21/03/2016 16:22 GMT+7

Ôn thi, nếu học nhóm thì rất hiệu quả

PHAN DƯƠNG ghi
PHAN DƯƠNG ghi

TTO - Theo bản thân mình nghĩ thì những yếu tố quan trọng để có được một khoảng thời gian ôn thi hiệu quả là sự kiên trì, tính kỉ luật với bản thân.

Nguyễn Thị Diệu Lê - Ảnh: Quang Định
Nguyễn Thị Diệu Lê - Ảnh: Quang Định

Hơn hết là việc tạo ra một môi trường tương tác trong suốt quá trình ôn.

Vì giai đoạn ôn thi là một giai đoạn rất căng thẳng, mệt mỏi và áp lực, nếu không có sự kiên trì và kỉ luật với bản thân sẽ dễ bị nản và lơ là trong việc học, nhất là khi gặp khó khăn.

Thông thường, để đạt được hiệu quả cao, mình thường đề ra những mục tiêu cụ thể cho việc ôn thi của mình.

Ví dụ như mỗi ngày phải giải một đề thi cho mỗi môn trong giai đoạn nước rút, sau một tháng giải đề phải tăng lên ít nhất một điểm và buộc bản thân nhất định phải đạt được mục tiêu đó. Nhờ vậy mà sự nỗ lực được nhân lên rất nhiều.  

Đặc biệt, mình thấy một phương pháp rất hiệu quả có thể áp dụng cho tất cả các môn là học nhóm. Bởi vì việc ôn thi một mình sẽ dễ khiến chúng ta nhàm chán và bó hẹp phạm vi kiến thức của mình.

Việc tạo một môi trường tương tác với bạn bè trong quá trình học nhóm sẽ giúp chúng ta nhận ra những ưu, nhược điểm của mình, đồng thời cũng được chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay với nhau, giám sát và truyền sự quyết tâm cho nhau qua quá trình học chung.

Để học nhóm được hiệu quả, mình và các bạn thường đưa ra những mục tiêu riêng, lập kế hoạch học tập cụ thể và cả những hình phạt rất khắc khe cho những thành viên vi phạm nội quy nhóm hay không đạt được mục tiêu mà nhóm đề ra.

Tụi mình thường dành những ngày cuối tuần để ngồi lại cùng nhau giải đề, cùng sửa đề và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm mới của bản thân. Việc học như vậy vừa tạo ra một không khí vui vẻ, hứng thú, lại vừa rất hiệu quả.

Về phương pháp ôn luyện đối với từng môn, một số kinh nghiệm ở một số môn thuộc khối thi của mình:

Đầu tiên là môn văn. Đây là một môn có thể nói là đa số các bạn thi khối D rất sợ, ngay cả những bạn chuyên văn vì tính chất của nó là không có một sự đánh giá nào là tuyệt đối, vì vậy thật khó để tự tin khi ôn luyện môn này. Thường thì mình tập trung vào phần làm văn nhiều hơn (vì phần đọc hiểu khá cơ bản).

Đối với bài nghị luận xã hội thì chủ yếu là nắm được cấu trúc làm bài và tích lũy được kiến thức xã hội phong phú để tạo được sự sinh động và thuyết phục cho bài viết.

Mình thường thủ sẵn những câu chuyện nhỏ, những câu danh ngôn và những dẫn chứng thực tế hay phân theo từng chủ đề để khi gặp một vấn đề xã hội liên quan, mình sẽ có sẵn tư liệu để viết. Còn đối với bài nghị luận văn học, điều cơ bản đầu tiên là kiến thức về tác phẩm.

Để học hiệu quả, mình sẽ hệ thống hóa lại tất cả các nội dung liên quan đến từng tác phẩm theo sơ đồ, đồng thời sưu tầm những nhận định, lời bình hay về tác phẩm, tác giả để trích dẫn khi cần thiết.

Ngoài ra, để có được điểm số cao trong bài nghị luận văn học, các bạn nên tìm hiểu thêm về phần lý luận văn học để áp dụng vào bài viết, giúp bài viết thêm phần sắc bén và chặt chẽ.

Đối với môn toán, điều quan trọng là phương pháp giải đối với từng dạng bài tập. Thường để dễ nhớ, em cũng sẽ hệ thống hóa lại phương pháp giải, cách trình bày cho từng dạng, giải bài tập từ đơn giản đến phức tạp. Cái hay của toán là nếu siêng năng nghiên cứu giải nhiều bài tập ở nhiều dạng thì trình độ sẽ lên rất nhanh.

Đối với môn anh văn, việc dành thời gian ôn thi nên được ưu tiên. Phần ngữ pháp thì tương đối dễ học, chỉ cần nắm được cách dùng và giải một số bài tập minh họa.

Tuy nhiên, trong quá trình học cũng nên ôn đi ôn lại và giải các bài tập nâng cao mới có thể làm đúng những câu khó trong đề thi. Phần từ vựng và đọc hiểu là hai phần khó cần phải dành thời gian luyện rất nhiều mới có thể lên trình được.

Đối với từ vựng, không chỉ học từ, nhớ từ là đủ mà chúng ta cần phải học loại từ, những cụm từ đi kèm theo, và thường thì học từ trong ngữ cảnh sẽ dễ nhớ và nhớ được lâu hơn.

Với phần đọc hiểu, việc có vốn từ phong phú sẽ bổ trợ rất nhiều cho phần này. Cần có được phương pháp đọc và tập trung làm thật nhiều bài tập mới có thể giỏi được.

Riêng phần viết, thường đề thi sẽ ra những chủ đề rất gần gũi, dễ tiếp cận nên chúng ta có thể tự liệt kê ra những chủ đề và tìm từ vựng cũng như tập viết những đoạn văn theo chủ đề đó để luyện khả năng viết đoạn.

Vì đây là một môn thuộc về ngôn ngữ nên cần thường xuyên ôn luyện và giải đề mới có thể duy trì và nâng cao được trình độ của mình.

Nguyễn Thị Diệu Lê, SV năm 1, ĐH Ngoại thương TP.HCM

PHAN DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên