Trước một Olympic Nhật Bản nhỉnh hơn từ thể hình, tốc độ, kỹ thuật cá nhân cho tới sức càn lướt mạnh mẽ thì thật dễ hiểu khi HLV Toshiya Miura đã chọn lối chơi phòng ngự số đông với chiến thuật 5-4-1 để hạn chế sức công phá của đối phương. Dù đá phòng ngự nhưng điều mà tôi hài lòng nhất là việc các cầu thủ Olympic VN luôn giữ được cự ly đội hình khá tốt, bọc lót cho nhau khá kín kẽ. Lối đá ấy giúp cho khung thành của thủ môn Minh Long ít bị chao đảo.
Theo thống kê của tôi trong 45 phút đầu tiên, Công Phượng có chín lần chạm bóng, trong đó ba lần bật tường cho đồng đội, còn lại thì anh luôn bị từ hai đến ba hậu vệ “quây” chặt để truy cản từ xa. Điều này cho thấy đối phương đánh giá cao sự lợi hại của Công Phượng. Tiếc một điều là khi áp dụng chiến thuật nặng về phòng ngự số đông trên sân nhà thì xem như Olympic VN phải “hi sinh” Công Phượng trong vai trò trung phong cắm. Nhìn tiền đạo này mất quá nhiều sức vì di chuyển rộng trên nửa sân đối phương, luôn bị bám chặt, bị truy cản cứng rắn và ngã dài trên sân, chúng ta thật chia sẻ với anh. Nhưng đành phải làm như vậy bởi nếu chơi đôi công với Olympic Nhật Bản thì lưới của Minh Long sẽ rách tả tơi!
Trước sức ép liên tục khi đối thủ kiểm soát bóng đến 60% trong hiệp một thì việc bị thủng lưới chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong tình huống Olympic Nhật Bản mở tỉ số 1-0, tôi không cho rằng cặp trung vệ Ngọc Hải - Tiến Dũng mắc sai lầm mà do Nakajima vừa khéo léo trong đột phá cộng với một chút may mắn khi bóng bật ngược từ chân Minamino khiến cho Nakajima dễ dàng loại bỏ một hậu vệ VN trước khi tung cú sút chuẩn xác.
Bị dẫn bàn, phải liên tục rượt đuổi đối phương đến bở hơi tai, nhưng đáng khen cho các tuyển thủ Olympic VN khi họ vẫn tuân thủ triệt để đấu pháp là phòng ngự kín kẽ. Tiếc một điều là sự tỉnh táo ấy không thể duy trì trong phút cuối cùng của hiệp nhì, bên ngoài sân nhiều trợ lý HLV ra ký hiệu đá chậm lại nhưng trong sân không cầu thủ nào nhìn thấy. Và chỉ một thoáng sơ hở khi hàng tiền vệ không kịp lùi về cản phá đã mở ra cơ hội cho Nakajima ấn định chiến thắng 2-0. Trận đấu được xem là trọn vẹn hơn với thầy trò ông Miura nếu như không có bàn thua này.
Ở góc độ chuyên môn, tôi cho rằng Olympic VN đã chơi đúng bài, đúng chiến thuật vốn đã được tập luyện khá công phu để chuẩn bị cho trận gặp đội mạnh nhất bảng là Olympic Nhật Bản. Chúng ta thua vì trình độ vẫn còn khoảng cách quá xa so với người Nhật.
[box]Olympic VN cần ghi nhiều bàn thắng vào lưới Macau
Trong trận cầu còn lại ở bảng I diễn ra chiều 29-3, Olympic Malaysia đá bại Macau 2-0. Như vậy sau hai lượt trận, Olympic Nhật Bản dẫn đầu bảng I với 6 điểm. Olympic VN và Malaysia có cùng 3 điểm. Olympic VN nhiều khả năng sẽ giành vé với tư cách là một trong năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất nếu thắng đậm Macau ở lượt trận cuối diễn ra chiều 31-3.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận