Ba VĐV dương tính với doping được ghi nhận mới nhất là Cynthia Temitayo Ogunsemilore (Nigeria, quyền anh), Sajjad Sehen (Iraq, judo) và Lisvel Eve Mejia (CH Dominica, bóng chuyền).
Những vụ việc này là một cú đấm mạnh vào nỗ lực của IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) và ITA trong việc đảm bảo sự công bằng ở Thế vận hội.
Chi tiết về các trường hợp dương tính doping:
Cynthia Temitayo Ogunsemilore (Nigeria, quyền anh)
Tay đấm người Nigeria là trường hợp mới nhất bị phát hiện dùng doping. Nữ VĐV quyền anh (22 tuổi) dự kiến sẽ thi đấu ở hạng cân 60kg.
Một mẫu thử được lấy từ Ogunsemilore cho thấy kết quả dương tính với furosemide (thuốc lợi tiểu thuộc danh sách chất cấm của Cơ quan chống doping thế giới - WADA).
ITA cho biết nữ VĐV người Nigeria đã được thông báo về vụ việc và bị đình chỉ tạm thời cho đến khi vụ việc được giải quyết theo quy định của IOC áp dụng cho Olympic Paris 2024.
Điều này có nghĩa là cô bị cấm thi đấu, tập luyện hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào trong khuôn khổ Olympic Paris 2024. Ogunsemilore có quyền kháng cáo quyết định đình chỉ của mình trước Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) và yêu cầu phân tích lại mẫu thử B.
Lisvel Eve Mejia (Dominica, bóng chuyền)
Nữ VĐV bóng chuyền người Dominica (32 tuổi) đã bị kiểm tra và có kết quả dương tính với furosemide trong Giải vô địch bóng chuyền thế giới 2024 (được tổ chức vào tháng 5 và tháng 6).
Cô bị loại khỏi Olympic Paris 2024 và bị thay thế. Nữ VĐV 32 tuổi cho biết cô đã vô tình quên kiểm tra thành phần thuốc trước khi sử dụng.
“Tôi cảm thấy rất tồi tệ và thất vọng về bản thân” - Mejia chia sẻ với báo chí nước nhà.
Sajjad Sehen (Iraq, judo)
VĐV người Iraq là trường hợp đầu tiên dương tính với doping tại Olympic Paris 2024. Anh dự kiến sẽ tham gia Olympic lần đầu tiên ở hạng cân 81kg ở môn judo.
Tuy nhiên võ sĩ 28 tuổi đã dương tính với hai chất cấm là methandienone và boldenone. Đại diện đoàn thể thao Iraq cho biết Sehen đã phẫu thuật và có thể đã sử dụng một số loại thuốc có chứa chất cấm.
Các trường hợp dương tính doping này gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng thể thao. Để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức thể thao, các cơ quan chống doping và các nhà khoa học.
IOC và ITA đã cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống doping và sẽ không khoan dung với bất kỳ hành vi vi phạm nào.
Theo ITA, tổng cộng khoảng 4.000 VĐV Olympic (trong tổng số 10.500) sẽ được kiểm tra doping tại Olympic Paris. Cơ quan này được thành lập vào năm 2018 và được tài trợ một phần bởi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận