Khiếm khuyết cơ thể, họ sống qua ngày bằng bán buôn phế liệu và nguyện dìu nhau đi đến cuối cuộc đời. Một câu chuyện đẹp ngỡ chỉ có trong phim ảnh.
Tấn bi kịch chiến tranh
Trong căn nhà nhỏ ở đường Trưng Nữ Vương, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam), suốt 30 năm nay, hai con người không lành lặn về cơ thể lặng lẽ dìu nhau mà sống. Mới gặp, người ta tưởng là đôi vợ chồng hay anh em, nhưng chẳng phải vậy.
"Mới gặp ai cũng nghĩ thế hết, thực chất tui với ổng chỉ là người dưng. Cuộc đời éo le đưa đẩy gặp, đùm bọc nhau đến giờ" - bà Trần Thị Nga (67 tuổi) chỉ về ông Nguyễn Văn Câm (chừng hơn 70 tuổi), người đồng hành cùng mình trong căn nhà nhỏ suốt chừng ấy năm, cười nói.
Cả hai người họ chẳng muốn nhớ tới quá khứ, bởi nó thật khắc nghiệt. Bà quê Đà Nẵng, sau ngày hòa bình, cô gái tuổi 18 ấy rời quê vào Quảng Nam làm công nhân cầu đường ở huyện Tiên Phước.
Một lần vào rừng mót củi về nấu cơm cho công nhân, bà bị trúng mìn sót lại từ thời chiến tranh và bị thương nặng. Cuộc phẫu thuật sau đó tại bệnh viện vẫn không thể cứu được đôi chân và cả thanh xuân của cô gái tuổi mới trăng tròn.
Sau đó, bà được đưa vào Trại xã hội Tam Kỳ và gắn cuộc đời mình trên chiếc xe lăn. Mất đi đôi chân, ngồi một chỗ, lúc đó với nhiều người thực sự là quãng thời gian cay đắng nhất của cuộc đời.
Còn ông Câm có gương mặt phúc hậu, tóc điểm bạc như trò đùa của quá khứ éo le. Từ thuở lọt lòng mẹ, ông đã bị câm điếc.
Cay đắng vẫn chưa buông tha có tên là chiến tranh, một lần ông cũng bị trúng bom từ chiến tranh loạn lạc khiến bị thương nặng. Người ta đưa ông vào bệnh viện ở Đà Nẵng cấp cứu.
Ông nói không được, người khác nói không nghe, thiên hạ đang buổi bom rơi đạn lạc, người ta chẳng tìm được quê quán, người thân cho ông nên đường về của ông là Trại tế bần (sau là Trại xã hội Tam Kỳ).
Ai nói gì, ông chỉ biết cười vì bị câm điếc, và từ ấy cái tên Nguyễn Văn Câm mọi người đặt gắn với ông suốt cuộc đời.
Hai người đã gặp nhau ở Trại xã hội Tam Kỳ. Người câm điếc gặp người cụt hóa ra thành một bởi bổ khuyết cho nhau. Nhưng một mà hai, bởi họ chỉ xem nhau như anh em, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Bà Nga đi đâu, ông Câm đều đẩy xe lăn đưa bà đi. Đến khoảng năm 1994, Trại xã hội Tam Kỳ giải tán, sáp nhập vào Trung tâm xã hội Hội An, bà Nga xin ở lại Tam Kỳ và mua một miếng đất, cất căn nhà nhỏ để ở.
"Thấy ổng tội, lại không có người thân họ hàng nên tui giữ ổng lại sống chung, tiện chăm sóc nhau", bà Nga nhớ lại.
Theo bà, lúc xưa có thêm một người đàn ông cũng ở trại xã hội như ông Câm, bà cũng rủ về ở chung, nhưng sau người đó mất vì bệnh, đến nay cũng đã hai chục năm, giờ đây bà đặt bàn thờ lo hương khói cho người ấy. Giờ trong căn nhà chỉ còn bà và ông Câm chung sống.
"Nói thật hồi ở khu tập thể thấy ông Câm hiền hậu, không có gia đình, không nơi nương tựa, nếu ở trung tâm xã hội thì cũng tốt. Nhưng tôi xin cho ổng về sống một nhà với tôi coi nhau như anh em, sớm tối có nhau", bà Nga kể.
30 năm, lọ mọ dìu nhau sống
Sáng, hai người tóc đã bạc ấy tất bật lựa mớ ve chai thu mua được để bán lại kiếm lời, cộng với khoản trợ cấp tai nạn lao động bà nhận được mỗi tháng, thế là họ trang trải cuộc sống, rau cháo nuôi nhau.
Đều đặn hàng chục năm nay, ông Câm nguyện làm đôi chân đẩy xe lăn giúp đưa bà đi làm việc, sinh hoạt. Còn bà giúp ông phiên dịch mỗi khi ông trò chuyện với người khác. Bà nói chuyện với ông bằng ra hiệu tay hay khẩu hình.
Đã lúc nào ông muốn tìm về quê quán, người thân mình không? Câu trả lời từ bà (thay ông) là mờ mịt, bởi câm và điếc, lại mù chữ, quê quán có khi chỉ là nỗi nhớ không thốt nên lời và như ảo ảnh. Có lẽ dường như tâm thức của ông, người thân của mình giờ đây chỉ duy nhất là bà Nga.
Quê quán của ông là giọng nói của người đàn bà đã phiên dịch cho ông chừng ấy năm qua mưa nắng, trìu mến nhìn ông lúc an vui, đỡ đần ông lúc trái gió trở trời.
Giờ đây, lưng ông đã khòm, miệng lúc nào cũng nở nụ cười hiền từ, dường như ông hài lòng với cuộc sống hiện tại bên người đàn bà mà mình xem như anh em ruột.
Thời gian đã phủ sương trên tóc hai người. Chuyện của họ phá vỡ hết một mặc định lâu nay đóng đinh trong thực tế lẫn ý nghĩ của cả đàn bà lẫn đàn ông, đập vỡ cả lý thuyết về bản năng, cả câu nói dân gian là "lửa gần rơm". Họ không là vợ chồng, lạ hoắc lạ huơ mà coi như anh em ruột.
Ở cùng nhau lúc tuổi trẻ, đến bây giờ đã hơn 30 năm, tóc ai cũng rớm màu muối tiêu. "Thôi kệ, cuộc đời mà, giờ nương tựa chăm sóc nhau, tới đâu thì hay đến đó chứ biết sao chừ", bà Nga bộc bạch.
Đó là điều kỳ lạ và kỳ diệu của cuộc sống. Nhìn họ mới thấy ông trời công bằng lắm, chẳng để ai một mình chấp chới giữa dòng đời. Còn nói như ngôn ngữ hiện đại bây giờ, đơn giản thôi: Hiểu và thương!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận