Phóng to |
Một công nhân cơ sở làm chanh muối H phân loại tắc ngay trên ruộng nước tanh tưởi - Ảnh: Đức Thanh |
Cơ sở làm chanh muối H nằm trên đường Bà Hom, quận 6, TP.HCM chỉ là căn phòng nhỏ, phía trước là nơi chanh muối được đóng chai và xếp vào thùng, sát kề bên là... nhà vệ sinh cho nhân viên lúc nào cũng mở cửa.
Chanh muối ngâm cạnh cống nước
“Xưởng” làm chanh muối bao gồm một máy chà vỏ cũ kỹ gỉ sét, vài chồng xô, chậu đen thui bám đầy đất ruộng và hàng chục thùng muối chanh đặt ngay trên nền đất ao ngập nước cống đen quạch cạnh... ruộng rau muống. Một người thợ đang hì hục thọc cả hai bàn tay cáu bẩn vào xô đựng tắc muối đục ngầu để lựa ra những quả tắc còn nguyên vẹn rồi... phân loại cho tiếp vào hũ mới hay đóng bịch nilông. Nhiều quả chanh, quả tắc đã thối rữa, nổi lềnh bềnh như bong bóng trên mặt xô.
Bên ngoài cơ sở H là một công trường đang đào đường đầy cát bụi và những vũng nước sình ứ đọng lâu ngày trên mặt đường. Cứ hôm nào trời nắng, cơ sở này lại đem hàng chục ký chanh, tắc ra phơi thẳng trên nền đường, lề đường... Xe máy, xe lu sửa đường ùn ùn qua lại làm bụi, sình lầy từ nước cống bám chặt vào những quả chanh.
Một nhân công ở đây cho biết giá chanh hiện nay khá mắc 8.000-9.000đ/kg nhưng cơ sở này vẫn có thể xoay xở để bán ra những túi chanh muối với giá 9.000đ/kg! Người này tiết lộ chanh trong lọ chất lượng khác, loại đóng bao nilông chất lượng khác, chanh hỏng đều có thể chế biến được. Trên nhãn mác của lọ chanh, tắc muối đóng hộp được ghi thông tin đầy đủ địa chỉ nơi sản xuất... Còn loại đóng bọc thì vô tư, không cần ghi bất kỳ nhãn mác, thời hạn sản xuất!
Phóng to |
Dừa trái đang được “tắm” trắng trong xô nước cáu bẩn trước khi chế biến thành rau câu - Ảnh: Lan Phương |
Rau câu từ... dừa thối
Con đường Tô Hiệu, quận Tân Phú nổi tiếng là “trung tâm” sản xuất rau câu dừa và sơ chế dừa tươi để bỏ mối khắp nơi trong TP. Phía trong những hàng quán này, các tay thợ làm dừa ở trần trùng trục liên tục gọt, tỉa... dừa rồi quẳng vào một xô nước to nồng nặc mùi hóa chất. Một người thợ giọng Bắc vừa gọt dừa, vừa nói oang oang: “Những trái dừa vừa gọt khoảng vài phút là ngả ố vàng, không bắt mắt thì làm sao bỏ mối. Chúng tôi phải “tắm” trắng dừa ít phút trong xô thuốc tẩy bằng hóa chất để tẩy trắng”.
Trong vai người mua dừa nước và rau câu làm từ dừa, chúng tôi được ông B. “dừa”, chủ tiệm chuyên bỏ mối dừa nước, rau câu trên đường Tô Hiệu, thừa nhận: “Dừa trái sau khi gọt lớp vỏ xanh, vàng để lộ ra phần xơ dừa, chỉ ít phút sẽ ngả vàng vì vậy bắt buộc chúng tôi phải “tắm” hóa chất tẩy trắng vĩnh viễn cho dừa.
Sau đó chủ các tiệm, xe đẩy dùng kim tiêm loại to để chích lợn, đâm từ đỉnh trái dừa tạo một lỗ nhỏ và rút 1/3 - 1/2 nước trong trái dừa ra... rồi bơm nước pha đường hóa học ngược trở vào bù đúng phần nước dừa đã rút. Sau đó, trám trái dừa bằng những miếng xơ dừa vứt lăn lóc dưới đất. Nhờ vậy, nước từ một quả dừa có thể sang cho nhiều vỏ quả dừa khác để kiếm lời...”.
Nhiều “lò” làm rau câu dừa ở đây thuê người chuyên đi gom những quả dừa mà khách chỉ uống phần nước, để vỏ lại từ các tiệm hoặc xe đẩy về làm rau câu, tiết kiệm khoảng 4.000 đồng cho một trái rau câu thay vì phải làm từ trái dừa còn nguyên vẹn. Mỗi vỏ dừa như thế các tiệm bán lại chỉ khoảng 1.000 đồng. Sau đó các “lò” chỉ việc mua nước dừa già về chế vào thành rau câu.
Hầu hết các quán bán dừa nước ở khu vực này đều có sọt to chứa những vỏ dừa vứt lại của khách sau khi uống cạn nước. Đến gần sọt, một mùi vừa chua như giấm và hôi thối nồng nặc bốc lên vì vỏ dừa bỏ lăn lóc trong giỏ cả tuần lễ, chờ đủ số lượng chủ mới bán cho các “lò” để làm rau câu bán cho khách.
Dạo một vòng quanh chợ Kim Biên, nơi bán hóa chất nổi tiếng ở TP.HCM, chúng tôi tìm hiểu được nhiều mánh để làm nước uống trái cây. Trên các quầy hóa chất thực phẩm, các mùi vị như chanh, táo, dâu, trà xanh... được bày la liệt trong cửa hàng. Bất kỳ loại nước trái cây nào cũng có thể ra đời từ những can nhựa hóa chất thế này. Tại cửa hàng hóa chất TK, chợ Kim Biên, chúng tôi được hướng dẫn sử dụng chất sodium hydrogen sulfite, một chất bột màu trắng (vốn là hóa chất độc hại), bán theo túi 20.000đ/kg để làm chanh muối mà nhiều cơ sở sản xuất chanh muối thường mua. Người bán hướng dẫn chúng tôi cứ thấy chanh muối bị đen, vàng cỡ nào thì trộn chất này vào chanh sẽ trắng, đẹp như được bày trong các lọ thành phẩm ở cửa hàng. Khi mở túi hóa chất ra, một mùi hôi nồng bay lên gây cảm giác hơi nóng rát trên da người khi tiếp xúc. Lò sản xuất “các loại nước trái cây tươi nguyên chất” nằm trên đường Ba Tháng Hai, quận 11, cực kỳ ẩm thấp, nhếch nhác... Những đống trái cây đủ loại như bưởi, dưa tây, đậu nành... đều đã héo vỏ, nằm lăn lóc trên nền đất ẩm ướt. Cạnh đó là những cỗ máy xay ép các loại mốc meo, bám đầy bã của những loại trái cây khác nhau nằm cạnh miệng cống xả, thoát nước sản xuất. Các chai nước trái cây xay, ép sẵn bị quăng bừa bãi dưới vỉa hè, sau đó được nhồi hết lên xe máy chở đi phân phối tại những nơi bán nước giải khát khắp nơi trong TP. Tại “lò” róc mía, bỏ sỉ mối mía cho các tiệm nước mía trên đường kênh Nhiêu Lộc, quận Tân Bình, chúng tôi chứng kiến cả chục thanh niên đang hì hục tước vỏ mía cây dưới cái nóng oi bức. Họ tước liên tục bằng những con dao bào gỉ sét, rồi thẳng tay quăng mía đã róc ngay trên sàn nhà la liệt vỏ mía, thân mía cùng đủ thứ rác rến xung quanh. Cạnh đó là một đống mía đã tước vỏ được cột thành những bó to. Những cây mía sau khi tước vỏ thường có màu vàng nhạt, nhưng những bó mía ở đây đều ngả màu trắng đục, đóng một lớp nấm trăng trắng li ti và bốc lên mùi chua chua khó chịu. Từ đây, những bó mía được chở đi giao cho nhiều xe nước mía khắp TP. Những xe nước mía thơm ngọt trên nhiều tuyến đường của TP cũng “vô tư” trong việc bảo đảm vệ sinh khi chế biến. Tại xe nước mía T, đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, những bó mía được đặt ngay cạnh sọt bã mía nên cùng chịu chung số phận bị ruồi, kiến bu đen. Đến quy trình ép mía của tiệm cũng rất “điệu nghệ”. Trong chậu hứng nước mía ép chảy xuống lúc nào cũng có sẵn một nhúm đường hóa học và chất tạo mùi như tắc, dâu... Quan sát kỹ những xe nước mía ở đây, chủ xe đều tận dụng lại tất cả số đá từ ly nước mía mà khách uống còn sót lại. Họ nhanh tay đổ vào thau đá nằm ngay cạnh đống ly ngâm trong một cái xô nổi váng mỡ tanh tưởi. Một số tiệm còn tận dụng lại ngay cả những ống hút, ly nhựa vừa được khách dùng xong! |
Ý kiến của bạn
* Tôi thấy việc mất vệ sinh của thực phẩm ngày càng nặng, từ vụ cháo dinh dưỡng chứa hóa chất, mứt nhiễm chì, bây giờ lại đến nước giải khát. Tôi thấy các cơ quan chức năng chỉ mới hoàn thành việc kiểm nghiệm thực phẩm mà chưa có phương pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề này.
* Đọc bài báo này mới thấy cuộc sống người dân TP.HCM nói riêng và người dân sống trong các đô thị nói chung đang dần bị đe dọa. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải vào cuộc để ngăn chặn những vụ việc như thế này. Nên chăng Ban Quản lý môi trường đô thị phải phối hợp với các ngành chức năng, làm mạnh tay hơn nữa ngăn chặn những vụ việc này để giảm thiểu nguy cơ bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
* Theo tôi đây là bài viết hay, đúng thực tế trong cuộc sống. Tôi mong các ngành chức năng có biện pháp kiểm tra, xử phạt, giáo dục, tuyên tuyền về đạo đức vệ sinh chế biến thức ăn, thức uống của các cá nhân và cơ sở chế biến. Đặc biệt kiểm tra sát sao việc mua bán hóa chất (nói chung) và hóa chất trong chế biến thức ăn, thức uống.
Những loại thực phẩm mất vệ sinh như vậy rất nguy hiểm cho mọi người, gây nguy cơ ung thư cao và là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh nan y.
Mong báo Tuổi Trẻ có thêm nhiều bài viết hơn nữa để phản ánh cho người dân được biết và các ngành chức năng sớm có biện pháp dứt điểm xóa bỏ những trường hợp trên.
* Qua bài viết của phóng viên báo Tuổi Trẻ, tôi nhận thấy rằng sức khỏe ngưòi dân đang bị đe dọa khi cái gì cũng có vấn đề về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Bây giờ việc ăn uống ở ngoài đường nguy hiểm quá.
Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xử lý triệt để các cơ sở làm ăn thiếu lương tâm này. Cần xử phạt và cho đóng cửa các cơ sở này càng sớm càng tốt để người dân an tâm.
* Độc giả chúng tôi rất cần những bài điều tra như thế này và cũng để các cơ quan chức năng có thể nhìn thấy tận mắt, đã đến lúc phải "đánh" thật mạnh vào vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, dù muộn nhưng còn không. Nếu cứ để tình hình này tiếp diễn, phải chăng chính một bộ phận người Việt Nam đang giết dần giết mòn thế hệ trẻ mai sau?
* Đọc bài viết này xong, tôi có cảm giác ớn lạnh với nhiều loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường hiện nay. Sức khỏe của con người thời nay đang bị tác động của quá nhiều hóa chất gây hại, nhiều phương thức chế biến mất vệ sinh... Tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để ngăn chặn được phần nào mối nguy hại từ thực phẩm mà người dân đang "nạp" vào cơ thể mỗi ngày.
* Mỗi lần đi chơi, ghé các quán cafe từ bình dân đến sang trọng tôi đều gọi một trái dừa để uống. Thực lòng mà nói không gọi dừa thì uống cái gì bây giờ? Uống sinh tố thì không đảm bảo vệ sinh, nguồn nguyên liệu lấy từ đâu? Uống cafe thì sợ họ trộn thêm bột bắp, thêm hóa chất để tạo bọt. Uống nước ngọt thì sợ nguồn hương liệu quá đát như báo chí đã nói. Vì thế uống nước dừa tôi chẳng phải suy nghĩ bởi nước dừa thì tự nhiên, không cần bón phân hoặc cho thứ gì để tăng trưởng. Đến mùa dừa thì chặt xuống đưa đi bán. Nước thì được bao bọc bởi cùi và vỏ nên yên tâm, chẳng ai hơi đâu mà bỏ thứ này thứ kia vào.
Vậy mà đọc xong bài viết trên báo Tuổi Trẻ, tôi thấy người buôn bán bây giờ nhiều chiêu biến hóa quá.
* Chúng ta nói đến những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất đã nhiều nhưng hình như cơ quan chức năng chưa có hình phạt nào đủ sức răn đe. Đến lúc chúng ta phải có những biện pháp mạnh tay, xử lý nghiêm các cơ sở này, bởi đây là nơi làm ảnh hưởng lâu dài và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
* Theo ý kiến của tôi, các cơ quan chức năng nên tìm nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục việc chế biến lương thực, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn như hiện nay.
Tôi xin đề xuất một số biện pháp sau đây:
1. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến. Nếu cơ sở nào vi phạm sẽ áp dụng các hình thức xử lý nghiêm minh và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân tẩy chay, không dùng hàng hóa do các cơ sở vi phạm này chế biến.
2. Ban hành các quy định cụ thể về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho mỗi loại sản phẩm. Ví dụ: Mỗi sản phẩm lương thực, thực phẩm có nguy cơ vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm thì Nhà nước ban hành một bộ quy tắc thống nhất về vệ sinh, an toàn thực phẩm (quy định về các chuẩn mực trong chế biến, sản xuất hợp vệ sinh, nêu cụ thể các tiêu chí để xác định một sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về vệ sinh...). Các cơ sở chế biến phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này. Cơ quan nhà nước căn cứ vào các quy định này để thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các cơ sở chế biến vi phạm.
3. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở chế biến thực hiện tốt quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ví dụ: Thường xuyên công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng các cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, khuyến khích người dân dùng sản phẩm của các cơ sở này. Đồng thời công bố các cơ sở chế biến vi phạm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm của các cơ sở này. Cách làm này sẽ giúp cho các cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh bán được nhiều sản phẩm hơn, từ đó khuyến khích họ thực hiện các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
* Trung Quốc từng tử hình những người liên quan đến vụ sứ nhiễm melamine. Vấn đề vệ sinh an toàn thức phẩm ảnh hưởng đến tương lai của những thế hệ sau, tôi nghĩ Nhà nước cần có biện pháp mạnh để răn đe.
-------------------
Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận