Anh Ibrahim Hamato thi đấu cùng vận động viên David Wetherill (Anh) tại Rio năm 2016 - Ảnh: AP
Vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi đôi tay của cậu bé 10 tuổi người Ai Cập nhưng đã không thể dập tắt tình yêu với thể thao của Ibrahim Hamato. Ở làng cậu khi ấy chỉ có hai môn thể thao là bóng đá và bóng bàn.
Thoạt đầu cậu chọn bóng đá, môn thể thao có vẻ phù hợp hơn cả với tình trạng thể chất khiếm khuyết sau tai nạn. Nhưng rồi tới một ngày sau ba năm kể từ tai nạn, cậu muốn thử thách bản thân với bóng bàn.
Kể từ đó, Ibrahim Hamato đã mất khá nhiều năm để cố gắng chơi tốt nhất môn thể thao này. Thoạt tiên cậu thử nhiều cách khác nhau để giữ được cây vợt, kể cả chuyện kẹp vào nách và rốt cuộc thì dùng răng...
"Đúng là rất khó để chơi bóng bàn sau tai nạn" - Ibrahim Hamato nhớ lại. "Tôi phải luyện tập chăm chỉ hằng ngày suốt ba năm liên tục. Thoạt đầu mọi người rất kinh ngạc và ngỡ ngàng khi thấy tôi chơi. Họ đã khuyến khích và ủng hộ tôi rất nhiều, họ tự hào về ý chí, tính kiên trì và cả quyết tâm của tôi".
Nhưng tìm ra cách giữ vợt không phải khó khăn duy nhất. Một nhiệm vụ khó nữa là phát bóng. Vậy là các ngón chân được anh "giao" nhiệm vụ này.
Với chiếc vợt giữ chặt trong miệng, Ibrahim Hamato lần lượt đánh bại rất nhiều đối thủ và bảng thành tích mỗi lúc một dày hơn. Năm 2006 anh vươn lên thứ hạng thế giới cao nhất của mình là vận động viên bóng bàn khuyết tật hạng 32 thế giới.
Trong hai năm 2011 và 2013, anh đều giành vị trí á quân ở giải vô địch bóng bàn dành cho người khuyết tật toàn châu Phi. Năm 2013 anh giành huy chương bạc ở giải vô địch trong nước.
Sau khi đoạt á quân ở giải vô địch bóng bàn dành cho người khuyết tật châu Phi, anh Hamato giành được suất tham dự Paralympic tại Rio de Janeiro (Brazil) năm 2016. Tiếc là lần đó anh đã không đoạt được huy chương.
Dù vậy, hình ảnh Hamato với lối chơi bóng bàn vô cùng đặc biệt tại Rio sau khi xuất hiện trong một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội YouTube đã thu hút hơn 2,3 triệu lượt xem, trở thành một hiện tượng trên mạng vào thời điểm đó.
Trong cuộc đời vận động viên chuyên nghiệp của mình, anh Ibrahim Hamato đã có dịp so tài với nhiều huyền thoại bóng bàn khác như Jun Mizutani, Wang Hao và đã tạo dấu ấn đặc biệt với mọi người về khả năng cũng như năng lượng phi thường.
Sau lần thi đấu cùng anh Ibrahim Hamato, vận động viên bóng bàn số 1 thế giới Ma Long từng nhận xét: "Anh ấy chơi rất giỏi. Tôi không thể tin được!". Nhận xét tương tự cũng đến từ tay bóng bàn số 1 ở Nhật Bản Jun Mizutani: "Anh ấy chơi thực sự rất giỏi. Tôi không thể tin là Hamato lại chơi bằng miệng. Tôi chưa từng thấy một chuyện tương tự như vậy trước đây".
Không chỉ tạo ấn tượng trước các đối thủ, trong mắt ông Alaa Meshref, chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Ai Cập, anh Ibrahim Hamato còn là tấm gương mẫu mực cho nhiều bạn trẻ: "Ibrahim là người rất tốt, có niềm tin và sự kiên trì mạnh mẽ. Anh ấy rất nhã nhặn và khiêm tốn.
Bất kể những hạn chế trong điều kiện hoàn cảnh cả về tài chính lẫn thể chất, anh ấy chưa bao giờ hỏi xin bất cứ điều gì. Những người lành lặn nên học hỏi thêm từ anh ấy, vì họ cứ luôn tìm cớ đổ thừa cho những thất bại của mình. Họ cần hiểu cách anh ấy đã vượt qua được thảm kịch của bản thân và chứng tỏ nếu cứ kiên trì đeo đuổi mục tiêu, bạn sẽ đạt được".
Theo vận động viên 43 tuổi Hamato, chính gia đình và người bạn đời là nguồn sức mạnh để ông bố ba con này nỗ lực chơi bóng tốt hơn mỗi ngày.
Trong những lần trả lời báo chí, Ibrahim Hamato chia sẻ anh muốn mọi người hiểu và tin rằng không gì trên thế giới là không thể nếu bạn thực sự nỗ lực hết sức.
"Mọi người nên làm việc chăm chỉ vì những điều bạn yêu thích và vì những gì bạn nghĩ là tốt cho mình - anh nói - Khuyết tật không phải là chuyện thiếu tay hay thiếu chân. Khuyết tật chính là không kiên trì đeo đuổi những gì bạn muốn làm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận