?  

Thiếu giáo dục từ gia đình

Mỗi gia đình chỉ có hai con, ngay từ khi còn nhỏ, nhiều phụ huynh cưng chiều con quá mức. Họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để phục vụ các em từ việc ăn uống, tắm giặt đến cả việc học hành như soạn giùm sách vở, chuẩn bị đồ dùng học tập, đưa rước con tới tận trường, thậm chí có người còn bồng con vào tận lớp...

Có người đã thẳng thừng nói với giáo viên: “Con tôi học được gì thì học, cô thầy cũng đừng ép buộc nhiều”. Người viết bài này đã từng chứng kiến hai cô bé lớp 5 nói chuyện với nhau: “Ba tao nói, bà ấy mà đụng vào tao lần nữa thì biết tay ổng”. Hay những màn hành hung thầy cô giữa cổng trường của một số phụ huynh khi “Chúng mày dám động vào con ông hả?”.

Phan Tuyết

Con cái được nuôi dạy thành những “ông hoàng, bà chúa” chỉ biết hưởng thụ và ra lệnh cho người khác khi có nhu cầu.

Vì được cưng chiều và không quen làm việc nên ở trường, những học sinh này thường ít tham gia vào các hoạt động tập thể như lao động tự phục vụ, từ việc không biết lấy sách vở để học, không biết soạn cất khi đã học xong, không biết cầm cây chổi quét nhà, đến cả việc đi vệ sinh cũng vất vả.

Số khác, gia đình lại bỏ bê để các em tự học và tự chơi, nhiều em thường giao du với những bạn xấu và tỏ ra lì lợm, khó bảo.

Trên lớp không nghe thầy cô giảng bài, quậy phá bạn, thường xuyên đánh nhau, cúp tiết... những học sinh này thường có lực học từ trung bình yếu trở xuống.

Với áp lực chất lượng hạnh kiểm và học tập của các em, thầy cô giáo phải thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn, đôi khi hơi nghiêm khắc. Dĩ nhiên với những học sinh không chịu học thì việc luôn bị nhắc nhở trở thành cực hình nên quay lại phản kháng, chống đối.  

Chưa kể đến việc không ít phụ huynh còn tiếp tay cho sự vô lễ, hỗn hào của các em khi chỉ nghe con nói bị thầy cô quở phạt trên lớp mà chẳng cần tìm hiểu đã mắng chửi thầy cô trước mặt các con.

Được sự hậu thuẫn từ phía ba mẹ, nhiều em đã tỏ ra bất trị và chẳng xem ai ra gì. Chỉ một lời nói của thầy cô mà các em không vừa lòng cũng có thể hung hăng và sấn sổ tới để ra oai, miệng chửi tục, hoa chân múa tay một cách ngang tàng.

Giáo viên chỉ “dạy và dỗ” mà không dám “răn”

Học sinh vô lễ, đánh lại thầy cô giáo... dư luận thường đổ trách nhiệm cho sự giáo dục của nhà trường, nhưng chỉ người trong nghề mới hiểu chính các thầy cô giáo đã nỗ lực, đã gắng gượng thế nào. Dù có cố hết sức từ tìm hiểu và thấu hiểu, từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc... nhưng cũng không dễ gì có thể làm thay đổi những tính cách đã được hình thành từ sự dạy dỗ, nuông chiều từ phía gia đình các em. Giáo dục không có sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường thì mọi nỗ lực từ một phía cũng trở nên vô ích.

Trước thực tế nhiều học sinh được cưng chiều quá mức, lên lớp thầy cô cũng chỉ được phép “dạy, dỗ” mà không dám “răn” dù các em có hư cỡ nào, có hỗn hào, vô lễ đến đâu. Bởi chỉ cần “sẩy miệng” là thầy cô bị mắc vào tội “xúc phạm nhân phẩm học sinh”, là “vi phạm đạo đức nghề giáo”, nhẹ cũng bị khiển trách, cảnh cáo toàn ngành, nặng có khi mất nghề như chơi.

Vậy nên, cụm từ “Hết lòng vì học sinh thân yêu” mà ai ai cũng nói chỉ còn là câu nói để nghe chứ mấy ai thực hiện được.

Các em ở nhà chẳng ai đụng đến, tới trường giáo dục nửa vời, dè chừng. Học sinh ngày càng không hư mới là điều lạ.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Từng ngồi ghế nhà trường, bạn có lần nào chứng kiến những hình ảnh cười ra nước mắt như bạn đọc PHAN TUYẾT viết? Theo bạn, cần phải làm gì để học sinh ngày nay giữ gìn việc tôn sư trọng đạo? Thân mời bạn hãy chia sẻ ý kiến, hình ảnh, clip với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gửi đến email: tto@tuoitre.com.vn. 

 

PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên