Bức ảnh gây bão mạng khi chị Ahmadi ôm con ngồi làm bài thi vào đại học ngày 15-3 - Ảnh: NASIR KHUSRAW
Khoảnh khắc cảm động đó đã được một giáo sư của trường đại học tư thục Nasir Khusraw ở miền trung Afghanistan chụp lại ngày 15-3 và gây bão mạng sau khi chia sẻ.
Cảm động về tình mẫu tử chỉ là một phần, người ta ngưỡng mộ nhiều hơn trước ý chí quyết tâm của chị Jahantab Ahmadi, một nữ nông dân 25 tuổi người Afghanistan, bất kể gánh nặng gia đình cùng 3 đứa con dưới 5 tuổi, vẫn đang nỗ lực để thực hiện một giấc mơ chưa thành: vào đại học.
Tại Afghanistan, phần lớn phụ nữ thất học và bị đối xử như những công dân hạng hai. "Tôi không muốn bị tước đoạt cơ hội học tập" - chị Ahmadi chia sẻ như vậy với Hãng tin AFP tại thủ đô Kabul. Xuất thân từ một ngôi làng nông nghiệp ở tỉnh Daikundi, lấy chồng từ năm 18 tuổi, chị Ahmadi đã không chấp nhận cuộc sống của một nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối mà những khoản thu nhập từ lúa mì, ngô và khoai tây chẳng đáng bao nhiêu.
"Tôi muốn ra ngoài làm việc, muốn trở thành bác sĩ để có thể phục vụ những người phụ nữ trong cộng đồng mình cũng như trong xã hội" - chị nói.
Sau khi vượt hành trình gian khổ từ quê ra tới thành phố Nili với hai giờ cuốc bộ qua đường núi và gần 10 giờ ôm cô con gái 2 tháng tuổi ngồi xe buýt, chị Ahmadi đã thi đỗ với số điểm rất đáng tự hào là 152/200 điểm.
Cảm động trước ý chí và nghị lực của người mẹ trẻ, Hội Thanh niên Afghanistan đã tổ chức chiến dịch vận động mọi người trên trang GoFundMe giúp chị có tiền đóng học phí. Cho tới nay chiến dịch đã quyên được hơn 14.000 USD, khoản tiền khá lớn ở một đất nước vẫn còn khoảng 39% người dân sống trong nghèo khó.
Người mẹ trẻ đã rất kinh ngạc khi biết chuyện mọi người quan tâm tới bức ảnh chị bế con trong lúc làm bài thi. Phải tới một giờ sau khi hoàn thành bài thi chị mới biết chuyện đó.
Theo chị kể, lúc mới bắt đầu buổi thi (được tổ chức ngoài trời), chị cũng ngồi trên bàn làm bài như mọi người, đặt bé Khizran trong lòng, nhưng con bé bị đau tai và cứ khóc ngằn ngặt.
Để dỗ yên con và không làm phiền người khác, chị xin ngồi xuống phía bóng râm chỗ ngồi của người khác và tiếp tục làm bài.
Sự quyết tâm của người mẹ trẻ đã nhận được nhiều ngợi khen trên mạng xã hội. "Chị thực sự là một nhà vô địch thế giới, chị đã chứng tỏ rằng một cô gái của tộc người Hazara (tên tộc người của chị Ahmadi) có thể làm được mọi việc trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào" - tài khoản Facebook có tên Nazar Hussein Akbari viết.
"Tôi hi vọng người phụ nữ chăm chỉ này sẽ đạt được mục đích của cô ấy" - một người khác bày tỏ.
Câu chuyện của chị Ahmadi cũng đã gây ấn tượng đặc biệt với nhà hoạt động vì quyền phụ nữ của Afghanistan, bà Zahra Yagana. Bà đã liên lạc với chị để thuyết phục chị nên tới thủ đô Kabul học đại học, bởi theo bà, việc học tập tại Daikundi (là nơi chị Ahmadi đã trúng tuyển) sẽ rất khó khăn.
"Tiêu chuẩn giáo dục ở đó thấp. Không có ký túc xá cho sinh viên ở Daikundi và cô ấy sẽ phải sống trong nhà trọ" - bà Yagana giải thích.
"Chúng tôi sẽ giúp cô ấy một ngôi nhà ở Kabul. Đã có nhiều người bạn hứa sẽ hỗ trợ. Chúng tôi cũng đang cố tìm một công việc cho chồng cô ấy và quyên góp thêm tiền để giúp các con cô ấy tới trường" - bà Zahra Yagana cho biết thêm.
Với chị Ahmadi, tất cả mọi chuyện đã đến như một giấc mơ, và sự thực chị đã có cơ hội để hoàn thành mong ước của mình. Hiện tại, chị Ahmadi đã ở Kabul và theo học một đại học tư thục tại đó.
Chia sẻ với hãng tin AP về chặng đường phía trước, chị nói: "Tôi muốn được học để có thể giúp đỡ ngôi làng của mình, thay đổi nó. Tôi cũng muốn giúp đỡ cộng đồng của tôi. Nhưng trước tiên tôi muốn làm điều đó cho các con mình, để một ngày chúng cũng được hưởng sự giáo dục".
Ở một đất nước còn khá bảo thủ và gia trưởng như Afghanistan, chị Ahmadi đã rất may mắn khi có người chồng, anh Musa Mohammadi, sẵn sàng ủng hộ vợ tiếp tục học hành, dù bản thân anh là người thất học và mù chữ. "Tôi rất tự hào về vợ mình" - anh Mohammadi nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận